Khuyến khích các trường đề xuất phương án tuyển sinh gửi Bộ

Theo GDĐT |

Sau buổi họp với Bộ GD&ĐT ngày 5/3 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (Hiệp hội) đã có công văn gửi các trường thành viên, thông báo nội dung buổi họp.

1. Tại buổi họp, Chủ tịch Hiệp hội - Giáo sư Trần Hồng Quân đã nêu ngắn gọn 4 vấn đề:

a/ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thấy rõ tình trạng khó khăn có thể dẫn đến đổ vỡ của một số trường ngoài công lập; dễ tạo hiệu ứng dây chuyền làm thất bại chủ trương Xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước. Phải tìm nguyên nhân với tinh thần là người trong cuộc.

b/ Chính sách tuyển sinh là nguyên nhân trực tiếp nhất cho tình hình nói trên với các trường, Bộ cần cho thực hiện Điều 34 của Luật Giáo dục đại học từ mùa tuyển sinh này để cho các trường được tự chủ tuyển sinh như luật định, không có lý do gì xác đáng để kéo dài, vô hình chung vô hiệu hoá Luật đến 2015 như Bộ từng tuyên bố. Cần sớm bỏ "ba chung", bỏ điểm sàn. Thực hiện "hai trong một" , lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT, cùng với thành tích học tập cấp trung học phổ thông  mà xét tuyển vào đại học. Nếu không có giải pháp thích hợp, e một số trường không chịu đựng được.

c/ Đề nghị Bộ tác động các Bộ liên quan để thực hiện Điều 66 của Luật Giáo dục đại học về ưu đãi thuế cho các trường ngoài công lập, xoá bỏ ngay cách dánh thuế khắc nghiệt hiện nay.

d/ Bảo đảm công bằng giữa sinh viên trường công và trường tư trong chính sách học bổng và học phí. Sinh viên trường công lập được học bổng, được hỗ trợ chi phí đào tạo nên chỉ phải đóng học phí thấp. Sinh viên trường tư thì không được. 

Kinh phí nhà nước cũng là thuế do dân đóng. Họ đều là công dân, phải được bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Không thể để sinh viên trường tư thiệt thòi như lâu nay, khi mà trong số họ có rất nhiều em con nhà nghèo. Điều này cũng tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh lành mạnh giữa các loại trường.

Do thời gian có hạn, Hiệp hội đề nghị buổi họp chưa đề cập đến những vấn đề lâu dài mà tập trung trao đổi những kiến nghị trước mắt nhằm giải cứu cho hệ thống trường đại học cao đẳng ngoài công lập, có liên quan tới việc triển khai chủ trương xã hội hoá giáo dục.

(Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà), GS. Hoàng Xuân Sính (Trường ĐH Thăng Long), VS. Cao Văn Phường (Trường ĐH Bình Dương), GS. Trần Hữu Nghị (Trường ĐHDL Hải Phòng) TS. Lê Trường Tùng (Trường ĐH FPT), TSKH. Phan Quang Trung ( PCT Hiệp hội) đã lần lượt phát biểu ý kiến.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga truyền đạt quan điểm của Bộ trưởng: Bộ GD&ĐT ủng hộ các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng.

2. Trong không khí cởi mở và thẳng thắn, sau khi đã nghe hết các ý kiến trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã lần lượt trao đổi và giải đáp một số vấn đề mà Hiệp hội và các đại biểu nêu ra:

a/ Bộ khẳng định trường đại học tư thục là trường của các nhà trí thức, nhà đầu tư và của cả ngành, của Bộ GD&ĐT. Thành công và thất bại của hệ thống trường này là của Đảng, của Bộ và của tất cả. Bộ luôn tôn trọng, không hề có mặc cảm nào cả, đối xử công bằng với các trường công cũng như tư. Có điều Bộ không thể biết hết được những khó khăn và mọi chuyện của mỗi trường.

Hiệp hội tán thành quan điểm đó của Bộ, nhưng cũng lưu ý rằng  nhiều văn bản được ban hành trong các năm vừa qua chưa phản ánh đúng nội dung quan điểm này.

b/ Về những chính sách đối với trường ngoài công lập.

- Về thuế: Bộ đồng tình với Hiệp hội,vừa qua Bộ đã ký văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các điều khỏan về thuế của Luật Giáo dục đại học để các trường ngoài công lập được thực hiện ngay từ năm 2013, không còn phải kèm theo điều kiện quy định về số mét vuông đất cho mỗi sinh viên nữa như đã hướng dẫn  thực hiện Nghị định 69/2008/NĐ-CP.

Hiệp hội hoan nghênh việc làm này của Bộ.

- Về hỗ trợ cấp đất sạch cho các trường ngoài công lập, Nhà nước không tìm được nguồn vốn để thực hiện như quy định ở Nghị định 69/2008/NĐ-CP. Chủ trương giãn các trường ra bên ngoài thành phố Bộ đang cố gắng thực hiện, nhưng chưa làm được bao nhiêu.

Quan điểm của Hiệp hội là nếu đã thấy khó khăn của Nhà nước thì Bộ không nên thúc bách các trường ngoài công lập phải đảm bảo tiêu chí  quy định diện tích về đất, càng không nên lấy tiêu chí đó mà hạn chế hoặc đình chỉ tuyển sinh.

c/ Về thi và tuyển sinh. Đây là vấn đề rât nóng, đang có nhiều ý kiến khác nhau về nên bỏ hay không bỏ thi 3 chung và điểm sàn. Bộ cần phải cân nhắc kỹ. Nếu chưa bỏ kỳ thi 3 chung thì cũng chưa thể bỏ điểm sàn vì có liên quan đến yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo. Do vậy, từ nay đến năm 2015 vẫn duy trì kỳ thi "ba chung" như hiện nay, mà đã thi ba chung thì phải có điểm sàn.

Trước ý kiến cho rằng Bộ bảo thủ, không muốn bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học theo hình thức ba chung đã lạc hậu, thay vì, tập trung nguồn lực tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi dùng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT này để xét tuyển, vừa bớt được một kỳ thi nặng nề, tốn kém, phiền hà mọi mặt không cần thiết, lại vừa phù hợp với xu thế chung hiện nay của khu vực và quốc tế, Bộ cho rằng “hiện tại chưa thể tổ chức tốt và cũng chưa thể tin cậy hoàn toàn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT được. Do đó, việc triển khai tuyển sinh dựa trên cơ sở xét  kết quả kỳ thi THPT  phải thận trọng, cần cân nhắc thật kỹ để tránh "lợi bất cập hại. Từ nay đến hết năm 2015 vẫn thi như hiện nay.

Bộ đã gợi ý các trường chủ động xây dựng đề án tuyển sinh riêng, Bộ xem xét và quyết định. Vừa qua, Bộ đã đồng ý cho 10 trường của khối văn hóa nghệ thuật được tự chủ tuyển sinh vì có phương án phù hợp, khả thi, có sự giám sát của Bộ chủ quản.

Hiệp hội hoan nghênh Bộ khuyến khích các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng, nhưng không thống nhất với lời giải thích của Bộ về khả năng xét tuyển vào đại học. Việc duy trì kỷ cương để có được một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không phải là việc quá khó, bất khả thi, nếu Bộ ý thức được trách nhiệm chính trị của mình. 

Hơn nữa Bộ đã từ lâu cho phép các trường đại học: RMIT, Việt Đức... được tự chủ tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển trên cơ sở bằng tốt nghiệp THPT hiện nay, không chờ đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Không lý gì không cho các trường Việt Nam làm như các trường đó.

