Lắng nghe tâm tâm sự của các bác sỹ tương lai nhân ngày 27/2

Thiên Vũ |

(Soha.vn) - Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, PV đã ghi nhận tâm sự của những sinh viên đang học ngành y về nghề khám chữa bệnh.

Vất vả, áp lực

Sinh viên Vũ Trường (Y6, Y Đa khoa, ĐH Y Hà Nội) quyết tâm thi vào ĐH Y bởi ngay từ nhỏ chứng kiến mẹ thường xuyên phải vào bệnh viện, cậu muốn trực tiếp chữa bệnh cho những người trong gia đình và mọi người. Và cậu thấy vui khi giúp được mọi người khỏe mạnh.

Một lớp Y6, ngành Đa khoa, ĐH Y Hà Nội.

Một lớp Y6, ngành Đa khoa, ĐH Y Hà Nội. Họ đều mong muốn được cống hiến, được chữa bệnh cho người dân.

Trường chia sẻ rằng, ban đầu khi mới vào trường, không nghĩ rằng học ngành y sẽ vất vả, áp lực như thế.

Cậu tâm sự: "Ngay khi vào trường, chúng mình học cả ngày, liên tục học lý thuyết trong 2,5 năm đầu. Những năm sau đó học trên viện, sáng trên viện, chiều đi học ở trường, tối bổ sung kiến thức, chuẩn bị bài vở ngày hôm sau… Chưa kể phải trực xuyên đêm, chỉ được ngủ 2- 4 tiếng đồng hồ/ ngày. Có lần, mình trực 3 đêm/ tuần. Rất mệt và căng thẳng.

Trong thời gian thực tập trong bệnh viện, mình thấy nhiều bác sỹ gặp rất nhiều áp lực, chịu trách nhiệm rất lớn bởi nó liên quan đến tính mạng con người. Trong khi đó, luật bảo vệ bác sỹ ở nước ta lại chưa rõ ràng”.

Đối với Lê Thị Duyên (Tổ 19, lớp Y3E, Bác sĩ Đa khoa, ĐH Y Hà Nội) cũng đã có lúc bị “stress” với bài vở, kỳ thi bởi lý thuyết học năng, vừa học vừa thực tập và thời gian đào tạo nghề lâu hơn so với các ngành khác.

“Nhưng em luôn vững tin vì có sự giúp đỡ gia đình, thầy cô động viên. Em bắt đầu học tập ở viện từ gần hai tháng trước, dần cảm nhận được cái hạnh phúc của ngành Y. Đó là những lúc nhìn bệnh nhân được chuẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời, nhanh hết bệnh, thấy niềm vui nho nhỏ của người nhà và bệnh nhân khi ra viện…

Đi học ở viện không chỉ giúp em học thêm về lâm sàng trên bệnh nhân mà được nghe thầy giảng về y đức và những bài học làm người, làm thầy. Đó là động lực cho em phấn đấu. Sau 3 năm học, em thấy yêu nghề hơn”, Duyên chia sẻ.

Còn Hữu Lam (SV khóa Y5, ĐH Y Thái Bình) tâm sự, ban đầu lựa chọn ngành y do gia đình yêu cầu, mới vào học thấy chán, vất vả nhưng sau 1 – 2 năm thấy thích thú, đam mê ngành y.

Không phải bác sỹ nào cũng nhận phong bì

Hiện nay, mọi người lên án rất nhiều về việc đút lót phong bì trong bệnh viện. Theo Vũ Trường, chưa bao giờ chứng kiến cảnh người bệnh đút tiền cho bác sỹ để đươc vào khám chữa bệnh.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Trường cho biết: “Trách nhiệm của những người học ngành y là chữa bệnh. Mình nghĩ rằng, sau quá trình chữa bệnh, bệnh nhân ra viện, nếu họ cảm ơn bác sỹ thì mình có thể đón nhận tấm lòng đó.

Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều bất cập, biến tướng, bằng chứng là việc người dân đưa tiền cho bác sỹ trở thành đường mòn”.

Còn theo ý kiến của Duyên, trong ngành Y vẫn có rất nhiều bác sỹ, y tá có tài và có tâm. Thực trạng tiêu cực trong ngành y bị lên án quá nhiều tiêu cực là do chỉ một số bộ phận bác sỹ, y tá tay nghề còn chưa vững và y đức chưa tốt.

Lê Thị Duyên (ngoài cùng bên phải) cho rằng mặc dù học ngành y vất vả hơn các ngành khác nhưng Duyên không bao giờ hối hận vì đã chọn nghề cao quý này.

Lê Thị Duyên (ngoài cùng bên phải) cho rằng mặc dù học ngành y vất vả hơn các ngành khác nhưng Duyên không bao giờ hối hận vì đã chọn nghề cao quý này.

Duyên cho rằng: “Ngành y là một ngành nhạy cảm nên chỉ cần thiểu số bác sỹ như vậy cũng khiến ngành y nhuốm màu tiêu cực.

Đang còn học trong trường, điều mà em suy nghĩ nhiều nhất là làm sao tất cả bệnh nhân khi đến với bác sỹ sẽ được chuẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời”.

Đồng tình với quan điểm đó, Hữu Lam nêu rõ nguyên nhân: “Mọi người đều nghĩ tất cả ngành y tiêu cực, bác sỹ có thái độ thờ ơ với người bệnh. Người dân thường có tâm lý đến viện chữa bệnh là phải đút lót, phải có tiền thì bác sỹ mới khám.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Bản thân mình khi thực tập tại bệnh viện Y Thái Bình, bác sỹ không hề nhận tiền từ người bệnh hay người nhà bệnh nhân”.

Để hạn chế tình trạng này, sinh viên Lam cho biết, nếu tiêu cực ở bệnh viện nào thì chỉ rõ, bác sỹ nào vi phạm thì xử lý, chứ không chỉ chung chung. Và Lam mong muốn  mọi người cần nhìn nhận khách quan hơn bởi không phải toàn nghành y đều có tiêu cực.

“Mình là sinh viên năm cuối, mình mong muốn ra trường có được công việc như mong muốn, được ở lại Hà Nội để có cơ hội học tập, phát triển nâng cao tay nghề.

Và mình hy vọng những bạn sinh viên học ngành y ra trường đều là bác sỹ cứu người, chữa bệnh cho bệnh nhân bằng cái tài, cái tâm của người thầy thuốc”, Vũ Trường, SV ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại