GS. Ngô Bảo Châu: "Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua..."
Khi được TS. Giáp Văn Dương "rủ" cùng giải toán lớp 3 này trên trang cá nhân, mới đây, GS. Ngô Bảo Châu đã bình luận rằng, ông không hiểu đề bài và dù có hiểu cũng không làm được ngay.
Vị GS này nói: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!”.
Trước đó, GS. Nguyễn Tiến Dũng (người từng là thần đồng toán học, hiện giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp) cho biết làm xong bài toán trong 18 phút.
GS. TS. NGND Hoàng Xuân Sính: "Bài toán chỉ để đố đồng nghiệp"
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, GS.TS. Hoàng Xuân Sính cho rằng, bà không muốn "ngó qua" bài toán lớp 3 gây sốt này. Bởi bà từng vấp phải bài toán luyện thi vào lớp 6 của đứa cháu tại 1 trường chuyên nức tiếng của Hà Nội cũng khác hóc búa.
Theo đó, vị TS này đã phải mất cả buổi để tìm cách diễn giải sao cho đứa cháu đang ôn thi vào lớp 6 của mình hiểu cách làm.
Bà nhấn mạnh: "Các bài toán như thế đưa ra chỉ là để “đố” đồng nghiệp của nhóm khác cho vui thôi chứ không phải cho học trò nên các thầy không phải tranh cãi nhau làm gì”.
TS. Nguyễn Văn Khải: "Có nhiều bài toán khác cần thiết hơn..."
Khi biết câu chuyện TS. Dương "rủ" các nhà toán học giải bài toán lớp 3 này, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải chia sẻ, “trò chơi” đó là không cần thiết vì ông cũng có thể đố bài vật lý lớp 4 mà các GS không giải được.
“Có nhiều bài toán khác cần thiết hơn mà chúng ta cần giải.
Ví dụ như: "Tại sao cứ đi 30m lại gặp 1 hố ga", hay "Lời giải nào cho bài toán cứu giá cho nông dân trong mùa vải, mùa nhãn, mùa ổi sắp tới…". Đó mới là những bài toán cần giải trong lúc này”, vị TS này nêu quan điểm.
PGS. TS. Văn Như Cương: "Bài toàn không có ý nghĩa về mặt giáo dục"
Theo thông tin trên tờ Vietnam Plus, PGS.TS. Văn Như Cương đánh giá, bài toán có thể có nhiều đáp án mà nếu chỉ cần chọn một trường hợp thôi thử đã đủ mệt. Đến cả người lớn nhiều người cũng vài ngày chưa chắc nghĩ ra chứ đừng nói học sinh lớp 3.
Ông cho biết, bài toán có quá nhiều ẩn số, quá nhiều phép tính liên tục.
"Với một bài toán quá khó và phức tạp như trên thì hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa về mặt giáo dục. Trái lại, nó còn làm học sinh mất thời gian, ức chế, căng thẳng không cần thiết", nguồn trên thuật lại lời PGS.TS. Văn Như Cương.
GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp: “Phải tôn trọng sự khác biệt”
Không đi cụ thể vào bài toán lớp 3 mà các giáo viên của một trường tiểu học ở Lâm Đồng sưu tầm giao cho học sinh làm, GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT) so sánh khá thú vị trên tờ Dân Việt:
"Không thể nói một học sinh giỏi về âm nhạc không thông minh bằng học sinh giỏi toán.
Bởi theo khoa học, bộ não con người phân từng vùng phát triển khác nhau. Người phát triển bán cầu lão trái thường giỏi toán, người phát triển bán cầu não phải thường giỏi âm nhạc, hội họa.
Mỗi người có một sự khác biệt, xuất sắc theo các hướng khác nhau. Phải tôn trọng sự khác biệt đó, mọi sự phân biệt, kỳ thị đều sai”.
TS Nguyễn Huy Đoan: "Bài toàn hoàn toàn không phù hợp học sinh lớp 3"
TS Nguyễn Huy Đoan, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định trên tờ Zing, nếu phải giải toán lớp 3 này, học sinh tiểu học chỉ có một cách duy nhất là mò mẫm, như thế không thể nói rèn luyện tư duy tốt.
"Bài toán tuy chỉ cần đến kiến thức lớp 3, nhưng hoàn toàn không phù hợp học sinh lớp 3 nếu xét cả 2 tiêu chí: Mức độ yêu cầu của chương trình (dãy tính quá dài – tới 12 phép tính) và phương pháp tư duy.
Nó chỉ phù hợp trong một cuốn sách tham khảo dành cho mọi đối tượng yêu toán và cũng chỉ nên giới hạn ở việc tìm một kết quả mà thôi", TS. Đoan thông tin trên tờ Zing.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa: "Không thể đưa ra trong cuốn sách giáo khoa"
Cũng theo tờ Zing, PGS.TS. Vũ Đình Hòa ( người đầu tiên giành HCB Toán quốc tế) đã thử giải bài toán trên.
Sau đó, ông kết luận, không thể đưa ra trong cuốn sách giáo khoa hoặc trong một bài kiểm tra thông thường. Ngoài ra, đề bài toán cần phải diễn đạt thật rõ ràng để tránh cho học sinh không thể hiểu nhầm.
"Ở đây, tôi có nghi ngờ là đề bài toán gốc (bài toán này có thể lấy từ nguồn nào đó) có điều kiện các số trong các ô khác nhau là khác nhau (vì khi đó bài toán mới thật sự hấp dẫn về mặt toán học)", vị này nhấn mạnh.
(Tổng hợp)