Trường ĐH Phan Châu Trinh là trường đầu tiên xây dựng hoàn chỉnh đề án tuyển sinh riêng , sẽ trình Bộ GD&ĐT xem xét trong tuần sau.

d/ Về chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ luôn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong những năm qua đại học đã tăng trưởng quá nóng nên cần phải điều chỉnh để bảo đảm chất lượng. Một số trường yếu, kém gặp khó khăn về tuyển sinh là tất yếu. Tuyển sinh toàn ngành nhìn chung là năm sau đã giảm so với năm trước. Đây là giảm có chủ định. Đó là thành tích. Nguyên nhân có nhiều. Trong  đó có nguyên nhân quy mô học sinh phổ thông giảm 10%, học nghề tăng…

Các chỉ tiêu 400 SV/vạn dân, chỉ tiêu sinh viên trường ngoài công lập chiếm 40% quy mô, hiện nay Bộ không đặt ra mục tiêu phấn đấu bằng mọi cách phải đạt được, mà phải tính chuyện cơ cấu lại hệ thống, theo hướng nâng cao chất lượng.

Trong các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Bộ, Hiệp hội không đề cập tới chỉ tiêu quy mô đào tạo đại học lớn hay nhỏ, nhiều hay ít mà là vấn đề xác định điểm sàn không chuẩn làm cạn kiệt nguồn tuyển sinh, khiến cho các trường ngoài công lập, kể cả các các trường công lập không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 đã được Bộ cho phép.

e/ Việc kiểm tra các trường là thực hiện chủ trương của Quốc hội, Bộ có đặt ra lộ trình, không giật cục. Trong việc này, không có sự phân biệt nào giữa trường công và trường tư cả. Bộ không ban hành thêm các văn bản mới nào, chỉ căn cứ vào nội dung của những văn bản đã có. Chỉ có điều Bộ không thường xuyên theo dõi đôn đốc và kiểm tra đầy đủ các cam kết của các trường.

Hiệp hội cho rằng trên thực tế không hoàn toàn diễn ra như vậy.

g/ Việc chuyển từ loại hình trường đại học theo quyết định 122/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, từ dân lập sang tư thục chậm thực hiện. Hiện còn 16 trường chưa chuyển được. Đây là vấn đề khó, phức tạp vì tình trạng nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng đang diến ra ở các trường này.

Hiệp hội không hoàn toàn đồng ý với nhận định trên đây. Ở nhiều trường không hề có vấn đề nội bộ. Bộ vẫn chưa thấy được xung quanh vấn đề chuyển đổi, có đôi chỗ chỉ đạo của Bộ chưa thực sự phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 05 của Chính phủ, gây khó thêm cho các trường.

3. Những ý kiến trao của Bộ trưởng đã làm thấy rõ hơn nhiều quan điểm của Bộ đối với giáo dục đại học nói chung, đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nói riêng.

Có một số vân đề đã có sự đồng thuận. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề vẫn  có sự khác nhau giữa Hiệp hôi và Bộ, hoặc Bộ chưa bày tỏ ý kiến như các giải pháp cấp bách về tuyển sinh mà Bộ cần đưa ra để tránh sự đổ vỡ ở nhiều trường ngoài công lập. Bộ cũng chưa có ý kiến về vấn đề công bằng xã hội giữa sinh viên ngoài công lập và công lập.

Hiệp hội sẽ báo cáo bằng văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, như quy định của công văn số 1051/VPCP-KGVX  ngày 03/02/2013 về kết quả làm việc

Thường Trực Hiệp hội đề nghị các trường nếu thấy cần thiết, tích cực xây dựng đề án tuyển sinh riêng, như Bộ trưởng đã tuyên bố và khuyến khích, để trình Bộ xem xét cho thực hiên. Các phưong thức có tính khả thi là: XÉT TUYỂN dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, thành tích học tập trong các năm THPT.. như ở các trường quốc tế đã được Bộ cho phép; hoặc XÉT TUYỂN KẾT HỢP VƠI THI TUYỂN. 

Còn phưong thức thi riêng là hoàn toàn không khả thi. Trước khi gửi thông báo này Thường trực Hiệp hội đã nhận được thông báo ít nhất có ba trường đã hoặc đang xây dựng đề án tuyển sinh riêng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại