GS Thịnh: "Trang trí lòe loẹt đang nông thôn hóa Hà Nội"

Hoàng Đan |

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, những trang trí lòe loẹt ở các tuyến đường, phố đang khiến Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến bị... nông thôn hóa.

Nông thôn hóa đô thị

Những ngày qua, dư luận đã có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc trang trí ở các tuyến đường, phố của Hà Nôi chào đón năm mới. Trong số đó, đa phần đều bày tỏ sự không đồng tình với những trang trí lòe loẹt, thậm chí như mê cung, nhà quê hóa...

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, ông đã theo dõi các thông tin được báo chí phản ánh và cũng trực tiếp đi qua nhiều tuyến phố được trang trí của Hà Nội trong thời gian qua.

"Trang trí lòe loẹt như thế chính là hình thức nông thôn hóa đô thị, nông thôn hóa Hà Nội, nhà quê quá. Không phải đến bây giờ mà mấy năm nay, tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu cũng đã nói rồi.

Cái đẹp của Hà Nội là tự nhiên chứ không phải đèn xanh, đèn đỏ. Giờ đi ra nhiều đường phố đều thấy, đèn xanh, đèn đỏ che lấp hết cả, cây chặt đi để mắc đèn. Rất nhà quê và rất khó chịu", GS Thịnh bày tỏ.

Cũng theo GS Thịnh, nếu ai đi qua khu vực đường Điện Biên Phủ hay khu vực bờ Hồ sẽ thấy trang trí "chi chít vào không nhìn nổi cây xanh và cái đấy chúng tôi gọi là văn hóa nhà quê".

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng ví von, trang trí Hà Nội hiện nay giống như một cô gái nhà quê mới lên phố và nhìn thấy phấn son lần đầu nên cố gắng "bôi, trát thật nhiều".

"Tôi không biết các nhà nghiên cứu, kiến trúc đi đâu để họ không có chút thẩm mỹ nào cả, cứ nghĩ như thế là đẹp và làm càng nhiều, nông thôn hóa đô thị đi", GS Thịnh chia sẻ.

GS Thịnh cũng nhấn mạnh thêm, thực tế, ở nhiều nước phương Tây, họ đã không còn giữ việc trang trí lòe loẹt như Hà Nội mà lấy cái đẹp tự nhiên làm gốc.

GS Ngô Đức Thịnh
GS Ngô Đức Thịnh

"Quốc tế họ đã bỏ từ lâu rồi còn mình như là làn sóng ngoại biên cuối cùng của công nghiệp hóa kiểu phương Tây. Đó không phải là hiện đại, các nước họ không trang trí như vậy mà họ tôn trọng cái đẹp tự nhiên.

Thực tế, Hà Nội chúng ta có rất nhiều cái riêng, tự nhiên mà các nước họ từng đánh giá, khen ngợi và mong ước nên chúng ta phải tôn trọng, trả lại cái đẹp tự nhiên cho thủ đô ngàn năm văn hiến này.

Còn việc cứ để xanh xanh, đỏ đỏ như thế này thì không ổn chút nào", GS Thịnh nêu rõ.

Trước ý kiến về việc trang trí này lấy kinh phí từ nguồn xã hội hóa nên đôi lúc, với những người bỏ tiền ra tài trợ, người ta cũng muốn ý tưởng của cá nhân được thực hiện và trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải cầm trịch, điều hòa.

Nêu quan điểm của mình, GS Thịnh nhìn nhận: "Lấy kinh phí ở đâu thì lấy nhưng việc thể hiện nó phải phù hợp, văn minh hơn, còn chưa chắc người bỏ tiền ra đã đòi hỏi như vậy".

Cần phải chỉnh sửa cho phù hợp

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho hay, bà cũng đã theo dõi rất kỹ các ý kiến của dư luận về việc trang trí Hà Nội thông qua phản ánh của báo chí.

Theo bà An, việc trang trí nhân các dịp sự kiện, lễ lớn là cần thiết, tuy nhiên, cần phải tùy thuộc vào đặc thù của từng thành phố, địa phương.

Trang trí trên phố Phan Đình Phùng.
Trang trí trên phố Phan Đình Phùng.

"Nhất là thủ đô Hà Nội chúng ta có lịch sử ngàn năm văn hiến, có đặc thù, đặc trưng riêng cho nên khi trang trí phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, đặc trưng, an toàn.

Thêm vào đó, thủ đô không phải là của riêng người dân thủ đô mà là của cả nước, là trung tâm văn hóa, chính trị, khoa học, giáo dục...

Ở đây, khách quốc tế đến rất nhiều nên việc trang trí càng phải được xem xét, nghiên cứu thật kỹ, thể hiện văn hóa, văn minh chứ không phải trang trí không đảm bảo như thế", bà An nói.

Bà An cũng cho biết thêm, trước ý kiến của dư luận về việc trang trí lòe loẹt, không đảm bảo thẩm mỹ ở thủ đô, bà đã có đề nghị trực tiếp với một Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

"Tôi đã đề nghị với đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố là phải cho xem lại, chỉnh sửa cho phù hợp. Vừa qua, việc tháo dỡ đài hoa ở khu vực đài phun nước Đông Kinh Nghĩa Thục cũng là một động tác tiếp thu của lãnh đạo thủ đô.

Cá nhân tôi tin các đồng chí sẽ lắng nghe người dân và chỉ đạo việc chỉnh sửa cho phù hợp, bởi những đèn trang trí này không giống như lọ hoa tươi cắm, vài hôm héo đi mà nó còn tồn tại lâu dài.

Do đó, cần nghiên cứu rất chuẩn, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhất là những nhà kiến trúc, nghệ thuật, đồng thời, lắng nghe ý kiến nhân dân để chỗ nào chưa chuẩn cần làm lại", bà An nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại