HN bị chê trang trí lòe loẹt: "Không thể theo ý người bỏ tiền"

Hoàng Đan |

Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội Lê Văn Lân cho rằng, với việc trang trí ở Thủ đô dù có xã hội hóa thì cũng cần phải có một bàn tay để chỉ huy chứ không thể muốn làm gì thì làm.

Trang trí Hà Nội đang được làm ào ào

Trên mạng xã hội đã có nhiều lời chê bai về việc trang trí đường phố ở Hà Nội trong dịp đón chào năm mới 2016.

Trao đổi với chúng tôi, KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, không phải đến bây giờ mà đã nhiều năm qua, việc trang trí ở Thủ đô không được chú ý.

"Các cuộc lễ trước đây, việc trang trí của Hà Nội cũng như vậy, nó thiếu đi một chất nghệ thuật và không xứng tầm với một thành phố Thủ đô.

Ngay cách đây 5 năm, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì việc trang trí cũng đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng. Trong đó có thể kể đến bảng đếm ngược ở đền bà Kiệu...", KTS Lân nói.

Cũng theo ông Lân, so với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước thì việc trang trí ở Hà Nội được làm một cách ào ào, thẩm mỹ kém.

"Đã thế, sau lễ còn dây dưa, kéo dài mấy tháng sau có sự kiện mới gỡ các trang trí, thành ra, làm cho người dân cảm thấy không còn thú vị với bộ mặt của thành phố trước những ngày lễ.

Trân trọng những ngày lễ là phải qua ngày rồi dỡ ngay. Như vậy, cộng đồng mới cảm thấy những thời khắc trôi qua thiêng liêng và đáng nhớ", KTS Lân chia sẻ.

KTS Lê Văn Lân. Ảnh: Vnmedia
KTS Lê Văn Lân. Ảnh: Vnmedia

KTS Lân cũng bày tỏ, trong việc trang trí nói riêng và xây dựng các công trình ở Thủ đô nói chung, điều quan trọng là phải tham khảo giới chuyên môn ngay từ đầu. Giới chuyên môn phải tiếp cận được phác thảo trước khi thực hiện và công bố các công trình.

"Khi công trình đã hoàn thành rồi bị phản ứng mới kêu gọi ý kiến chuyên gia thì e chừng đã muộn. Bởi việc chỉnh sửa công trình có sẵn khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều mà chất lượng khó được như ý", ông nhấn mạnh.

Trước ý kiến của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao HN cho rằng, việc trang trí đang được xã hội hóa nên với trách nhiệm của Sở phải đảm bảo hài hòa giữa mối quan hệ của cơ quan quản lý Nhà nước, mong muốn của người tài trợ và lợi ích người dân, KTS Lân nhìn nhận:

"Tôi không nghĩ ai có tiền bỏ ra thì muốn làm cái gì cũng được. Tôi đứng về phía là thà không có gì tốt còn hơn là có nhiều nhưng lại không tốt. Tôi không phải ở tầm điều hành để quản lý điều đó.

Nhưng tôi cho rằng, dù cho xã hội hóa cũng không phải muốn làm gì thì làm mà cần một bàn tay chỉ huy tổng thể, không thể theo ý của người bỏ tiền.

Thà không làm thì ít nguy hiểm còn có tiền làm mà hỏng thì sẽ càng nguy hiểm hơn nhiều. Nếu ngành nào cũng lấy xã hội hóa để rồi làm như thế thì sẽ ra sao đây...?".

Còn trên trang cá nhân của mình, nhà văn, nhà thơ Bùi Hoàng Tám đưa ra nhận xét về việc trang trí cho thủ đô như sau: "Hà Nội mấy hôm nay như cô gái quê lần đầu lên thành phố, vớ được hộp son vội vã trát lên mặt".

Người khen thì ít, người chê thì nhiều

Cùng trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân Thủ đô lại có những ý kiến trái chiều nhau về cách trang trí ở Hà Nội trong những ngày qua.

Trong khi có một số người cho rằng, việc trang trí như vậy là được, bắt mắt, làm cho Hà Nội lung linh, đẹp hơn về ban đêm thì nhiều người lại nhấn mạnh, nó quá lòe loẹt, diêm dúa, tốn kém không cần thiết.

Anh Lê Tuấn Dũng, nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh cho hay, thực tế anh cảm thấy việc trang trí này là bình thường và nó giúp cho thành phố đẹp hơn trong dịp cuối năm cũng như đầu năm mới.

"Tôi cũng có theo dõi một số ý kiến trên mạng xã hội facebook, nhưng cá nhân tôi thấy việc trang trí này giúp trang hoàng Hà Nội đẹp hơn, nhất là về ban đêm, đi ở đường Nguyễn Chí Thanh này thấy rực rỡ sắc màu hơn.

Một số người cũng bảo là lòe loẹt nhưng tôi thấy đây là sự đa sắc màu", anh Dũng nói.


Các cây đào trang trí trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Các cây đào trang trí trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Trong khi đó, cũng cùng trên con phố này, chị Đỗ Thị Mai lại cảm thấy nhức mắt khi nhìn những dàn đèn, hoa nhấp nháy, sáng đủ màu lòe loẹt vào ban đêm.

"Nói thực là nó chẳng ra đâu vào đâu cả. Màu mè thì phối trộn đủ kiểu, không có thẩm mỹ, hài hòa gì. Chưa kể ban ngày mà đi qua nhìn những cây đào, hoa đào thì càng thấy nó diêm dúa không cần thiết", chị bày tỏ.

Một số người dân thường xuyên qua lại khu vực Lăng Bác và đường Phan Đình Phùng hay khu vực bờ Hồ cũng cho rằng, đơn vị trang trí sử dụng quá nhiều đèn, đồng thời, các họa tiết hoa, lá... trang trí đều rất thiếu thẩm mỹ.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, việc trang trí trên các tuyến đường, phố cũng như một số khu vực của Hà Nội vẫn đang tiến hành làm và lắng nghe ý kiến để chỉnh sửa cho phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại