Hạ độ tuổi trẻ vị thành niên
Thảo luận tại hội trường về công tác phòng chống tội phạm sáng 1/11/2012, các ĐBQH lưu tâm đến đối tượng tội phạm vị thành niên và xu hướng ‘trẻ hóa” tội phạm.
Cho rằng tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng, với tính chất côn đồ hơn và ngày càng coi thường luật hơn vì chỉ bị xử nhẹ, Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ đề xuất hạ tuổi thành niên từ 18 xuống 16 để có thể áp dụng chế tài xử lý phù hợp.
Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ
Ý kiến này dựa trên căn cứ lớp trẻ ngày nay trưởng thành sớm, có điều kiện tiếp nhận khoa học kỹ thuật, cập nhật thông tin, dễ dàng thực hiện nhiều hành vi phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện.
Do đó, việc xử lý hình sự người phạm tội có xu hướng giảm nhẹ theo độ tuổi là “thái độ bao cấp về pháp lý, chưa đánh giá đúng năng lực hành vi và năng lực pháp luật của nhóm tuổi đang được coi là vị thành niên”. Hơn nữa, có nhiều nước trên thế giới (như Cuba) quy định người từ 16 tuổi là thành niên.
Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Điều 12 Bộ luật Hình sự (1999) quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” là thỏa đáng. Tuy nhiên, quy định “không áp dụng tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội” (Điều 34 và 35 Bộ luật Hình sự), có lẽ Quốc hội cần xem xét sửa đổi, vẫn cho áp dụng trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (như vụ Lê Văn Luyện), thay vì hạ thấp tuổi thành niên, vì nó đi ngược lại với xu thế chung của thế giới.
“Trẻ hóa” độ tuổi kết hôn
Tại cuộc họp báo sáng 26/7/2013, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, một nội dung quan trọng được Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi là hạ độ tuổi kết hôn của nam giới từ 20 tuổi xuống đủ 18 tuổi.
Ông Trần Tiến Dũng, Người phát ngôn kiêm Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, cho rằng việc sửa quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn sẽ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất quy định của Bộ Luật Dân sự, pháp luật tố tụng dân sự và một số lĩnh vực hoạt động xã hội khác như Luật Nghĩa vụ quân sự.
Một bà mẹ có con nhỏ ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: QĐND
Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội lần đầu vào tháng 10 tới, và sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5-2014.
Cấm quay phim, chụp ảnh Cảnh sát giao thông
Ngày 26/4, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an) đã ký văn bản số 1042/C67-P3 gửi Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”.
Tuy nhiên, trong văn bản này có đoạn: Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Những nội dung của văn bản này đang khiến bất kỳ ai đọc cũng có thể hiểu là từ sau khi có chỉ đạo thì công dân, nhà báo sẽ không được ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ.
CSGT lập biên bản người vi phạm luật giao thông.
Ngày 23/8, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường bộ, đường sắt (C67, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội – Bộ Công an) đã có Công văn hủy điểm 2 Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26/4/2013 liên quan đến việc ‘cấm công dân và nhà báo quay phim chụp ảnh khi CSGT đang làm nhiệm vụ’.
Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của CSGT thì Thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định.
C67 cũng yêu cầu các phòng PC67 tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi chống người thi hành công vụ hoặc các đối tượng giả danh phóng viên báo, đài; báo cáo cấp có thẩm quyền điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngực “lép” không được lái xe
Dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe được đưa ra trong cuộc họp lấy ý kiến ngày 7/8 vừa qua lại khiến dư luận bức xúc. Bởi những điều khoản không cho phép người có ngực lép lái xe, từng đưa ra từ năm 2008, bị người dân phản đối, lại tiếp tục được “bê” nguyên vào dự thảo sau đó 5 năm.
Theo dự thảo, người dân muốn đủ điều kiện lái ôtô và xe máy phải đáp ứng được 83 tiêu chuẩn về sức khỏe. Theo đó, muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy từ 50 cm3 trở lên (giấy phép lái xe hạng A1, B1) thì phải có vòng ngực trung bình không dưới 72 cm, cân nặng không được dưới 40 kg, lực bóp tay không thuận trên 24 kg và phải có chiều cao trên 1,5 m (hạng B1); trên 1,45 m (hạng A1 - xe máy có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175 cm3).
Hình minh họa
Để đủ sức khỏe thi giấy phép lái xe hạng C, D, E, F, A2 thì phải có chiều cao trên 1,6-1,62 m; cân nặng trên 47 kg; vòng ngực trung bình trên 76-78 cm. Nếu quá thấp bé, nhẹ cân; có chiều cao dưới 1,45 m không được xếp vào nhóm đủ điều kiện lái xe máy 50 cm3; chiều cao đạt yêu cầu nhưng trọng lượng cơ thể không đủ 40 kg cũng không đủ điều kiện để lái xe.
Ngoài 6 tiêu chí về thể lực, dự thảo còn đưa ra 77 tiêu chí khác quy định về chức năng sinh lý, bệnh tật, trong đó có những người bị bệnh da liễu, trĩ, suy thận, cận thị... ở một số cấp độ khác nhau sẽ không đủ điều kiện để lái những loại xe khác nhau.