Trong văn bản kết luận, chỉ đạo khắc phục việc chi lương, thưởng sai quy định cho các viên chức quản lý tại ba công ty thuộc khối công ích của TP.HCM gồm: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà ký ngày 26/8 đã cho thấy tiền lương cao bất thường và chế độ tiền lương bất bình đẳng ở các công ty này. Đáng chú ý có vị GĐ được hưởng lương đến 2,6 tỉ đồng/năm.
Theo văn bản này, cả ba công ty trên đều có những vi phạm tương tự nhau và giống các vi phạm được kết luận xử lý trước đó xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP. Hồ Chí Minh (đã phải thu hồi tiền lương, thưởng chi sai 1,292 tỉ đồng).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng có 2 việc phải làm rõ. “Thứ nhất là việc họ hưởng lương như vậy có đúng chế độ không, có đúng quy định không?
Thứ hai nếu đúng quy định thì quy định như vậy là vô lý bởi vì không thể có cái gọi là công ty mà bản chất là đơn vị sự nghiệp, hoạt động dựa vào nguồn thu ngân sách nhà nước, phục vụ công chứ không phải loại hình kinh doanh, đầu tư cũng không phải là doanh nghiệp sản xuất hàng hoá mà lại trả lương cao như vậy.
Đó không phải là doanh nghiệp cạnh tranh, nguồn thu phục vụ công cộng chứ không phải là sản xuất hàng hoá lãi lớn để trả lương cao”.
Vị ĐBQH này còn cho biết thêm: “Chúng ta đã có chủ trương rồi mà không làm. Cụ thể là các dịch vụ công nên tiến tới việc đấu thầu, khu vực tư nhân cung cấp và Nhà nước mua lại dịch vụ đó chứ Nhà nước không nhất thiết lập các công ty đó. Tư nhân ai cung cấp giá rẻ hơn, thì Nhà nước mua”.
Cũng liên quan tới vấn đề này, PGS, TS. Bùi Thị An – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghĩ là sự hưởng thụ thì phải tương xứng với sự cống hiến, tương xứng với việc tạo ra sản phẩm cho xã hội. Trong khi đó, đây là các công ty TNHH một thành viên của Nhà nước.
Theo mặt bằng chung, lương bình quân là khoảng 4-5 triệu/tháng và nhận 50 - 60 triệu/năm. Các vị đó hưởng lương rất cao trong khi sự cống hiến là không tương xứng. So với mặt bằng chung, với mức lương như thế thực sự không lý giải được. Vấn đề đặt ra là lấy tiền ở đâu ra khi đây không phải là công ty sản xuất ra sản phẩm cho xã hội?”
Bà An khẳng định: “Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải làm rõ việc này”.
Cụ thể theo vị ĐBQH này, cơ quan kiểm toán phải vào cuộc làm rõ ràng việc thu chi. Sau đó, cơ quan cấp trên của các công ty này phải có trách nhiệm và lý giải tại sao lại có mức lương cao như thế khi đây không phải trường hợp sản xuất ra sản phẩm siêu lợi nhuận cho đất nước.
Liên hệ với EVN, bà An cho rằng đây là sự so sánh khập khiễng. Khi nói về mức lương 1 tháng của viên chức quản lý ở công ty thoát nước, bà An cho biết đó là con số mơ ước của bà.
“Cũng phải làm rõ xem lương của người lãnh đạo cũng như các công nhân như thế nào rồi so với mặt bằng lương trong xã hội. Không thể có sự chênh lệch lớn như thế được. Nếu làm rõ thì sẽ có sự minh bạch trong vấn đề chi, thu và sẽ thấy được hiệu quả công việc. Phải làm rõ nguồn vốn đó từ đâu: từ ngân sách, từ ODA, từ xã hội hoá hay kinh doanh ?
Trong cơ chế thị trường, chúng ta chấp nhận sự chênh lệch giàu nghèo ở những công ty tư nhân thôi. Còn trong các cơ quan nhà nước thì không thể có chuyện ấy được”, bà An nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho rằng: Việc kết luận thanh tra chi trả lương tại những công ty công ích này là bất hợp lý và cần phải được xem xét lại.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP.HCM
Bên cạnh đó, luật sư Nghĩa cũng cho là: Trước hết, cần phân tích việc chi trả mức lương ‘khủng’ như vậy là có hợp lí hay chưa, có gì sai quy định hay không, có đúng theo quy định của pháp luật hay không. Nếu có những vấn đề gì khuất tất, sai sót thì cần phải có tổ chức kiểm điểm lãnh đạo, khắc phục sai sót ngay.
“Thậm chí nếu nặng, có biểu hiện tư túi, tham ô thì cần phải đưa ra pháp luật để xử lý” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại diện HĐND TP.HCM, ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách thì lại cho rằng, việc chi trả mức lương cao hay thấp đều phải thông qua các cán bộ công chức vào mỗi năm, tất cả đều phụ thuộc vào quỹ lương, quỹ khen thưởng cho người lao động.
“Tôi cho rằng cũng chưa nên vội kết luận điều gì, cũng có thể đó là điều bình thường nếu họ (Công ty – PV) đó có quỹ lương cao. Thế nhưng, làm gì thì làm nhưng tất cả cần công bố công khai, cho người lao động biết và giám sát theo tinh thần quy chế dân chủ ở cơ sở và Nghị quyết Trung ương 4”.
Nếu trong việc chi trả lương có các sai phạm thì các cơ quan quản lý bắt buộc phải yêu cầu khắc phục, kiểm điểm lãnh đạo sai sót, thậm chí là xử lý lãnh đạo, nếu nặng hơn nữa thì có thể căn cứ theo các quy định của pháp luật mà xử lý.
Còn đại diện các Công ty TNHH một thành viên có chi trả lương ‘khủng’ theo bản kết luận của thanh tra TP.HCM chiều 27/8 cho biết: Đang tập hợp các dữ liệu, thông tin cần thiết để tổ chức họp báo công khai, công bố mọi thông tin có liên quan đến vụ việc này trong ít ngày nữa.