Tiến sĩ Nguyễn Thùy Linh: “Các bạn sinh viên rất thông minh”

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo tiến sĩ Nguyễn Thùy Linh, học vị tiến sĩ không phải là điểm dừng tự mãn mà mới chỉ là khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu.

Lời tòa soạn: Đất nước Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội chuyển mình nhưng cùng với đó cũng là những khó khăn, thách thức. Tầng lớp trí thức trẻ nói chung, tiến sĩ trẻ nói riêng luôn là đội ngũ kế cận đã, đang và sẽ có những cống hiến không nhỏ vào sự phát triển của đất nước, dân tộc.

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ khởi đăng tuyến bài trao đổi với các tiến sĩ trẻ ở nhiều ngành nghề khác nhau để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và quan điểm của họ trước công việc hiện tại cũng như tương lai và cao hơn là trách nhiệm công dân trước vận mệnh đất nước.

Học vị tiến sĩ chỉ là điểm khởi đầu

Năm 2012, ở tuổi 29, giảng viên Nguyễn Thuỳ Linh (Cán bộ giảng dạy tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Pháp với kết quả xuất sắc.

Nhiều người cho rằng, có tấm bằng Tiến sĩ trong tay rồi thì có thể gạt qua một bên những áp lực về việc trau dồi chuyên môn nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Thuỳ Linh học vị tiến sĩ mới chỉ là điểm khởi đầu của chặng đường nghiên cứu.

“Tôi còn trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, vốn hiểu biết còn rất hạn chế. Học vị tiến sĩ, với những giảng viên trẻ, không phải là điểm dừng tự mãn, mà mới chỉ là khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu luôn đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng.

Các bạn sinh viên rất thông minh và năng động, nếu mình không thường xuyên trau dồi kiến thức thì không thể nào tự tin đối thoại với các bạn được”, TS Nguyễn Thuỳ Linh nhấn mạnh.

“Đối với tôi, ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, thì thương hiệu, tên tuổi của trường Khoa học Xã hội và Nhân văn và ngành Văn học luôn khiến tôi ngưỡng mộ. Điều đó đưa tôi đến quyết định chọn học tại đây. Tôi thấy rất tự hào khi được trở thành sinh viên Văn khoa - đó là điều tôi đã thầm mơ ước”, TS Nguyễn Thuỳ Linh chia sẻ.

Tiến sĩ trẻ Nguyễn Thuỳ Linh tự hào khi được học tập và công tác ở mái trường Văn khoa Tổng hợp.
Tiến sĩ trẻ Nguyễn Thuỳ Linh tự hào khi được học tập và công tác ở mái trường Văn khoa Tổng hợp.

Ra trường với điểm số cao, cô vinh dự là một trong số ít sinh viên thủ khoa trong các trường Đại học ở Hà Nội được tuyên dương ở Văn miếu Quốc Tử Giám (năm 2005). Sau khi tốt nghiệp Đại học, TS Nguyễn Thuỳ Linh đã ở lại Khoa, trở thành một cán bộ giảng dạy. Từ bậc cử nhân, cô đã được tuyển thẳng lên học tiến sĩ chuyên ngành Văn học Pháp.

Văn chương quan trọng nhất là niềm say mê

Là một giảng viên trẻ đang giảng dạy môn Văn học Pháp, khi được hỏi về tình hình dạy và học văn hiện nay, TS Nguyễn Thuỳ Linh bày tỏ: “Lâu nay các phương tiện truyền thông đã bàn nhiều về vấn đề này, nhiều khi với cái nhìn quan ngại. Trong giới hạn hiểu biết của mình, tôi cho rằng những thói quen của tình trạng dạy, học theo phong trào, lệ thuộc vào các bài văn mẫu đã làm giảm đi phần sáng tạo của người dạy, người học.

Thêm vào đó, việc đọc sách hiện nay của ngay chính sinh viên học văn cũng bị ảnh hưởng bởi mặt trái của các tiện nghi hiện đại như điện thoại di động, mạng Internet… đã khiến các bạn bị phân tán về thời gian”.

Đồng thời, cô cũng chia sẻ về một thực tế là hiện nay, số lượng tác phẩm văn học phản ánh hiện thực đang ít dần đi, thay vào đó là các tác phẩm mang tính chất giải trí, kỳ ảo.

“Thực tế trong thời gian qua, những tác phẩm mang tính chất giải trí, kỳ ảo đang có sự phát triển mạnh và nó khiến cho con người ta thoát khỏi cuộc sống hiện tại để mơ mộng. Một điều cần nói, những tác phẩm này đánh vào lượng độc giả đông nhất, đó chính là giới trẻ.

Tuy đây cũng là một điều tốt nhưng chiều sâu và sức bền của nó không thể nào bằng những tác phẩm kinh điển. Và thật sai lầm khi chúng ta bỏ qua những tác phẩm kinh điển để đến với những tác phẩm ăn khách theo kiểu mì ăn liền”, TS Nguyễn Thuỳ Linh bình luận.

TS Linh cũng cho rằng, có thể các tác phẩm hiện thực, kinh điển ở đâu đó và trong hoàn cảnh nào đó bị xem nhẹ nhưng về lâu dài, chắc chắn nó sẽ lấy lại được chỗ đứng trong lòng độc giả.

Từ thực tế quá trình học tập, giảng dạy của mình, TS Nguyễn Thuỳ Linh cho rằng, muốn dạy văn và học văn tốt thì quan trọng nhất là phải dành thời gian và niềm say mê cho văn chương.

“Người học văn cần phải nuôi dưỡng niềm say mê và người dạy văn càng cần phải có niềm say mê mãnh liệt hơn nữa thì mới có thể chia sẻ, vun đắp cảm xúc tới người học. Và một điều quan trọng là trong cuộc sống hiện đại bộn bề là phải dành một quỹ thời gian cho văn học; cùng đọc, cùng suy ngẫm để tìm ra giá trị của một tác phẩm hoặc đôi khi chỉ  đơn giản là để kể cho nhau nghe”, TS Nguyễn Thuỳ Linh bày tỏ.

Sinh năm 1983, ở mảnh đất giàu truyền thống hiếu học Nam Định, ngay từ nhỏ cô Nguyễn Thuỳ  Linh đã có niềm yêu thích đặc biệt với môn văn. Quãng thời gian theo học các lớp chuyên văn ở những ngôi trường chuyên của tỉnh đã giúp niềm yêu thích của cô càng được bồi đắp.

Cô đã 4 năm liền đạt giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi văn tỉnh Nam Định (lớp 9, lớp 10, lớp 11, lớp 12); ba lần đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn quốc gia (lớp 9, lớp 11, lớp 12); giải thưởng cuộc thi viết thư quốc tế UPU khi học lớp 7...

Tốt nghiệp trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định, cô được tuyển thẳng vào Đại học. Đứng trước nhiều lựa chọn, cô học trò của mảnh đất thành Nam đã quyết định chọn khoa Văn, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại