Dạy học sinh lớp 1 đi trên thảm thủy tinh: “Tôi sợ không dám thử"

Phong Nguyên |

“Nếu sử dụng mảnh thủy tinh to sẽ làm các em học sinh đứt chân. Do đó, không nhất thiết phải làm như vậy thì trẻ mới dũng cảm hơn. Thiếu gì cách khác hay hơn, an toàn hơn?".

Gần đây, rất nhiều người đã chia sẻ ảnh chụp trang sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 với bài tập đi trên thảm thủy tinh để thể hiện lòng dũng cảm.

Qua tìm hiểu, được biết đây là 1 trong 5 quyển "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh cấp 1" do TS Phan Quốc Việt (chủ biên).

Đồng tác giả biên soạn là Nguyễn Thị Thùy Nương (nhóm Tâm Việt – một trong những trung tâm huấn luyện kỹ năng sống tại Việt Nam) và do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành.

Bài học về lòng dũng cảm này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

“Thật điên rồ!”

Bình luận về câu chuyện này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trí Dũng (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội) nói: “Làm sao mà đứa trẻ lớp 1 có thể đi trên thảm thủy tinh?”.

Ông Dũng cho biết thêm, để có thể bình luận sâu mang tính chuyên môn, ông cần xem xét kỹ hơn nội dung cuốn sách này.

Trong khi đó, PGS. TS Lê Kim Long (Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN) nêu quan điểm, cá nhân ông không thích phương pháp đó vì nó mạo hiểm với trẻ Việt Nam.

Dạy trẻ về lòng dũng cảm bằng cách đi qua thảm thủy tinh.

“Nên nhớ không phải cái gì cũng học theo nước ngoài được. Việc dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh cũng chẳng sao, nhưng vấn đề là đối tượng tham dự phải giới hạn lại, chứ không thể áp dụng cho mọi đứa trẻ từ lớp 1 được.

Cái dở của mình là nhiều khi hay "quá khích" trong việc áp dụng vào giảng dạy”, ông Long nói.

Theo ông Long, các thầy cô giáo cần tùy cơ ứng biến xem các học sinh của mình như thế nào. Em nào dũng cảm thì cho em ấy làm, còn nếu nhát quá thì không nên ép các cháu.

Tuy nhiên, việc dạy cho trẻ lớp 1 đi trên thủy tinh như vậy có thể ảnh hưởng không tốt tới tâm lý học sinh và sự an toàn của các em, dù họ có thể đã có tính toán cả.

Vị này cũng lo ngại: “Nếu sử dụng mảnh thủy tinh to sẽ làm các em học sinh đứt chân. Do đó, không nhất thiết phải làm như vậy thì trẻ mới dũng cảm hơn. Thiếu gì cách khác hay hơn, an toàn hơn?".

“Tôi còn sợ không dám thử”

Cô giáo chia sẻ hình ảnh học sinh đi trên thảm thủy tinh khiến không ít người giật mình (Ảnh: Kênh 14)

Cô giáo chia sẻ hình ảnh học sinh đi trên thảm thủy tinh khiến không ít người giật mình. (Ảnh: Kênh 14)

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Thủy (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Hà Nội) thừa nhận: “Tôi nghĩ phương pháp ấy không phù hợp vì đến tôi còn sợ không dám thử nữa là các con học lớp 1.

Các cháu chưa đủ sự khéo léo và lòng dũng cảm để làm việc đó”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Vị (Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart, Hà Nội) cho rằng, việc rèn luyện cho trẻ lòng dùng cảm ngay từ ngưỡng đầu đời là rất cần thiết.

Bởi hiện nay, trẻ có những nỗi sợ rất vô lý như sợ ma, sợ không ăn "công an bắt"…

Tuy nhiên, những cách mạo hiểm, gây ấn tượng mạnh với trẻ như đi trên thảm thủy tinh thì không nên áp dụng vì trẻ có tính tò mò lại rất thích bắt chước.

“Với phương pháp đi trên thảm thủy tinh, có người đi được, có người không đi được. Nếu trẻ cứ đòi thử, xảy ra vấn đề gì ai chịu trách nhiệm? Tôi thấy cách thử nghiệm đó không ổn vì nó nguy hiểm”, ông Vị nói.

Theo ông Vị, có nhiều cách dạy cho trẻ lòng dũng cảm hay hơn. Chẳng hạn, buổi tối trẻ thường sợ ma, ta có thể dạy trẻ cầm đèn đi trong bóng tối ở nhà hay những nơi thực sự an toàn cho trẻ.

Có những bé sợ máu, khi thấy bạn bị thương không dám giúp đỡ, ta có thể rèn cho trẻ bạo dạn hơn, dám giúp bạn băng bó vết thương.

Ta cũng có thể dạy cho trẻ lúc nào thì được ra mưa, lúc nào không. Đó là những tình huống hàng ngày trong cuộc sống thực tế ta vẫn hay gặp.

Sự an toàn quan trọng hơn lỗ lãi

Ông Vị cho rằng, NXB Giáo dục Việt Nam cần nhận ra sự thiếu sót, cẩu thả của mình.

“Đó là một lỗi lớn vì anh làm giáo dục mà lại đưa vào sách tham khảo những mẩu chuyện như thế là không cần thiết và rõ ràng, họ đã không lường trước được hậu quả của nó. Họ nên thu hồi sách đó về.

Trong làm ăn đương nhiên phải tính đến chuyện lỗ, lãi, nhưng cũng phải tính đến an toàn cho xã hôị, cho trẻ nhỏ, ông Vị nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS. TS Lê Kim Long (Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN) cho biết, sách tham khảo mà dùng không được thì người ta tự phải loại bỏ, cần gì ai can thiệp.

Phụ huynh cần phải tự kiểm soát khi mua sách tham khảo cho con mình. Những người làm trong ngành giáo dục cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc sàng lọc, nhặt sạn trong sách tham khảo.

“Nếu có vấn đề gì trong việc áp dụng phương pháp trên, tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về Giám đốc NXB chứ không đổ tại Bộ trưởng Bộ GD – ĐT được vì Bộ còn nhiều việc khác phải làm, không rảnh để làm mấy việc lặt vặt đó”, ông Long khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại