Sáng nay, 22/10, Quốc hội tiếp tục làm việc. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013.
Theo đó, trong năm 2013, công tác PCTN đã đạt được kết quả tích cực trên một số mặt công tác... Hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thấp hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng nêu: "Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác PCTN năm 2013 vẫn còn có những hạn chế. Đó là chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với nhiều vị trí công tác chưa được minh bạch, rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.
Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm.
Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN còn hạn chế; vai trò của xã hội trong công tác PCTN chưa được phát huy đầy đủ. Công tác giám sát, kiểm tra, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác kiểm toán, thanh tra, điều tra hiệu quả chưa cao; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.
Vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ".
Lý giải về những hạn chế trên, ông Huỳnh Phong Tranh đã nêu lên một số nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó là bệnh thành tích và né tránh trách nhiệm nên vẫn còn tình trạng bao che cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý.
Ngoài nguyên nhân trên còn có nguyên nhân xuất phát từ một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN có nhiều quy định mang tính hình thức, thiếu tính khả thi , thiếu những giải pháp có tính đột phá; mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa hợp lý, chưa đủ mạnh.
Tổng Thanh tra báo cáo trước Quốc hội: “Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, kết hợp với hiệu ứng tích cực có được từ đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã có tác dụng răn đe tham nhũng. Một số lĩnh vực, qua khảo sát, tình hình tham nhũng đã có xu hướng giảm so với kết quả khảo sát trước đó như thuế, hải quan, truyền thông, dịch vụ đăng ký và cấp phép.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội”.
Trên cơ sở đó, ông Huỳnh Phong Tranh thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ nêu kiến nghị: “Thứ nhất là đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật PCTN với Bộ luật Hình sự; sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn điều tra cho phù hợp với những vụ án tham nhũng, chức vụ có tình tiết phức tạp.
Thứ hai là đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo; hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự có tính định lượng (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, vụ lợi…).
Cuối cùng là đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các cơ quan thông tin báo chí tiếp tục phối hợp cùng Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; nâng cao nhận thức và vai trò của toàn xã hội đối với công tác PCTN để tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác nhằm sớm đạt mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng”.