Đó là những sự kiện nóng gần đây khiến dư luận xôn xao, lo lắng và không ít người hoài nghi về chất lượng phát triển giáo dục, về khả năng quản lý của những người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà.
Trong một hội nghị giáo dục gần đây, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, việc cho học sinh mang camera không có chức năng phát hình ảnh ra ngoài trong kỳ thi tốt nghiệp là để “các cháu” cũng có thể chống tiêu cực trong thi cử.
Và đến ngày 26/2, Bộ GD ban hành Thông tư 04 về sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013, nghĩa là cấm phát tán thông tin tiêu cực dưới bất kỳ hình thức nào mà chỉ được trình báo với nơi tiếp nhận theo quy định.
Tuy nhiên, ngay sau đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: "Quả thật việc này không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục đã chỉ đạo rà soát lại và trên tinh thần như vậy thì phải sửa theo đúng quy định pháp luật”.
Như vậy, vô tình thông tư của Bộ GD lại vi phạm quyền công dân! Bởi theo Luật Tố cáo thì người dân phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền bất kỳ lúc nào.
Mặc dù câu chuyện sai sót, sửa quy định đã lắng xuống nhưng… không ít người đặt câu hỏi: Liệu rằng những người đề ra quy định sai luật chỉ nhìn vào một mặt, lẽ nào chuyên viên và người quản lý chẳng không nhận ra mà phải đến khi thành thông tư ban hành cho cơ quan, người dân mới phát hiện?
Dẫu biết rằng sai phải sửa, ban hành trái quy định thì phải bãi bỏ hay không phù hợp thực tiễn thì tiếp thu cầu thị sửa đổi… Nhưng điều ấy càng chứng tỏ niềm tin vào giáo dục, vào đội ngũ quản lý ngày càng giảm sút.
Lại nói đến câu chuyện niềm tin giáo dục, xin nhắc lại lời của PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học: “Cái tôi trăn trở nhất là chất lượng giáo dục nhưng mình thấp kém chưa theo kịp các nước khác. Giáo dục sa sút như thế dẫn đến hệ lụy là không tạo được nguồn nhân lực xây dựng đất nước. Điều tôi sợ nhất là hiện nay, người ta không tin tưởng giáo dục nhiều nữa…”.
Sự kiện hằng trăm học sinh reo hò ăn mừng xé, đề cương Sử thả xuống sân trường là điều đáng buồn cho ngành giáo dục nước nhà. (ảnh cắt từ clip).
Câu chuyện thứ 2 đó là bài toán nâng cao chất lượng đào tạo, đầu vào tuyển sinh làm đau đầu không ít nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường và cũng là dấu hỏi lớn cho nhiều bậc phụ huynh và người học là làm thế nào không thất nghiệp khi ra trường.
Trường ngoài công lập “khát” thí sinh, nhiều trường đang thoi thóp vì chính sách “vớt” thí sinh dành cho trường công lập gây xôn xao, tạo làn sóng dữ dội trong năm vừa qua. Và để giải quyết tình trạng đó, Bộ đưa ra phương án “hai mức điểm sàn”.
Ngay lập tức, ý kiến đó đa phần bị phản đối kịch liệt vì người ta lo ngại sẽ càng khiến chất lượng giáo dục đi xuống khi điểm đầu vào “thấp không thể nào thấp hơn” được nữa và có thể khiến bài toán chất lượng đào tạo đi vào đường cụt…
Tuy nhiên, đến ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ GD cho biết hai mức điểm sàn chỉ là dự thảo lấy ý kiến thăm dò. Ông khẳng định Bộ sẽ không áp dụng hai điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2013 và điểm sàn chỉ có một mức. Thiết nghĩ, phương án dự thảo hai điểm sàn được đưa ra thời điểm này có thể ảnh hưởng đến tâm lý, gây hoang mang cho nhiều thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng!
Lỗ hổng càng lớn hơn khi sự kiện 6 môn thi tốt nghiệp không có môn Lịch sử. Càng buồn hơn khi lãnh đạo Bộ GD trả lời báo chí rằng các môn thi tốt nghiệp hoàn toàn được bốc thăm xác suất và không có môn Lịch sử là bình thường. Như thế, môn Lịch Sử được đưa vào trò chơi may rủi mặc dù câu nói “dân ta phải biết Sử ta” vẫn được nhắc đến nhiều trong các văn bản báo cáo…
Và điều đó dẫn đến hiện tượng hàng trăm em học sinh reo hò, xé và ném đề cương môn Lịch sử xuống sân trường ngay sau ngày công bố 6 môn thi tốt nghiệp đã khiến thầy cô giáo dạy Sử, chuyên gia tâm huyết, dư luận “hoảng hồn” bởi cách “ăn mừng” đối với môn Sử.
Môn Lịch sử khiến học sinh hãi hùng? Sợ hãi đến như vậy sao? Việc dạy, học, chương trình Lịch sử như thế nào báo chí đã nói nhiều rồi nhưng đến bao giờ thay đổi được thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Đến nỗi, một giáo sư đáng kính, dành cả đời gắn với sử GS Phan Huy Lê đã thốt lên rằng: “Với tình hình giảng dạy môn Sử ở các trường THPT hiện nay, nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán học môn này ”.
Chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho hành động bột phát của lứa tuổi học trò, mà sâu sa chính là lỗi hệ thống giáo dục cần phải suy ngẫm. Phải chăng, không thể nhồi nhét vào đầu học sinh, ép thi để rồi hàng ngàn điểm 0 lại xuất hiện được và không thể khiến “ngọn” thay đổi mà “gốc” vẫn thế được!
Lỗ hổng quản lý giáo dục đang lớn dần, chưa kể đến việc hàng loạt sách giáo khoa in lá cờ Trung Quốc, sách tham khảo cho tiểu học không có quần đảo Trường Sa trên bản đồ. Tôi thắc mắc không biết đến bao giờ, giáo dục lấy lại niềm tin từ chính người dân?
Xót xa trước bệnh thành tích, gian dối giáo dục, PGS. TS Văn Giá phải thốt lên rằng: “Hóa ra bởi vì "lỗ hổng" tiêu cực trong giáo dục con voi cũng chui lọt chứ không phải chỉ con người".