Khó quy trách nhiệm lái xe cứu thương bỏ người gặp nạn nguy kịch

Tuệ Minh |

Theo LS Cường, khó quy trách nhiệm cho tài xế xe cứu thương bỏ người gặp nạn nguy kịch nhưng về đạo lý thì chưa thỏa đáng.

Thông tin tài xế xe cứu thương của Bệnh viện Phụ sản TƯ từ chối cấp cứu nạn nhân bất tỉnh sau tai nạn trên phố Lê Duẩn (HN) vì đang bận chở một y tá đi hội chẩn ở bệnh viện vào đêm 3/12 đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Để làm rõ những khía cạnh pháp lý trong vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Ths. Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính (Hà Nội).

Theo luật sư Cường, việc cứu người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không chỉ là vấn đề đạo lý mà còn là trách nhiệm pháp lý của công dân.

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Ảnh: Tuấn Nam)
Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Ảnh: Tuấn Nam)

Ông Cường viện dẫn Điều 102 Bộ luật Hình sự: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện là không cứu giúp dẫn đến hậu quả là người đó chết thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Luật sư Cường phân tích tiếp: “Trong sự việc này, khi chứng kiến việc lái xe cứu thương từ chối đưa người bị nạn đi cấp cứu đã gây bức xúc cho nhiều người.

Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm của người lái xe, nên xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện.

Bởi vì, xe cứu thương là loại xe chuyên dụng, khi tham gia giao thông trên đường thường là đang thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể trong trường hợp này đang chở một y tá đi hội chẩn tại Bệnh viện Bạch Mai (Có thể tại bệnh viện, một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đang chờ được cứu chữa).

Do đó, xét về mặt pháp lý, khó có thể quy trách nhiệm cho người lái xe, nhất là trong điều kiện trên đường phố Hà Nội có rất nhiều phương tiện quanh đó".

Tuy nhiên, ông Cường cũng nói thêm: “Xét về mặt đạo lý, y đức, căn cứ các thông tin báo chí đã đưa, có thể nhận thấy việc người lái xe cứu thương từ chối chở người bị nạn đến Bệnh viện Bạch Mai là chưa thỏa đáng.

Bởi vì người lái xe hoàn toàn có thể kết hợp khi xe cứu thương cũng đang trên đường chở y tá đến bệnh viện Bạch Mai để hội chẩn, trên xe lại còn có y tá, có thể sơ cứu cho nạn nhân.

Rất may là trong sự việc này, nạn nhân cũng đã được cấp cứu kịp thời, hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra".

“Tuy nhiên, qua sự việc này, các bệnh viện, cơ sở quản lý xe cấp cứu cũng nên có những quy định, hướng dẫn cụ thể đối với những người lái xe cấp cứu để họ có cách hành xử đúng đắn, có tình có lý trong những tình huống tương tự”, LS Chu Mạnh Cường nói.

Được biết, sau khi nhận được phản ánh, Ban lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu tài xế Trần Văn Khánh điều khiển xe cứu thương trên làm tường trình. Và trong ngày hôm nay, 5/12, lãnh đạo bệnh viện sẽ họp về sự việc này.

Sau khi cấp cứu, nạn nhân Trần Minh Hiếu (29 tuổi, ở phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) được chẩn đoán bị đa chấn thương vùng đầu, mặt, cơ thể mất nhiều máu nên được chuyển sang bệnh viện Saint Paul điều trị.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại