Tiến sĩ Phạm Thúy Hồng: Ai bảo sinh viên ngôn ngữ học 'ế'… việc?

Thu Hòe |

(Soha.vn) - TS ngôn ngữ học Phạm Thúy Hồng, giảng viên khoa Ngôn ngữ học - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN khẳng định: "Đừng nói sinh viên ngôn ngữ học 'ế' việc sau khi rời trường. Nói như vậy là sai về bản chất và quy chụp".

Học rồi sẽ thấy bị “hút” và “yêu”

Chia sẻ về lí do “bén duyên” với ngôn ngữ học, TS. Phạm Thúy Hồng kể: “Thực ra, khi còn là sinh viên, tôi học Ngữ văn. Tôi yêu cả văn học và ngôn ngữ nhưng tôi chọn ngôn ngữ vì tôi thích sự rõ ràng, mạch lạc mà chúng tôi được rèn luyện khi ngồi trên giảng đường đại học.

Không những thế, kiến thức xã hội nói chung mà các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn phải học là kiến thức về soạn thảo và xử lý văn bản, các kỹ năng biên tập, kỹ năng viết báo, kỹ năng dùng từ và đặt câu, kiến thức về hội thoại, thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận biết nghĩa thực của lời nói… Tất cả những kiến thức này có đủ đầy ở ngành ngôn ngữ học”.

Nói về những ưu điểm và thế mạnh của ngành, TS. Hồng cho biết: “Một sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ sẽ biết cách để viết một văn bản súc tích, đúng trọng tâm, không lan man.

Thực tế, không phải ngành học nào cũng dạy sinh viên biết cách dùng từ chính xác. Một sự thật hiển hiện trên hầu hết các mặt báo hiện nay là việc dùng từ không chính xác, mơ hồ về ngữ nghĩa…”.

Tiến sĩ trẻ Phạm Thúy Hồng: Ai bảo sinh viên ngôn ngữ học 'ế'… việc?
TS ngôn ngữ học Phạm Thúy Hồng, giảng viên khoa Ngôn ngữ học – Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Trước câu hỏi, ngành ngôn ngữ học nói riêng và các ngành xã hội nhân văn nói chung có vẻ đang không là sự lựa chọn của nhiều học sinh THPT, TS. Hồng bày tỏ: “Có lẽ đây là suy nghĩ mang tính chủ quan của một số người trong xã hội. Bởi lẽ tôi thấy, xã hội càng phát triển, ngành ngôn ngữ càng trở nên "hot".

Một nhà ngoại giao, một nhà kinh tế, một nhà chính trị... đều cần có các kiến thức về ngôn ngữ. Luật pháp muốn chuẩn, chính xác cũng cần đến sự tư vấn của các nhà ngôn ngữ. Công nghệ thông tin muốn giỏi cũng phải biết cách sử dụng ngôn ngữ…

Thực tế nhiều lớp kỹ năng giao tiếp, chiến lược giao tiếp… đang thu hút rất nhiều học viên trẻ tham gia. Những điều này đã đủ để nói lên tầm quan trọng của ngành ngôn ngữ học…”.

Đừng nói sinh viên ngôn ngữ “ế” việc

“Đừng nói sinh viên ngôn ngữ “ế” việc sau khi rời trường. Nói như vậy là sai về bản chất và quy chụp, không công bằng với sinh viên ngữ học nói riêng và sinh viên các nhóm ngành xã hội nhân văn nói chung.

Cá nhân tôi nhận thấy, cơ hội nghề nghiệp với sinh viên ngôn ngữ có lẽ còn rộng hơn các ngành khác. Vì ngành nào mà không cần đến ngôn ngữ. Một công ty phần mềm máy tính, một cơ quan pháp luật, một cơ quan hành chính, thậm chí là ngân hàng… đều cần đến ngôn ngữ. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn Ngôn ngữ học”, TS. Hồng nhấn mạnh.

“Nếu yêu ngôn ngữ, yêu ngành mình đang học và học giỏi, các bạn sinh viên chắc chắn chắc chắn sẽ tìm được những công việc tốt và phù hợp với mình…”, Tiến sĩ trẻ Phạm Thúy Hồng chia sẻ.

TS. Phạm Thúy Hồng hiện đang tham gia giảng dạy 2 môn chính ở Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, đó là ngôn ngữ đối chiếu và ngữ nghĩa.

Tiến sĩ Phạm Thúy Hồng “bén duyên” với ngôn ngữ học từ tình yêu “vụng dại” thời học trò.

Cô gái trẻ xứ Quảng ngày ấy thích sự rõ ràng, mạch lạc trong giao tiếp, ứng xử và khát khao được đứng trên mục giảng để truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên từ những bước chân chập chững nơi giảng đường ĐH Tổng hợp.

22 tuổi, cô gái xứ Quảng nhận bằng Cử nhân ngôn ngữ học của ĐH Tổng hợp. 25 tuổi cô hoàn thành đề tài luận văn thạc sỹ với điểm số xuất sắc. 36 tuổi, chị bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ về ngôn ngữ học, trở thành 1 trong 3 nữ tiến sĩ của khoa Ngôn ngữ học - ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại