Những sự “tin tưởng” và “dễ dãi” ấy càng khiến dịch vụ Cầm đồ ngày càng thu hút nhiều người và không bỏ qua bất kì đối tượng nào.
"Phiêu" cùng dịch vụ cầm đồ
Cũng muốn được phiêu trong cảm giác của người đi cầm đồ, tôi mang giấy tờ xe vào cửa hiệu cầm đồ nằm trên đường 32, Nguyên Xá, Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội, nơi mà xung quanh những tên cửa hàng dịch vụ khác nằm lọt thỏm trong những biển hiệu cầm đồ.
Chủ cửa hàng là cô gái trạc ngoài 30 đon đả chào tôi. Nhưng khi được biết hiện vật mà tôi mang cầm cố, chị ấy lắc đầu: “Cửa hàng chị chỉ cầm những vật có giá trị thanh lý được. Máy ảnh Canon đời A, điện thoại như Nokia 2300 hay xe tàu bên chị không cầm. Những đồ em muốn cầm phải tìm đúng chỗ. Nếu là giấy tờ cũng phải là giấy nhà đất và lãi suất sẽ được tính theo ngày. Nếu em cầm 1 triệu, mỗi ngày chị tính là 10 nghìn đồng. Mà đây cũng là mức giá chung rồi”.
Mang theo câu hỏi về những đồ cầm cố phải có giá trị thanh lý được tới một cửa hiệu khác nằm trên đường Láng, nơi mà những dòng chữ cầm đồ cũng lấn át những biển hiệu khác, tôi cũng nhận được những cái gật đầu.
Chủ cửa hiệu là một thanh niên sinh năm 1987. Mới bén duyên với “nghề” được gần 1 năm nhưng anh đã có cho mình nhiều kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm. Khách hàng tìm tới với cửa hiệu của anh: sinh viên có, cán bộ công chức Nhà nước có, người đi làm cũng có… và cũng không phân biệt nam, nữ.
Điều tất nhiên anh cũng chỉ cầm những thứ có giá trị với mức lãi suất tương đương với thị trường cầm đồ vì anh hiểu làm gì cũng phải theo “luật”. Vẫn những điều kiện cứng nhắc như cửa hàng trước tôi tới nhưng tôi lại tìm được ở đây mức lãi suất “mềm” hơn: 4 nghìn/ngày cho mức cầm là 1 triệu. Nhưng đó vẫn là mức lãi suất tương đương với dịch vụ vay nặng lãi.
Chỉ cho tôi chiếc xe Air Blade dựng trước cửa với biển rao bán giá 37 triệu, anh tận tình: “Chiếc xe này là của một sinh viên nghiện game nhưng vì không có tiền “nhổ” nên hắn bỏ luôn, giờ mình mang bán. Có nhiều người trả 36 triệu nhưng mình giữ giá cũ nên vẫn chưa đồng ý. Mà những ai muốn mua đồ cũ họ thường tìm tới hiệu cầm đồ vì toàn đồ tốt cả mà”.
Rồi anh chỉ cho tôi từng chi tiết cấu tạo của chiếc xe. Thấy tôi ngạc nhiên vì một ông chủ cầm đồ lại có vốn kiến thức đáng kinh ngạc về phụ tùng xe máy, anh cười: “Nếu không có vốn hiểu biết hoặc tìm được nguồn tư vấn thì những người làm nghề như bọn mình dễ bị khách hàng “qua mặt” lắm”.
Phía sau "Dịch vụ cầm đồ"
Thế nhưng câu chuyện của ông chủ cửa hàng trên đường Láng lại khiến Vũ Văn Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi ấm ức khi trong một lần thiếu tiền đóng tiền nhà, Đức mang tạm chiếc máy tính bố mua cho dịp đầu năm đi cầm. Lúc chuộc ra, vốn là dân kĩ thuật nên Đức dễ dàng nhận thấy những sự thay đổi trên máy tính của mình.
Những thắc mắc của Đức chỉ nhận được những lời lí lẽ “ngoan cố” của chủ hiệu vì trên giấy trắng mực đen của tờ giấy cam kết giữa hai bên không ghi rõ những chi tiết trên máy tính thuộc hãng nào và chất lượng ra sao. “Nếu chủ cầm đồ là người hiểu biết về mọi loại đồ thì người đi mua hàng cũng phải là người rất “sành” về món hàng mình muốn mua ở đó thì mới mua được đồ ưng ý” – Đức chia sẻ.
Muốn đi thêm vài địa điểm cầm đồ nữa và muốn hiểu sâu hơn về dịch vụ đang rất “hot” hiện nay, tôi lướt qua internet để mong tìm thêm những thông tin hữu ích với từ khóa “Dịch vụ cầm đồ”.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên tôi lại thấy sự nở rộ của dịch vụ này giống như hình thức PR trên các trang mạng có thể do họ tự lập, có thể trên các trang mạng xã hội, trang mua bán online… Và mức lãi suất cũng “trên trời dưới biển” vì hình thức này các chủ cầm đồ nắm được tâm lý khách hàng khi dường như họ đã bước vào “đường cùng”. Hình thức này lại thu hút được các đối tượng ở tỉnh lẻ vì họ có thể thông qua mạng internet và chuyển tiền qua ngân hàng.
Cầm đồ cũng là dịch vụ “Đến hẹn lại lên”. Chẳng thế mà mới có trường hợp như của P.V. Thành (sinh viên đại học Điện lực, Hà Nội) mỗi mùa bóng đá tới là điện thoại, máy tính, xe máy thậm chí cả những đồ vật có giá trị của người thân đều được “chọn mặt gửi vàng” ở những hiệu cầm đồ để thỏa mãn sức chơi cho Thành.
Thành còn là người đứng tên để đi mượn đồ rồi kí gửi cho nhóm bạn. Tới khi mùa giải qua đi, bạn bè không ai đả động gì tới lãi suất, Thành lại liên tục nhận được điện thoại của những người mà mình mượn đồ. Lúc này, Thành mới báo cho gia đình. Mẹ Thành nghe tin ngất đi không biết bao nhiêu lần vì cảnh làm nông bà không biết kiếm đâu được số tiền hơn 200 triệu đi chuộc đồ cho con.
Cũng theo một chủ cửa hiệu cầm đồ cho biết: Tuy đối tượng đi cầm cố rất phong phú nhưng sinh viên vẫn chiếm số đông vì các bạn liên tục rơi vào tình trạng “đói kém”. Cầm tạm vài ngày đợi gia đình gửi tiền lên lại chuộc đồ. Thường những dịp hè, thị trường này có vẻ trầm lắng hơn và vào những ngày cuối năm, đồ đạc trong hiệu lại vắng vẻ vì khách tới chuộc ra gần hết.
Nói là chỉ cầm những vật có giá trị thanh lý được nhưng như đứa bạn tôi vẫn tìm được nơi để cầm giấy tờ, chứng minh nhân dân, bằng đại học… Hình thức này có thể giải quyết nhu cầu thiết yếu của sinh viên, người đi làm trong lúc tạm khó khăn nhưng với nhiều người lại là “vẽ” đường đưa họ tới nạn ăn chơi, cờ bạc, lô đề và cả nạn trộm cắp.
Thậm chí là cả nạn làm bằng giả mà đường dây nảy sinh từ chính những cửa hiệu cầm đồ. Tất cả mọi hình thức làm ăn của họ đều được hợp thức hóa bởi Giấy phép đăng kí kinh doanh nên điều cốt yếu ở đây là cần có biện pháp quản lý cứng rắn và có chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm để không có nhiều biến tướng từ dịch vụ cầm đồ.