Học sinh tiểu học sẽ có Chủ tịch, Phó chủ tịch... ở mỗi lớp?

Y.Dương |

Trong Dự thảo điều lệ trường tiểu học mới được Bộ GD - ĐT công bố, học sinh tiểu học sẽ có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh... ở mỗi lớp.

Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học này sẽ thay thế Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT.

Trong đó, học sinh đ­ược tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.

Cũng theo dự thảo, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy một hoặc nhiều môn học.

Số lượng học sinh và số lớp trình độ trong một lớp ghép phù hợp năng lực dạy học của giáo viên và điều kiện địa phương.

Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh.

Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.  

Những lớp cùng trình độ lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung.

Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép học sinh nhiều trình độ. Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh.

Dự thảo cũng nhấn mạnh học sinh được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.

(Hình minh họa: Giáo dục thời đại)
(Hình minh họa: Giáo dục thời đại)

Đặc biệt, học sinh được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh; được chăm sóc và giáo dục hoà nhập (đối với HS khuyết tật) theo quy định.

Theo thông tin tin trên tờ Vietnamnet, tổ chức lớp học với "chủ tịch hội đồng tự quản" và các ban (như ban thể thao, ban văn nghệ, ban học tập...) là cách mà mô hình trường học mới (VNEN) đang được Bộ GD-ĐT thí điểm ở hàng ngàn trường tiểu học trên cả nước.

Việc thí điểm này được thực hiện theo một dự án vay vốn ODA.

Trong một diễn biến khác, sau khi dự thảo trên được công bố, nhiều giáo viên đặc biệt quan tâm đến thông tin lớp tiểu học sẽ có chủ tịch hội đồng tự quản học sinh.

"Mô hình trường học mới VNEN khi đưa vào thực tế vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên trao “quyền hành” cho HS ở độ tuổi các em còn non nớt. Vì vậy vẫn còn không ít băn khoăn về điểm này của dự thảo", tở Tuổi trẻ cho hay.

Một số giáo viên khác thì băn khoăn về con số 35 học sinh/lớp theo dự thảo. Tại các thành phố lớn, những trường chưa chuẩn thì phải “gánh” sĩ số HS lên tới 50 em/lớp.

Trái ngược với những băn khoăn, ông Phạm Ngọc Định (Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT) thông tin trên Tuổi trẻ, mô hình này có rất nhiều ưu điểm.

Trong đó, ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

(Tổng hợp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại