Bãi Cháy - chuyện ớn lạnh về cây cầu "giết" hàng chục mạng người

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Một câu chuyện khó tin nhưng có thật đã xảy ra: Một người đã sống sót kỳ diệu sau khi lao mình xuống biển ở độ cao 50m từ cầu Bãi Cháy, nhưng...

Một câu chuyện khó tin nhưng có thật đã xảy ra: Một người đã sống sót kỳ diệu sau khi lao mình xuống biển ở độ cao 50m từ cầu Bãi Cháy - Hạ Long, nhưng đó chỉ là một may mắn không tưởng. Trong những năm qua, đã có gần 100 người bỏ mạng ở "cây cầu tử thần" này.

Những vụ tự tử vì “Tiền”

“Đừng đùa với cầu Bãi Cháy”, lời nhắn nhủ của chị Lệ - người bán nước ngay dưới chân cầu Bãi Cháy (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) đã dẫn trí tò mò của tôi tới với nơi nức danh là “địa chỉ đen” của không ít vụ tự tử.

Được mệnh danh là cây cầu đẹp bậc nhất Đông Nam Á nhưng từ sau ngày thông cầu đã có không ít vụ tự tử xảy ra ở đây
Được mệnh danh là cây cầu đẹp bậc nhất Đông Nam Á nhưng từ sau ngày thông cầu đã có không ít vụ tự tử xảy ra ở đây.

Nơi tôi đứng, là đoạn trung tâm của cây cầu, nơi mà những người trong Ban quản lý cầu Bãi Cháy nói rằng: Cao lắm, rơi từ đó xuống sẽ chẳng có cơ hội sống sót. Và họ ước tính cũng có khoảng gần 100 vụ nhảy cầu ở đây. Để lại sau đó là những giọt nước mắt, những tiếng lòng của không ít người thân, bạn bè của những con người bạc mệnh ấy.

Anh Nguyễn Ngọc Hải – nhân viên chi nhánh ANTT cầu Bãi Cháy cũng đã chứng kiến không ít vụ nhảy cầu. Và không ít lần anh chỉ biết đứng nhìn nạn nhân phi thân xuống dòng nước đang chảy xiết mà không kịp phản ứng gì. Để rồi sau đó, mỗi lần anh nhìn thấy người có biểu hiện chán chường, dáng bước liêu xiêu, trên tay cầm theo chai rượu… anh lại “đoán ý” và tới làm công tác “tư tưởng” để giúp họ từ bỏ ý định quyên sinh bằng cách trầm mình xuống dòng nước từ độ cao hơn 50m.

Từ độ cao hơn 50m từ cầu rơi xuống nước, sẽ chẳng có cơ hội sống sót.

Từ độ cao hơn 50m trên cầu rơi xuống nước, sẽ chẳng có cơ hội sống sót.

Trở lại với câu chuyện của chị Lệ, tôi nhận được không ít tiếng thở dài của người phụ nữ mới trạc hơn 40 tuổi nhưng đã có trong hành trang cuộc đời không ít những câu chuyện về những người tự tử ở cầu Bãi Cháy. Những câu chuyện chị kể, hầu hết đều xoay quanh những người vì nợ nần, cờ bạc mà sinh mất lí trí.

“Hai năm trước, nền kinh tế bắt đầu có những biểu hiện suy thoái, tình trạng nợ nần, phá sản ở đây ngày càng gia tăng. Những người ở trong tình cảnh đó, họ sinh chán nản và chỉ cần một tác động nhỏ là dễ nảy sinh ý định tìm tới cái chết để tự giải thoát mình khỏi những bế tắc của cuộc sống. Cầu Bãi Cháy chính là nơi “lý tưởng” để họ thực hiện ý định đó”, chị Lệ bắt đầu câu chuyện của mình khi lượng khách trong quán bắt đầu thưa dần.

Trước khi ngồi bán nước ngay dưới chân cầu, chị đã từng mở quán hát karaoke để có đồng ra đồng vào. Và có lẽ, thời gian quá lâu, lượng người tự tử quá nhiều để chị có thể nhớ cụ thể được họ tên hay ngày tháng năm xảy ra sự việc.

Chị Lệ trầm ngâm bên quán nước của mình khi kể về câu chuyện của những người đã từng tới đây tự tử.
Chị Lệ trầm ngâm bên quán nước của mình khi kể về câu chuyện của những người đã từng tới đây tự tử.

Đó là câu chuyện hơn một năm trước về một người đàn ông ở TP. Hạ Long, chỉ nợ có vài chục triệu sau những lần cờ bạc, nhưng ngày nào ông ta cũng nghe những lời cằn nhằn của vợ. Trong một chiếu bạc, ông buột miệng kêu chán và sẽ đi tự tử. Những người ngồi đó còn bông đùa, bảo đi mua cơm về cho ông ăn, sau này ông làm “ma no”. Nhưng không ai nghĩ, những gì ông nói đã trở thành hiện thực chỉ một ngày sau đó. Cầu Bãi Cháy chính là nơi ông chọn để thực hiện “ước nguyện” của mình.

Cũng chẳng lạ gì khi năm 2012, N.Q.H (Bắc Ninh) mấy ngày hôm trước còn đưa khách tới nhà chị hát và muốn được hát chung với bà chủ quán “xinh đẹp” một vài khúc ca, nhưng chỉ vài ngày sau, chị Lệ đã nghe tin H. nhảy cầu Bãi Cháy tự tử.

“H. nhìn sáng sủa và rất bảnh trai. Nó đi làm ở đây và có nhà trên Hà Nội rồi. Nó thường dẫn khách tới hát nhà chị. Hai chị em quý nhau lắm. Ngày thằng Trung, con trai chị lên Hà Nội thi đại học, nó còn bảo cứ qua nhà nó mà ở cho đỡ tốn tiền. Nhưng khổ nỗi, nó vướng lô đề nên nợ nần nhiều. Nó cũng đi theo “vết xe đổ” của rất nhiều người nơi đây khi cái món nợ ấy cứ siết lấy nó”, tiếng chị Lệ như nghẹn lại khi nhắc câu chuyện của một người em mà chị đã từng rất quý mến.

“Lưới tình”

Dòng xe vẫn vội vàng lướt qua quán của chị, bỏ lại phía sau là những câu chuyện chị Lệ đang kể tôi nghe.

Khép lại những câu chuyện tử tự vì nợ nần ở đó, tôi lại được nghe những câu chuyện kể về những “tình khúc éo le” của không ít cô cậu thanh niên bởi một người lái xe ôm.

Anh Cường (trú tại phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long) làm công nhân tại nhà máy cầu đường ngay gần cầu Bãi Cháy. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, anh chạy xe ôm kiếm tiền nuôi con ăn học. Không chỉ được chứng kiến những xác chết được vớt lên trương phình, anh còn nhiều lần tham gia cùng dân chài, bộ đội biên phòng… vớt thi thể những nạn nhân nhảy cầu tự tử.

Anh làm công việc đó cũng là để làm phúc cho đời. “Làm gì có ai trả công đâu và mình cũng không đòi hỏi cái đó. Vì lúc ấy, nhìn thấy người thân nằm đấy, ai chẳng đau lòng. Nhận về một lời cảm ơn là mình thấy vui rồi”, anh Cường chia sẻ.

Không chỉ chứng kiến những xác chết được vớt lên đã trương phình, anh Cường còn tham gia nhiều vụ vớt xác nạn nhân.
Không chỉ chứng kiến những xác chết được vớt lên đã trương phình, anh Cường còn tham gia nhiều vụ vớt xác nạn nhân.

Mỗi khi chứng kiến những cái xác vớt lên đã bị trương phình, có người còn bắt đầu bị phân hủy do ở lâu dưới nước, rồi vỡ hết lồng ngực… anh Cường thương thì ít mà giận thì nhiều. Bởi lẽ, anh cũng có con, rồi sẽ có cháu nhưng anh thấy dù chất chứa trong tâm sự của rất nhiều người ra đi ấy, có những người để lại lời tuyệt mệnh là những câu xin lỗi bố mẹ và sẽ báo hiếu vào kiếp sau nhưng họ vẫn đáng trách rất nhiều bởi sự vô tâm với chính người thân của mình.

Cuộc sống của Chung (phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long) không kết thúc ở cầu Bãi Cháy , nhưng lần tự tử thứ nhất của Chung cũng đã gây “náo loạn” cả cây cầu. Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy dáng lầm lũi của bố Chung ngồi sửa xe đạp, xe máy, anh Cường lại thấy chạnh lòng.

Chung yêu một người con gái quê ở Hà Nam. Mối tình của họ chỉ dừng lại ở chữ “duyên”. Để cố gắng “cứu” tình yêu của mình, năm 2012, Chung đã từng nhảy cầu tự tử nhưng được mọi người ngăn cản kịp thời. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi chứng kiến cảnh người yêu “bước theo chồng”, Chung đã lên tầng hai nhà người yêu và tự biến mình thành “ngọn đuốc sống” với 5 lít xăng được mua về.

Rồi câu chuyện về những đôi nam nữ rủ nhau ra cầu tự tử. Người con trai trầm mình trước, còn cô gái được mọi người ngăn cản kịp. Nhưng vì “lời thề đôi lứa”, hai ngày sau cô gái cũng tự tìm tới cái chết ở chính nơi người yêu của mình đã ra đi. Để lại sau đó là tiếng khóc của gia đình và những mái đầu bạc phải tiễn đầu xanh.

Đau lòng hơn là câu chuyện của anh Minh (Hải Dương) được kể bởi cô Lan (phường Cái Dăm, TP. Hạ Long). Không mấy khi để ý tới sự “sinh ly – tử biệt”, nhưng những lần tự tử “dày đặc” ở cầu Bãi Cháy rồi chính câu chuyện của người đàn ông thuê trọ nhà mình đã khiến cô Lan chú ý nhiều hơn tới cây cầu được cho là hiện đại nhất Đông Nam Á ấy.

Gia đình anh Minh (ngoài 40 tuổi) thuê trọ nhà cô Lan. Đứa con trai duy nhất của họ bất chấp sự phản đối của bố mẹ, theo bạn đi làm “ngư dân” để có mức thu nhập cao hơn. Nhưng ngày đi nhận việc cũng là ngày mà con trai anh Minh bị tai nạn giao thông và… uất cho cái phận nghèo, uất cho số phận hẩm hiu của mình, cái phận bạc của con, hai ngày sau cái chết của con trai, anh Minh cũng nhảy cầu Bãi Cháy tự tử, để lại người vợ với bao nỗi giằng xé trong sâu thẳm tâm hồn. Một năm sau, chị lấy người chồng hơn 70 tuổi. Vui với hạnh phúc mới, nhưng nỗi đau ấy chị luôn mang theo trong mỗi giấc ngủ cũng như những lần ở một mình.

Tiếng thở dài liên tục được cô Lan trút vào khoảng không yên tĩnh.

Dừng lại một chút ở sát lan can cầu Bãi Cháy để thư giãn bởi ánh hoàng hôn đang rọi khắp con sông chảy qua cầu, tôi nhận được không ít ánh nhìn của những người đi đường. Có lẽ, họ đang liên tưởng…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại