Trong những ngày vừa qua, những thông tin về “cha đẻ” của trò chơi gây sốt trên mạng – Flappy Bird luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Là người kiệm lời đối với báo chí nên thông tin “vào lúc 2 giờ sáng 9/2, Hà Đông xin lỗi những người dùng Flappy Bird” và "22 giờ nữa, kể từ bây giờ, tôi sẽ hạ Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu được nữa" dù không gặp vấn đề pháp lý càng khiến dư luận ngỡ ngàng.
Khi có thông tin về việc chàng thanh niên Nguyễn Hà Đông gỡ game Flappy Bird, trên trang mạng xã hội Facebook đã xuất hiện không ít các ý kiến cho rằng việc gỡ bỏ game là biện pháp để tác giả tránh những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như các vấn đề về thuế.
Để hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS, Luật sư Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc. Luật sư Phạm Thanh Bình cho hay: “Tôi có theo dõi thông tin về tác giả Nguyễn Hà Đông và trò chơi Flappy Bird. Về nguyên tắc, hành vi vi phạm bản quyền của Nguyễn Hà Đông đã hoàn thành từ lúc anh ta thực hiện hành vi đó. Và trên thực tế, trò chơi này đã được đưa lên mạng từ lâu chứ không phải là đưa lên rồi gỡ bỏ luôn. Cho nên, dù tác giả game có gỡ trò chơi đi rồi thì các công ty bị vi phạm bản quyền vẫn có quyền khởi kiện.
LS, ThS Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc.
Còn về thuế thu nhập cá nhân, ai có thu nhập theo mức quy định thì phải chịu thuế. Đó là chưa kể về việc nếu chậm nộp thuế theo quy định thì sẽ bị xử lý về việc chậm nộp thuế và nghiêm trọng hơn là tội trốn thuế.
Việc gỡ đi chỉ là hạn chế hậu quả chứ không phải là tình tiết loại trừ trách nhiệm trong hai trường hợp này. Việc truy thu thuế cũng sẽ được tính đến ngày ông ta gỡ bỏ game bởi khi đó thu nhập 1 tỷ đồng/ngày sẽ không còn nữa”.
Có cùng quan điểm này với Luật sư Phạm Thanh Bình, Luật sư Cao Bá Trung - Giám đốc Hãng Luật INCIP nêu quan điểm: “Việc gỡ game chỉ là việc khắc phục hậu quả và không tiếp tục vi phạm bản quyền. Về mặt hành chính, đã có vi phạm thì sẽ bị xử lý, có thể là xử lý hành chính về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Còn về nguyên tắc thu thuế, đã phát sinh thu nhập là phải đóng thuế, nếu chưa đóng thì phải truy thu”.
Cũng qua sự việc này, Luật sư Phạm Thanh Bình bày tỏ sự đáng tiếc khi ở Việt Nam tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn khá phổ biến nhất là lĩnh vực phần mềm.
“Công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền còn chưa nghiêm. Vì thế, ngoài việc kêu gọi tính tự giác và tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ thì các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa về công tác kiểm tra và xử phạt những cá nhân tổ chức có vi phạm”, luật sư Bình nói.
Theo LS Phạm Thanh Bình, trước nhất, bản thân mỗi cá nhân cũng phải tôn trọng bản quyền tác giả để tránh những vấn đề liên quan đến pháp lý và cũng là biện pháp bảo vệ các tác phẩm của chính mình.