Vào ngày 20/5, trên trang cá nhân, TS. Giáp Văn Dương có đăng tải một đường link từ báo The Guardian có bài toán dành cho học sinh lớp 3 và "rủ" các nhà toán học Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải, Nguyễn Tiến Dũng cùng giải.
Kèm theo đó, ông đặt câu hỏi: "Thực sự muốn biết các GS làm bài này hết bao nhiêu thời gian?".
Đây là một bài toán dành cho học sinh lớp 3 ở Việt Nam đang gây sốt trong nước và cả trên báo The Guardian (Anh).
Đáp lại lời thách đố trên, mới đây, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã lên tiếng bình luận rằng ông không hiểu đề bài và dù có hiểu cũng không làm được ngay: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!”, trích bình luận của GS. Châu.
Sau khi bài toán lớp 3 được TS. Giáp Văn Dương “rủ” 4 nhà toán học Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải và Nguyễn Tiến Dũng cùng làm, đã có không ít người cũng “thử sức” với bài toán này để biết mình làm mất bao nhiêu thời gian.
Trong đó có bạn Vũ Hoàng Sơn (cựu HS chuyên Hóa Trường Khoa học Tự nhiên, là 1 trong 4 thí sinh tham dự chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2013) nói: “Thực ra em chỉ mò mất 3 phút để có đáp án”.
Sơn lý giải: “Ban đầu nhìn qua thì khó nhưng em vừa mò mẫm vừa tính toán để ra kết quả. Thực ra sẽ có nhiều đáp án, nhưng em không tìm ra quy tắc – em nghĩ đó mới là điều khó”.
Khi chúng tôi nói bài toán này được giao cho học sinh lớp 3, Sơn bất ngờ: “Lớp 3 thì em thấy rất khó, nếu không cầm máy tính mà bấm tay thì khó giải lắm”.
Đáp án mà Sơn đưa ra như sau: (6) + 13x(5) :(1) +(1) +12x(2) - (9) - 11-(1)x(1):(1) - 10 = 66
(5) + 13x(5):(1) +(1) + 12x(2) - (9) - 11 + (1)x(1):(1) - 10 = 66.
Trao đổi với chúng tôi, bạn Nguyễn Ngọc Thiện (Thủ khoa 29 điểm ĐH Ngoại thương 2012) cho hay, bài này có thể không có cách giải chính thống, nếu có thì rất dài và thử nhiều, không thể giải với suy luận thông thường.
“Chắc chắn có nhiều đáp án vì trong các ô cần điền, một số ô có vai trò như nhau. Bài toán không có ý nghĩa về mặt giáo dục, không rút ra được nhiều tư duy toán học khi giải được.
Có thể thấy tác giả đơn thuần là nghĩ ra một dãy số và xóa đi để đánh đố. Việc giải gây ức chế cho người giải và mất rất nhiều thời gian”, Thiện khẳng định.