Người đàn ông bị “ăn” hết nửa khuôn mặt: "Đừng đưa anh đi viện!"

Lâm Phương |

Mỗi ngày, người đàn ông bị "ăn" hết nửa khuôn mặt ấy phải tiêm 8 mũi thuốc, việc này do tự tay vợ anh làm. Anh nhất quyết không cho ai đưa đi viện dù bệnh ngày một nặng...

“Đừng đưa anh đi viện nữa, tốn lắm”

Về ấp Hậu Hoà, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè (Tiền Giang) hỏi thăm gia đình anh Huỳnh Văn Đạt (SN 1964, người bị bệnh lạ "ăn" hết nửa khuôn mặt), người dân nơi đây liền hỏi lại: “Anh tìm nhà ông Đạt bị bệnh trên mặt đó à?”, rồi tận tình chỉ lối.

Đi theo sự chỉ dẫn của họ, chúng tôi qua mấy cây cầu xi măng, thấp thoáng trong con hẻm nhỏ chỉ vừa chiếc xe chạy, ánh điện mờ mờ phát ra từ ngôi nhà xây bằng gạch chưa trát.

Trong nhà, người người phụ nữ đang cặm cụi bên chiếc máy may.

Dù đã 19h nhưng chị là Huỳnh Thị Triều (SN 1968, vợ anh Đạt) vẫn tranh thủ làm việc. Thấy có người lạ đi vào nhà buổi tối, chị Triều dừng tay tiếp chuyện.

Khi biết chúng tôi tới hỏi thăm anh Đạt, chị mời vào nhà và nhanh chân đi lấy nước mời khách. Vừa đi chị vừa giải thích do thời gian giao hàng sắp đến nên chị cố làm hết rồi lấy hàng đi trả.


Đến giờ, chị lại tất tả đeo bao tay chuẩn bị tiêm thuốc cho anh Đạt.

Đến giờ, chị lại tất tả đeo bao tay chuẩn bị tiêm thuốc cho anh Đạt.

Hỏi về bệnh của anh Đạt, chị Triều im lặng hồi lâu và không khỏi xúc động.

Lấy tay trái quệt lên mặt, hướng ánh mắt về chiếc giường phủ lớp vải xanh ở phòng bên trong nơi anh Đạt nằm, chị nghẹn ngào: “Anh Đạt bắt đầu bị bệnh lạ vào năm 2004.

Lúc đầu, thấy chảy máu mũi 3 đến 4 lần/ ngày, gia đình đưa đi khám thì bác sĩ nói bị nghẹt vách ngăn mũi, rồi mổ, nhưng sau đó về nhà lại xuất hiện một lỗ nhỏ trong miệng rồi thủng ra sống mũi.

Bệnh này không gây chảy máu nhưng gây đau nhức, mọi người quyết định đưa anh đi khám ở bệnh viện trên TP.HCM. Các bác sĩ nói anh bị suy thoái sống mũi phải mổ.

Không đủ tiền, tôi về nhà đi vay mượn kể vay lãi để anh được mổ sớm hết bệnh, nhưng sau khi mổ, bệnh của anh Đạt không hề chuyển biến mà có phần nặng thêm.

Tôi bán đồ đạc có giá trị trong nhà để đưa anh qua viện khác, nhưng sau 3 năm chữa trị, lỗ nhỏ ban đầu trên mặt anh Đạt ngày càng bị ăn mòn rộng ra và sâu vào bên trong.

Năm 2007, nhà không còn gì để bán, hết tiền nằm điều trị ở viện, tôi đành đưa anh về nhà. Đến kỳ, tôi lại đưa anh lên gặp bác sĩ nhận khám miễn phí và mua thuốc”.

Thời gian anh Đạt bị bệnh cũng là lúc hai con của chị đang tuổi ăn tuổi học nên gia đình đã khó lại càng khó hơn. Một mình chị làm đủ thứ việc để nuôi chồng bệnh tật và hai con đến lớp.

Khi hai con học hết cấp THPT, một mình không còn cáng đáng nổi, chị nói với con nghỉ học đi làm phụ giúp mẹ.

Nghe lời mẹ, hai đứa con gấp lại sách vở, bỏ ngang giấc mơ giảng đường đại học để đi làm thuê kiếm tiền lo chữa bệnh cho cha.


Căn bệnh ngày một nặng, vợ con muốn đưa đi viện nhưng anh một mực từ chối vì anh biết tình trạng bệnh của mình.

Căn bệnh ngày một nặng, vợ con muốn đưa đi viện nhưng anh một mực từ chối vì anh biết tình trạng bệnh của mình.

Thời gian trôi đi, căn bệnh của anh ngày càng nặng, vết thương ăn mòn dần vào sống mũi, hàm trên và đôi mắt, khiến anh không còn nhìn thấy đường. Ăn uống khó khăn, sức khoẻ anh ngày càng yếu và không còn đi lại được.

Nhiều lần thấy chồng kêu đau, chị Triều tỏ ý muốn đưa anh đi bệnh viện khám và điều trị, nhưng anh nhất định từ chối.

“Mình khuyên nhiều thì anh ấy cầm tay xoa xoa và nói: "Thôi em đừng đưa anh đi viện nữa, tốn lắm, khổ em và các con. Giờ anh chỉ có nguyện ước làm thế nào để mẹ con em bớt khổ".

Anh ấy đau đớn lại nói vậy nên tôi không biết làm thế nào...", vừa dứt lời, hai hàng nước mắt đã lăn dài trên gương mặt người phụ nữ này.

Anh Huỳnh Thanh Minh (em ruột anh Đạt) kể: “Có lần, anh ấy đã tự tử nhưng được gia đình phát hiện kịp.

Sau đó, anh ấy nói bệnh không chữa được khỏi, cứ nằm một chỗ như thế sẽ tạo gánh nặng cho vợ con nên muốn kết thúc cuộc đời. Anh em trong nhà khuyên mãi anh ấy mới nghe và từ bỏ ý định đó”.

Cuộc sống khốn khó...

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và chị Triều nhiều lần bị gián đoạn do tiếng gọi của anh Đạt phát ra từ phía trong. Anh nói thấy đau, chị lại tất tả đeo găng rồi tự tay tiêm thuốc cho anh, lấy sữa cho anh uống.

Hiện bệnh của anh đã đi vào giai đoạn nặng nên việc ăn uống gặp nhiều khó khăn. Chị ngồi bên cạnh, kê cao đầu anh và đút từng thìa sữa, khẽ động viên anh cố gắng uống và giữ gìn sức khoẻ.

Đáp lại chị, anh cố gắng nói từng tiếng khó nhọc và hỏi lại chị lúc này là ngày hay đêm. Khi nghe chị nói bây giờ hơn 8h tối, anh gật đầu. Chị hỏi lại: “Thế anh đã biết ngày hay đêm chưa?”. Anh lại cố gắng trả lời từng câu: “Em nói anh mới biết”.


Hàng ngày, chị vừa ở nhà chăm sóc bệnh cho anh vừa tranh thủ nhận hàng về may gia công kiếm từ 20 đến 25 nghìn đồng.

Hàng ngày, chị vừa ở nhà chăm sóc bệnh cho anh vừa tranh thủ nhận hàng về may gia công kiếm từ 20 đến 25 nghìn đồng.

Cũng theo chị Triều, bệnh của anh Đạt hiện nay mỗi ngày phải tiêm 8 mũi thuốc, mỗi mũi 30 nghìn đồng, chưa tính tiền thuốc uống.

Hàng ngày, ở nhà chăm sóc chồng bệnh, chị tranh thủ đi lấy hàng về nhà may gia công kiếm thêm.

Họ khoán giá 5 nghìn đồng/100 sản phẩm. Một ngày làm hết sức chỉ được khoảng 400 đến 500 sản phẩm, thu nhập từ 20 nghìn đến 25 nghìn đồng. Số tiền đó cộng với tiền con đi làm gửi về thì có tháng đủ lo thuốc thang cho anh, có tháng thì thiếu”, chị Triều kể.

Ngồi tiếp khách, chị nắm chặt hai bàn tay để kìm nén cảm xúc, nhưng vẫn lộ ra vết thương chưa kịp lành trên ngón tay.

Chúng tôi thắc mắc, chị cười như mếu nói, do vừa rồi bận chăm anh không có thời gian may, chị tranh thủ làm ban đêm, nhưng do buồn ngủ nên ngủ quên trên máy may. Đến khi kim đâm vào tay làm bị thương chị mới sực tỉnh.


Trong lúc nói chuyện chị Triều liên tục nắm chặt hai bàn tay, kìm nén cảm xúc.

Trong lúc nói chuyện chị Triều liên tục nắm chặt hai bàn tay, kìm nén cảm xúc.

Thấy chúng tôi nhìn căn nhà xây bằng gạch, mái lợp tôn chưa trát, chị Triều nói như giải thích, gia đình vẫn nằm trong diện hộ nghèo, vừa rồi được nhận tiền Nhà nước trợ cấp, chị đã vay mượn thêm để làm.

Ngôi nhà được thiết kế làm 3 phòng, phòng khách được treo nhiều bức tranh ghi câu kinh nhà Phật. Phòng anh Đạt nằm ngay bên cạnh, chiếc giường của anh được che kín bởi tấm vải.

Từ khi cất được ngôi nhà đến nay, gia đình chị vẫn còn nợ tiền bên ngoài chưa trả được nên chưa có điều kiện để trát.

Ông Dương Văn Tho, trưởng ấp Hậu Hoà, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè cho biết, gia đình anh Đạt nằm trong danh sách hộ nghèo và hàng năm vẫn được hưởng đầy đủ chính sách dành cho hộ nghèo của Nhà nước.

Cũng theo ông Tho, do hoàn cảnh gia đình anh Đạt quá khó khăn, địa phương và bà con cũng chỉ giúp được phần nhỏ nên rất mong những tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước sẽ chung tay giúp gia đình anh bớt đi phần nào khó khăn hiện tại.

> Mời xem clip anh Đạt gặp rất nhiều khó khăn khi nói: (Clip do nhóm thiện nguyện Ngọc Lâm cung cấp)

LTS: Sau khi Báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng tải bài viết đầu về hoàn cảnh của nhân vật này với tựa đề Tận cùng đau khổ của người đàn ông bị "ăn" hết nửa khuôn mặt, chỉ trong một ngày (14/9), mục Tấm lòng thiện của Báo đã nhận được 13 triệu đồng tiền ủng hộ.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của quý độc giả trên khắp cả nước. Toàn bộ số tiền sẽ được Báo điện tử Trí Thức Trẻ chuyển tới nhân vật trong một ngày gần nhất.

Dưới đây là danh sách chi tiết:

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại