Điểm thi đại học chỉ chiếm 20% điểm vào trường?

Đình Phong |

(Soha.vn) - Đó là một trong những điểm mới trong phương án tuyển sinh của đề án nhiều trường ĐH ngoài công lập trình lên Bộ xem xét, phê duyệt về giao quyền tự chủ.

Trong năm học 2012 – 2013, Bộ thừa nhận thiếu hụt 95 nghìn thí sinh mặc dù đã có cam kết đủ số sinh viên cho các trường. Tình hình tuyển sinh đại học, cao đẳng năm vừa qua rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều trường ngoài công lập “kêu cứu” vì “khát” thí sinh, thậm chí có cơ sở chỉ tuyển được 10 – 20% chỉ tiêu.

Để giải quyết bài toán tuyển sinh, năm nay theo hướng dẫn của Bộ, các trường ngoài công lập gửi đề án tự chủ tuyển sinh trình lên Bộ GD. Đi đầu là Trường ĐH Phan Chu Trinh (Hội An – Quảng Nam) đưa ra bộ tiêu chuẩn 5 tiêu chí để xét tuyển thí sinh vào trường, không bắt buộc kết quả thi đại học phải trên điểm sàn và điểm thi đại học chỉ chiếm 20% tổng số điểm xét tuyển vào trường.

Cụ thể, đề án tự chủ của Trường ĐH Phan Châu Trinh sẽ tuyển sinh dựa vào điểm thi đại học (20%), điểm thi tốt nghiệp THPT (30%), kết quả học tập THPT (50%) của thí sinh và đến năm 2014 sẽ có thêm tiêu chí kiểm tra độ tư duy của thí sinh do nhà trường tổ chức.

Nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng nên hay không bỏ phương án tuyển sinh thi

Nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng nên hay không bỏ phương án tuyển sinh thi "ba chung" hiện nay. (ảnh minh họa).

Ý kiến này nhận nhiều sự đồng thuận từ phía lãnh đạo các trường NCL và cho rằng đây là bước đột phá mới chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013. Trả lời PV, GS Đặng Hữu – Nguyên Trưởng ban Khoa giáo TƯ- Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà cho rằng, Bộ GD nên xóa thi “ba chung”, bỏ điểm sàn và giao tự chủ cho các trường.

Đồng tình với quan điểm đó, TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT ĐH Nguyễn Trãi cho rằng Bộ nên xóa bỏ hàng rào điểm sàn đại học và hướng đào tạo theo hình chóp, Bộ GD sẽ hậu kiểm.

“Tôi kiến nghị Bộ nên gỡ bỏ điểm sàn, không tổ chức kỳ thi ba chung tốn kém, thay vào đó để các trường tự xét tuyển, xây dựng tiêu chí đầu ra cho sinh viên, Bộ sẽ kiểm tra chất lượng, quy định khi ra phải đạt chuẩn", TS Luận nêu rõ. "Còn phương án hai mức điểm sàn chỉ là “gà què ăn quẩn cối xay” thôi”, TS nhắc lại.

Và theo ông, các trường ngoài công lập phải tự cứu lấy mình bằng cách đầu tư nâng cao cơ sở vất chất, đào tạo để thu hút học sinh.

Về vấn đề này, TS Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho biết hiện nay ở các nước khác cũng có chính sách giao quyền tự chủ cho các trường, họ không chú trọng đến đầu vào của thí sinh trong khi đó Việt Nam thì ngược lại. 

Ông cũng nói thêm rằng, năm nay trường ĐH Thăng Long vẫn tuyển theo chủ trương “ba chung” của Bộ GD chứ không gửi đề án xin cơ chế tự chủ tuyển sinh.

Ý kiến bỏ thi ba chung, xóa hàng rào điểm sàn đã được nhắc đến nhiều năm nay. Nhưng đây không phải là bài toán dễ giải quyết cho các nhà quản lý giáo dục. Đã hơn 10 năm thực hiện thi “ba chung”, nhiều người lo sợ rằng, nếu bỏ cách thi này thì giáo dục đại học sẽ “loạn” bởi một lẽ đây được coi là kỳ thi quan trọng nhất, đánh giá chính xác nhất lực học của học sinh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, điểm sàn chỉ  giữ nhiệm vụ đảm bảo chất lượng đầu vào, ổn định chỉ tiêu được giao chứ không đảm bảo chất lượng giáo dục đại học nói chung. Như vậy, có nên vẫn thi “ba chung”, bỏ điểm sàn? Sẽ giao tự chủ tuyển sinh cho các trường theo quy định trong Luật GDĐH?

Luật GDĐH nêu rõ: Cơ sở giáo dục đào tạo tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Các trường được tự chủ tuyển sinh theo một trong ba hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét tuyển. Tuy nhiên, cho đến nay quy định này vẫn chưa hề được áp dụng mặc dù Luật GDĐH có hiệu lực từ 1/1/2013.

Mới đây, tại cuộc họp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khuyến khích ủng hộ các trường công, trường tư xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trình Bộ xem xét và phê duyệt nếu phù hợp. Và rất nhiều người trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc – CT HĐQT ĐH Phan Chu Trinh bày tỏ mong muốn Bộ sớm thực hiện lời hứa!

Trả lời báo chí, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khẳng định: ““Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta kết thúc phương thức 3 chung. Đương nhiên khi kết thúc phương thức 3 chung thì chúng ta sẽ có điều kiện tạo quyền chủ động cho các trường có kế hoạch tuyển sinh...”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại