Điều đáng nói là các em đã phải bơi dưới trời giá rét từ 11-16oC chỉ vì một kế hoạch đã được người lớn định trước!
Không ít thầy giáo, cô giáo và phụ huynh (đứng trên bờ trong những bộ quần áo ấm dày cộp) đã cảm thấy xót xa khi chứng kiến cảnh các em co ro, run lẩy bẩy nhảy xuống hồ nước bơi. Để rồi sau đó những tấm thân trần yếu ớt, nhỏ bé của các em tím tái trong làn gió và nước lạnh như dao cắt vào da thịt.
Nhiều người dân sống quanh đập tràn xã Quảng Phong, nơi diễn ra cuộc thi bơi, đã bức xúc đề nghị các thầy cô giáo hoãn cuộc thi bơi lại chờ ngày nắng ráo. Một người kể lại rằng có em sau khi nhảy xuống nước đã phải vội vàng xin người cứu hộ kéo lên thuyền vì bị cóng hết tay chân. Có em khi thi bơi về đã bị sốt, ho vì viêm phổi hay cảm lạnh...
Có cô giáo thương học trò quá, cứ chạy theo các em, đợi khi các em leo lên bờ là vội vàng dùng khăn và áo ấm quấn thêm cho các em khỏi lạnh. Một số phụ huynh đã không cho con tham gia cuộc thi bơi nữa. Người lớn cứ hình dung, thậm chí là thử liều bơi một vòng, chắc chắn sẽ biết cảm giác răng va lập cập vào nhau như thế nào.
Trả lời báo chí về cách thức và thời gian tổ chức cuộc thi bơi “đặc biệt” này, một lãnh đạo UBND huyện và một lãnh đạo phòng giáo dục - đào tạo huyện đã nói là không thể trì hoãn cuộc thi sang ngày khác nắng ráo hơn, vì cuộc thi bơi này đã được lên kế hoạch trong Hội khỏe Phù Đổng của huyện, và phòng giáo dục - đào tạo huyện chỉ là đơn vị tham mưu. Và khó dời sang ngày khác vì ảnh hưởng đến các công việc khác cũng như liên quan đến kinh phí và tốn kém?!
Làm công tác giáo dục, đặc biệt hơn nữa là với các em ở cấp tiểu học và THCS, thì tình thương là điều đầu tiên cần phải có. Nếu sau cuộc thi bơi, khi trách nhiệm và công việc của UBND huyện và phòng giáo dục - đào tạo huyện đã xong, các em về nhà mà bị đau ốm thì ai sẽ là người phải lo lắng, chăm sóc các em? Ai sẽ là người xót lòng cho sức khỏe các em? Trong trường hợp này, chắc chắn không phải UBND huyện hay cán bộ phòng giáo dục - đào tạo huyện.