“EVN còn quá nhiều vấn đề”
Dư luận đang xôn xao trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tên trong danh sách 42 trường hợp được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đưa ra để lấy ý kiến nhân dân để phong tặng Anh hùng Lao động năm 2015.
Nhiều ý kiến cho rằng, EVN chưa thật sự xứng đáng với danh hiệu này, bởi thời gian qua, ngành điện bị dư luận kêu than nhiều từ góc độ giá điện tới chuyện cửa quyền, độc quyền cũng như việc thiếu công khai, minh bạch…
Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh chia sẻ: “Chúng tôi phải rà soát lại chuyện này chứ hiện tại chưa thể nói được gì cả.
Việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đã có tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt, người ta xem xét cả quá trình nhiều năm, nhiều thế hệ cán bộ chứ không phải một năm, một việc”.
Trước ý kiến của ông Dương Trung Quốc cho rằng, việc đánh giá hiệu quả của EVN “không đơn giản”, ông Khánh nêu quan điểm: “Muốn đánh giá hiệu quả hoạt động cần phải căn cứ vào nhiệm vụ họ được giao và các tiêu chí đánh giá khác”.
Ông Khánh khẳng định: “Nếu dư luận ở một ngưỡng nào đó chúng tôi sẽ xem xét, nhưng hiện tại chúng tôi chưa thấy ai đặt vấn đề gì cả”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, về chất lượng dịch vụ, EVN còn có quá nhiều vấn đề.
Liên quan tới việc EVN đang được lấy ý kiến rộng rãi để phong tặng danh hiệu Anh hùng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “EVN là “người” duy nhất cung cấp điện cho xã hội, họ không làm thì cũng không được”.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này khẳng định, về chất lượng dịch vụ, EVN còn có quá nhiều vấn đề từ cách thức cải thiện năng lực cạnh tranh…
EVN “dựa vào đâu” để được phong Anh hùng Lao động?
Từ chối bình luận về việc EVN liệu có xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2015 hay không, đại diện của EVN, ông Cao Quang Quỳnh - Trưởng ban Quan hệ cộng đồng chỉ cung cấp cho PV những thành tích “xuất sắc” đơn vị này đạt được từ năm 2003 – 2015.
Lãnh đạo EVN cho rằng, trong giai đoạn 2003 – 2013, EVN đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư nguồn và lưới điện.
Sản lượng điện hàng hoá cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tăng từ 34,9 tỷ kWh năm 2003 lên mức 115,2 tỷ kWh năm 2013.
Tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hàng năm là 12,69%/năm, tăng gấp hơn 1,88 lần so với tăng trưởng GDP, đảm bảo điện luôn đi trước một bước theo Nghị quyết của Đảng.
Điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2013 ước là 1.285 kWh/người/năm, tăng 2,96 lần so với năm 2003 (434 kWh/người/năm).
Đại diện EVN từ chối bình luận về việc EVN liệu có xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2015 hay không. Ảnh: Tập đoàn Điện lực VN
Ông Cao Quang Quỳnh tự đánh giá: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện.
Tập đoàn cũng đảm bảo điện đi trước một bước trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cung ứng đủ điện cho ngành kinh tế quốc dân và các nhu cầu xã hội”.
Trong 10 năm qua, Tập đoàn đã đầu tư và đưa vào vận hành 60 tổ máy thuộc 29 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 10.416 MW, chiếm 46,6% tổng công suất phát điện được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2003-2013 trên toàn quốc.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu 18.565 MW công suất phát điện, chiếm gần 61% tổng công suất phát điện của Việt Nam, có năng lực đảm bảo sản xuất tới 65% sản lượng điện toàn hệ thống điện hàng năm.
“Như vậy, trong 10 năm (2003 – 2013), Tập đoàn đã tăng nguồn công suất phát điện bằng 110 năm trước 2003 và đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô nguồn điện.
Đặc biệt, sự kiện nổi bật là ngày 23/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành Công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, hoàn thành sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội”, ông Quỳnh cho hay.
Ngoài ra, ông Quỳnh cũng nói: “ EVN đã đi đầu trong việc tham gia chống hạn, chống lũ thông qua các công trình thủy điện đa mục tiêu, có vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, phòng chống lũ và đẩy mặn cho hạ du”.
Đại diện EVN còn khẳng định, EVN giữ vai trò duy nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.
Tập đoàn đóng góp kịp thời và hiệu quả, góp phần cùng Trung ương và chính quyền địa phương ổn định phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm.
Trong năm 2014 và quý I năm 2015, Tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cấp bách cho sản xuất và kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tốt như: Phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ đạt 96,72% trường hợp; lắp đặt công tơ mới cho khách hàng khu vực đô thị dưới 3 ngày đạt 83,17%;...
Năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành vượt kế hoạch về giá trị khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện. Tổng giá trị đầu tư ước đạt 125.453 tỷ đồng (tăng 27,91% so với năm 2013), bằng khoảng 10,26% tổng đầu tư toàn xã hội.
Ngoài ra, ông Quỳnh còn nhấn mạnh, nhiều tập thể, cá nhân thuộc Tập đoàn được tặng Huân chương các loại, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen cấp Bộ, tỉnh, thành phố và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác…
Việc EVN có được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2015 hay không sẽ dần sáng tỏ khi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương họp và có kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, được biết Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng chưa chốt được thời điểm họp Hội đồng.