"Giá mà con có thêm 10 nghìn đồng, mẹ đã có tô cháo thịt..."

Mạnh Mường - Trần Toản |

Suốt nhiều năm liền, Lê Thị Huyền đạt thành tích học sinh xuất sắc, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Nhưng hiện em đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì bố mất sớm, mẹ mắc chứng tâm thần phân liệt.

Bố mất sớm, cô học trò nhỏ trở thành chỗ dựa cho người mẹ tâm thần

Trong cơn mưa chiều rả rích của tiết trời cuối hạ, chúng tôi tìm về thăm mẹ con bà Đỗ Thị Thanh (sinh năm 1959) ở thôn Vĩnh Xương, xã Mỹ Thành, Mỹ Đức, Hà Nội.

Trong căn nhà cũ kỹ lợp bằng tôn, bề ngang rộng chừng 2,5m, mẹ con bà Thanh đang ăn cơm chiều. Bữa cơm chỉ có rau muống luộc và một ít tóp mỡ.

Ngôi nhà mà hai mẹ con bà không có giếng nước, không có nhà vệ sinh, Lê Thị Huyền (con gái bà Thanh) phải đi gánh nước ở giếng làng về dùng. Mùa gặt, Huyền cũng phải mang lúa sang nhà hàng xóm phơi nhờ.

Khi Huyền vừa tròn 5 tuổi thì người cha đột ngột qua đời sau tai nạn ngã xuống giếng.

Hụt hẫng, đau đớn, hoang mang vì sự ra đi đột ngột của chồng cùng gia cảnh túng quẫn khiến tâm trí bà Thanh dần điên loạn. Bà ôm con gái về quê ngoại ở nhờ nhà anh trai.

Ngoảnh mặt quay đi, nhưng nước mắt người đàn bà vẫn trào ra, đưa tay gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má, bà Thanh nói:

“Tôi cũng động viên con, đời mẹ vất vả rồi, giờ mẹ bệnh tật nhưng cố gắng để nuôi con được ăn học bằng bạn bằng bè. Ngặt nỗi, giờ con gái tôi mới đang bắt đầu học lên lớp 12 thì tôi lại mắc bệnh, thời gian nằm ở viện điều trị nhiều hơn ở nhà.

Con đi học, mẹ ốm không có tiền nuôi con mà không có ai chăm sóc con được nữa, chỉ mong có người cưu mang con tiếp tục đi học, để sau này đỡ vất vả”.

Khi bệnh tình không phát tác thì chị Thanh rất hiền từ, rất thương con gái

Khi bệnh tình không phát tác thì bà Thanh rất hiền từ, thương con gái

Thấy mẹ khóc, mắt Huyền cũng đỏ hoe cố kìm nén nhưng không ngăn được những giọt nước mắt cứ trực chảy ra.

“Bố mắt sớm, em từ nhỏ chỉ có mẹ là chỗ dựa tinh thần, em quyết tâm đi học để tương lai mẹ và em khỏi phải khổ nữa. Nhưng giờ mẹ như thế này, em không biết làm thế nào được nữa”, Huyền nghẹn lòng.

Cuộc sống hàng ngày với mẹ con bà Thanh giờ đây gặp muôn vàn khó khăn, khi có người hỏi han, chia sẻ về gia cảnh của mình, hai mẹ con chỉ biết nhìn nhau, không nói nên lời, những giọt nước mắt tủi phận của hai mẹ con lại chảy ra.

Hai mẹ con cùng chuẩn bị bữa ăn

Hai mẹ con cùng chuẩn bị bữa ăn

Nhìn chồng giấy khen của cô bé ham học, ngoan ngoãn mà người mẹ cứ khóc mãi, bà thương con vô hạn mà chưa biết phải xoay sở ra sao để con bớt khổ.

Cách đây 6 năm, bà Thanh bắt đầu có những triệu chứng và phát bệnh tâm thần phân liệt, thần kinh không được ổn định, lúc nhớ, lúc quên phải nằm viện điều trị.

Huyển trở thành trụ cột gia đình, hàng ngày lo toan thuốc thang cho mẹ, tính toán tiền học hành, chi phí ăn uống của hai mẹ con… Trải qua những khốn khó của cuộc sống cùng mẹ, trông Huyền già dặn hơn so với tuổi.

Từ ngày phát bệnh, những lúc tỉnh táo, bà Thanh cũng nấu cơm đợi con gái đi học về cùng ăn, thậm chí chăm chút cho con từng tí. Nhưng những lúc phát bệnh, bà thường đi lang thang gào thét khắp làng trên xóm dưới rồi xé quần áo, đốt sách vở của Huyền.

“Bố mất đi, cuộc sống của hai mẹ con thật sự khó khăn, những khi bệnh của mẹ tái phát, em chỉ biết nấu cho mẹ bát cháo trắng rồi thêm ít tía tô thôi. Giá mà lúc ấy em có thêm 10.000 đồng thì mẹ đã có một tô cháo thịt ngon”, Huyền tâm sự.

Viết tiếp giấc mơ vào đại học còn dang dở...

Huyền rất ham học, đặc biệt yêu thích môn Toán. Trong đợt thi học sinh giỏi vừa rồi, Huyền xuất sắc nằm trong đội tuyển của trường. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, mới đây Huyền còn được nhận học bổng.

Huyền cho biết, em ước mơ học vào Trường Đại học sư phạm I Hà Nội, với mong mỏi sẽ trở thành một cô giáo để truyền đạt kiến thức và tình yêu thương cho các bạn kém may mắn.

“Những lúc xong xuôi công việc, ngồi vào bàn học lưng mỏi nhừ, em chỉ muốn đi ngủ nhưng nghĩ đến tương lai, đến ước mơ còn dang dở phía trước, em lại cố gắng học bài.

Có những lúc, kết quả học tập của em xuống rất thấp, em rất lo lắng và sợ cánh cửa đại học không chào đón.

Em sẽ đi làm thêm để thực hiện ước mơ của mình. Em luôn khao khát sau này sẽ trở thành một cô giáo, em sẽ truyền đạt kiến thức và tình yêu thương mà em đã nhận được cho những bạn có hoàn cảnh kém may mắn như em”, Huyền tâm sự.

Lê Thị Huyền chăm ngoan, học giỏi được thầy cô thương yêu, bạn bè quý mến

Lê Thị Huyền chăm ngoan, học giỏi được thầy cô thương yêu, bạn bè quý mến

Trao đổi về hoàn cảnh của mẹ con em Huyền, ông Lê Xuân Lịch – trưởng thôn Vĩnh Xương chia sẻ:

“Hoàn cảnh của gia đình em Huyền hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà Huyền bi quan, chán nản. Suốt nhiều năm liền Huyền luôn là học sinh giỏi, xuất sắc.

Chúng tôi luôn thấy Huyền lạc quan chăm sóc cho mẹ những lúc mẹ phát bệnh. Nghị lực vươn lên của Huyền luôn là tấm gương sáng và là niềm tự hào để các bạn học sinh khác trong thôn học tập và noi theo”.

Ông cũng cho hay, hoàn cảnh của hai mẹ con Huyền còn nhiều khó khăn, ngoài sự giúp đỡ của địa phương, mong những nhà hảo tâm có thể chung tay để Huyền tiếp tục giấc mơ của mình.

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho hoàn cảnh mẹ con chị Thanh xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Hoặc ủng hộ trực tiếp: chị Đỗ Thị Thanh (sinh năm 1959) ở thôn Vĩnh Xương, xã Mỹ Thành, Mỹ Đức, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại