Học sinh tò mò, thích thú
Đây là phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn tự nhiên như Hóa, Lý, Sinh. Phương pháp“Bàn tay nặn bột” (tiếng Pháp: “La main à la pâte”; tiếng Anh: Hands on) được Bộ GD đưa vào thí điểm tại các trường của 8 tỉnh trên cả nước trong gia đoạn từ năm 2011 – 2015.
Trên thực tế, sau 2 năm thực hiện, phương pháp đã đem lại nhiều kết quả tốt trong quá trình giảng dạy. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD Hà Nội, phương pháp này được thí điểm trên địa bàn 5 quận huyện và khiến học sinh rất thích bởi các em được trình bày hiểu biết, tự tay làm thí nghiệm, quan sát trực tiếp các hiện tượng, đưa ra những câu hỏi thắc mắc và tăng cường thảo luận nhóm.
Đánh giá về phương pháp này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: “Phương pháp này nâng cao kỹ năng thực hành, để học sinh thảo luận, nghĩ nhiều hơn, tự tìm tòi tìm ra kiến thức mới, các em biết cách học, nghiên cứu khoa học, tiếp thu kiến thức thoải mái, không bị gò ép”.
Thứ trưởng Bộ GD Nguyễn Vinh Hiển đánh giá đây là phương pháp giúp các em thảo luận nhiều hơn, suy nghĩ và sáng tạo hơn.
Là người trực tiếp giảng dạy theo phương pháp này, giáo viên Nguyễn Văn Cần (Thừa Thiên Huế) cho biết, giáo viên giống như người bảo trợ khoa học, có vai trò dẫn dắt học sinh đi đúng hướng và tìm ra kết luận của bài học.
“Học sinh tự tin, mạnh dạn đưa ra các ý kiến của mình, chủ động ghi lại suy nghĩ, dự đoán, giải thích, hiện tượng thí nghiệm, phát huy tích cực tính sáng tạo trong học tập. Các em tự đưa ra các tình huống giải quyết vấn đề tìm ra kết quả, tự mình thực hiện ý tưởng khoa học”, thầy Cần nêu rõ.
GV Nguyễn Văn Cần nói, thực tế việc áp dụng phương pháp này gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, không phải tiết học, chương nào cũng áp dụng phương pháp “bàn tay nặn bột”. Như nhận xét của cô Tạ Thị Huế - Hiệu trưởng Trường THCS Phường Tư (Cà Mau) thì các tổ môn, nhà trường lựa chọn các tiết, bài phù hợp để áp dụng chứ không phải toàn bộ chương trình.
Hơn nữa, việc áp dụng phương pháp này ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như trang bị cơ sở vật chất, nội dung chương trình chưa phù hợp, năng lực của giáo viên, phụ thuộc khả năng nhận thức của học sinh…
Vướng mắc nhiều khó khăn
Đa phần ý kiến các lãnh đạo Sở GD, giáo viên các trường đều cho rằng cơ sở vật chất của nhà trường không đồng bộ, khó áp dụng được phương pháp “bàn tay nặn bột” hiệu quả nhất.
Đại diện Sở GD Hòa Bình lý giải, hiện nay các trường bàn ghế bố trí theo dãy không thuận lợi, diện tích phòng học quá hẹp để tổ chức thảo luận…Ngoài ra, dụng cụ thí nghiệm chưa đầy đủ, hầu hết chưa có phòng thí nghiệm riêng. Hơn nữa, thực tế số lượng học sinh trong một lớp quá đông (hơn 40 em), trong khi đó theo phương pháp chỉ từ 25 – 30 em.
Một giáo viên dạy Hóa (Ninh Bình) đề xuất Bộ cho phép giáo viên được phép linh động, không gò bó trong chương trình trong quá trình dạy theo phương pháp này.
Ngoài ra, thời lượng giảng dạy 1 tiết gò bó trong 45 phút hiện nay là không phù hợp với phương pháp này. “Chúng tôi bị thiếu thời gian thử nghiệm và cần thêm tiết để thực hiện. Việc thêm, bớt tiết rất khó. Nếu dạy thời lượng đó với chương trình hiện nay thì không thể được”, một đại biểu Ninh Bình nói.
Thực tế, để tiến hành áp dụng phương pháp đồng bộ ở tất cả các trường, vùng miền gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng nông thôn.
“Năm nay nhà trường mới có thiết bị thí nghiệm nên việc áp dụng còn khập khễnh và thường chỉ có những lớp chọn, lớp giỏi mới áp dụng được phương pháp này vì năng lực nhận thức của học sinh đồng đều, còn đối với lớp bình thường các em còn thụ động”, giáo viên Huỳnh Văn Mến (dạy môn Hóa học tại Trường THPT Bình Thạnh Trung, Đồng Tháp) thẳng thắn nói.
Và khó khăn lớn nhất chính là năng lực của giáo viên và sự hợp tác của học sinh. Nhiều giáo viên còn dè dặt khi tổ chức, khả năng giảng dạy còn hạn chế, một số em chưa dám đề xuất câu hỏi. Thậm chí, nhiều giáo viên đã được tập huấn nhiều lần cũng gặp không ít bỡ ngỡ, lúng túng.
“Phương pháp nặn bột” được đánh giá là cách dạy hiệu quả cao nếu được đáp ứng điều kiện trong giảng dạy. Hầu hết đề xuất cho rằng, cần biên soạn lại chương trình sách giáo khoa để phù hợp với phương pháp này, giảm số lượng học sinh trong một lớp và cần tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên làm quen, rút kinh nghiệm.
Đề xuất ý kiến từ kinh nghiệm thực tế, giáo viên tỉnh Ninh Bình nói: “Tôi là giáo viên dạy Hóa, phương pháp này giúp học sinh nhớ lâu hơn. Và để đạt hiệu quả, tôi mong Bộ GD cho phép giáo viên sáng tạo, linh động nội dung chương trình, khoán cho mỗi đơn vị kiến thức chứ không khống chế trong một tiết”.
Để giải đáp thắc mắc, kiến nghị của nhiều đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể sử dụng kiến thức tích hợp, phối hợp nhiều phương pháp và có quyền sắp xếp, thiết kế thời gian, kế hoạch dạy phù hợp với điều kiện, thời gian chứ không nhất thiết phải đi theo bài, tiết. Không bắt buộc dạy toàn bộ kiến thức trên lớp mà cần hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu ở nhà.
Về cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh có thể tự tìm những thiết bị thí nghiệm đơn giản phục vụ bài học. Và để nâng cao năng lực giáo viên, Bộ GD sẽ tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn giáo viên dạy theo phương pháp này”.