Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Ban quản lý thừa nhận có sai phạm

KHÁNH HOÀ |

Hôm qua, 15.3, Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có báo cáo gửi Bộ GTVT xung quanh thông tin trong bài viết “Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Thiếu an toàn, nhiều sai phạm” đăng trên Lao Động ngày 10.3 (ảnh). Theo báo cáo này, Ban quản lý thừa nhận có sai phạm ở hai tổ thi công như Báo Lao Động đã phản ánh. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về vấn đề tiến độ thi công cũng như giải ngân, đại diện Ban quản lý chỉ cho biết “đang cố gắng hết sức”...

Thừa nhận “vi phạm quy định về an toàn lao động”

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Ban Quản lý dự án đường sắt (QLDAĐS) đã yêu cầu Công ty Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) và Công ty cổ phần nhà X4 (nhà thầu phụ) giải trình các vấn đề tồn tại.

Qua giải trình của các đơn vị cũng như kiểm tra thực tế, Ban QLDAĐS cho biết, việc tổ chức các tổ thi công tại công trường được thực hiện theo mô hình công ty giao khoán việc cho các tổ, tổ trưởng (người đại diện được tập thể người lao động ủy quyền đại diện nhận khoán và thực hiện mọi quyền lợi, nghĩa vụ đối với công ty).

Trong quá trình giao - nhận khoán với công ty, tổ trưởng có trách nhiệm cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan của người lao động bao gồm chứng minh nhân dân, chứng chỉ nghề, chứng chỉ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

Đối với hầu hết các công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, nhà thầu bắt buộc người lao động tham gia thi công phải có chứng chỉ nghề và có kinh nghiệm thi công.

Qua vụ việc này, tổng thầu EPC và Công ty cổ phần nhà X4 khẳng định và cam kết đối với công tác ATGT, ATLĐ, VSMT và PCCN sẽ tăng cường thực nghiêm túc hơn nữa, đặc biệt là công tác quản lý nhân sự và an toàn vệ sinh lao động.

QLDAĐS cũng nhận định dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án có nhiều hạng mục thi công phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp, phạm vi thi công nằm trong các quận nội thành, giao thông đông đúc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Do đó, Ban QLDAĐS khẳng định sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc tư vấn giám sát, Tổng thầu EPC, các đơn vị thầu phụ và cam kết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) để đảm bảo ATLĐ, ATGT trên công trường theo đúng quy định và chỉ đạo của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề tiến độ giải ngân và khả năng hoàn thành công trình trước ngày 31.12, đại diện QLDAĐS chỉ khẳng định ban và các đơn vị đang cố gắng hết sức theo chỉ đạo của Bộ GTVT và không đưa ra thêm thông tin.

Thi công kiểu “nay làm mai nghỉ”...

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam - cho rằng việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gặp vấn đề về vốn và thi công không đều sẽ gây ra nhiều vấn đề, từ chất lượng không đảm bảo tới kéo dài thời gian thi công, đội vốn....

Theo ông Long, về nguyên tắc, với một công trình lớn như vậy, theo quy định nhà thầu, đặc biệt là tổng thầu, bao giờ cũng phải có một nguồn vốn lưu động để bỏ ra ứng cho quá trình thi công và ban quản lý dự án phải có trách nhiệm giải quyết nguồn tiền.

Một công nhân được giao bản vẽ và hướng dẫn thi công tại công trường khi cai thầu vắng mặt.
Một công nhân được giao bản vẽ và hướng dẫn thi công tại công trường khi cai thầu vắng mặt.

Khi vướng vấn đề vốn, việc thi công có thể xảy ra tình trạng “nay làm, mai nghỉ” và sẽ dẫn tới nhiều vấn đề. Ông Long cho rằng, ngay từ chuyện huy động nhân lực, nhân công, đặc biệt là các lực lượng chuyên nghiệp đang làm lại tạm nghỉ đi làm việc khác rồi thời gian sau tập hợp lại sẽ khiến dự án khó có thể duy trì được đội ngũ nhân công chuyên nghiệp chưa kể tới việc đội ngũ đó lại cần có một thời gian để “vào guồng”.

Không chỉ người làm mà cả những người tư vấn giám sát, rồi những nhà quản lý, cũng nhiều lần phải tái khởi động. Đấy chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

Dù Ban Quản lý dự án có biện pháp quản lý rất chặt chẽ thì cũng chỉ khắc phục được phần nào các nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

Cũng theo ông Long, công trình càng kéo dài thì càng phải điều chỉnh tổng mức và gây ra thiệt hại rất lớn.

Khi được hỏi về khả năng cán đích vào ngày 31.12 tới của dự án Cát Linh - Hà Đông khi mà hạng mục còn lại vào khoảng 30% (gồm phần việc hoàn thiện các nhà ga và lắp đặt, chạy thử tàu), ông Long nhận định, khối lượng việc còn lại đòi hỏi kỹ thuật cao trong khi thời gian chỉ còn 9 tháng lại trong điều kiện vốn liếng không thật sự bảo đảm thì việc hoàn thành là hết sức khó khăn.

Thứ trưởng điều hành Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa chỉ đạo Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) tiến hành tổng thanh tra, rà soát lại dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 theo hình thức hợp đồng BOT. Ngay trong ngày 14.3, Bộ GTVT cũng ra quyết định thành lập Tổ công tác rà soát dự án này do ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Ban PPP - làm tổ trưởng để thanh, kiểm tra lại việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp dự án theo quy định của hợp đồng và giấy phép đăng ký đầu tư, việc góp và sử dụng vốn chủ sở hữu cũng như công tác kiểm toán, quyết toán... theo quy định. Tổ công tác sẽ tiến hành rà soát thanh tra và làm việc với BVEC trong ba ngày 16 - 18.3. K.H

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại