Hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc tráo trở và ngang ngược khi lập luận rằng: Giàn khoan này nằm cách đảo Trung Kiến (sự thật là đảo Tri Tôn của Việt Nam) 17 hải lý, nằm trong lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Tây Sa (sự thật là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc có chủ quyền.
Phản bác lại thông tin phi lý trên, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định trên VOV: “Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa (trong đó có đảo Tri Tôn) do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Chính quyền Sài Gòn đã cực lực phản đối, lên án hành động xâm lược này. Từ năm 1975, đất nước thống nhất, chính quyền Việt Nam liên tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nay Trung Quốc lại lấy hành động xâm lược trong quá khứ làm lập luận biện hộ cho hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam hiện nay. Về lịch sử, đấy là một sự tráo trở trắng trợn, hết sức phi pháp”.
Đồng quan điểm, trên tờ Pháp luật TP.HCM, TS Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM đã đưa ra chứng cứ bác bỏ hoàn toàn lập luận phi lý của Trung Quốc.
Ông phân tích, về mặt pháp lý thì quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Một số chứng cứ lịch sử có thể kể đến như: Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Tự Công Đạo (1686), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821), Đại Nam thực lục chính biên (1844-1848)…..
Nhiều tài liệu của nước ngoài như Hải ngoại ký sự (1696) của Thích Đại Sán, Nhật ký Batavia (1631-1636) của Công ty Ấn Độ - Hà Lan, An Nam đại quốc họa đồ (1838) của Taberd, bộ Atlas của nhà địa lý học người Pháp Philippe Vandermaelen (1795-1869)… đều thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bản đồ mang tên Partie de la Cochinchie xác định quần đảo Hoàng Sa thuộc về nước An Nam. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Ngoài ra, cũng theo nguồn trên, vị này nhấn mạnh, Tri Tôn là bãi đá cạn, không được hưởng quy chế pháp lý của đảo theo Điều 121 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Kể từ khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép khu vực này, liên tục những năm sau đó, mà gần đây nhất là năm 2010 họ cho xây dựng kè, tôn tạo chiều cao để biến Tri Tôn thành một hòn đảo. Nhưng vì Trung Quốc chiếm đóng trái phép bãi cạn này của Việt Nam cho nên các hoạt động trên là bất hợp pháp. Vì thế, bãi cạn Tri Tôn dù Trung Quốc có biến nó thành gì cũng không hưởng quy chế pháp lý đảo như đã nói trên đây, nghĩa là không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như Trung Quốc lập luận.
Một minh chứng khác, vào tháng 9/1951, tại Hội nghị San Francisco giải quyết các vấn đề lãnh thổ (Mỹ), đã có 46/51 nước bỏ phiếu công nhận Hoàng Sa (Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa) và Trường Sa là của Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cũng từng khẳng định tại cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao: “Đảo Tri Tôn thật ra là một bãi đá nên theo quy định của luật pháp quốc tế, nó không thể có vùng biển vượt quá 12 hải lý. Giàn khoan đó (giàn khoan Hải Dương 981 - PV) hoạt động cách Tri Tôn 17 hải lý. Do vậy, không thể nói là nó không thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, dù cho khu vực đó có thuộc quần đảo Hoàng Sa hay không thì vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Giàn khoan Hải Dương 981. (Ảnh: Chinanews)
Tờ Đại Đoàn Kết cũng đã ghi lại lời vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia này, khi ông đưa ra những bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo đó, ngoài một số chứng cứ được nêu tương tự các chuyên gia đã nói ở trên, có thể kể đến nhật ký của tàu Amphitrite chở các giáo sĩ Pháp đi qua quần đảo Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1701 đã ghi: "Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam”. Năm 1776, khi đang giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, Lê Quý Đôn viết Phủ Biên tạp lục, trong đó có đoạn: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi mang lương đủ ăn 6 tháng đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy….”. Trong lá đơn của cai đội phường Cù lao Ré, xã An Vĩnh (thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay) viết vào ngày 15 tháng Giêng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1776) cho biết: "Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương…”.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng ở Hội Luật gia Việt Nam, khi ra tuyên bố về Trung Quốc cũng đã nói: “Đảo Tri Tôn là một cồn cát. Một cồn cát theo công ước Luật Biển nó không thể được hưởng đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa mà nó chỉ có tối đa 12 hải lý mà thôi. Vị trí từ giàn khoan của Trung Quốc đến đảo Tri Tôn là 17 hải lý do vậy nó không nằm trong vùng biển mà đảo Tri Tôn được hưởng theo công ước Luật Biển”. Theo thông tin trên VTV.
Tri Tôn là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa, nằm cách Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ 120 hải lý. Nhiều ngư dân ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có thâm niên mấy chục năm hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa kể lại, cách đây 20 năm, hòn đảo này giống như một hoang đảo. Còn hiện nay Trung Quốc đã xây dựng hệ thống kè bê tông kiên cố xung quanh. Đảo luôn có tàu tuần tra sẵn sàng xông ra cản tàu ngư dân. Nhìn trên hải đồ, đảo Tri Tôn nằm trên một trục dọc và đối diện với đảo Lý Sơn. Các bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn cho biết, thời xưa, các binh phu Hoàng Sa hàng năm xuôi theo gió nồm ra Tri Tôn rồi mới tiến sâu vào quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cắm giàn khoan dầu khí ở Tri Tôn là chiếm đất của ông cha mình để lại. (Theo Tiền Phong)
>>Xem thêm clip: Trung Quốc di dời giàn khoan tới đảo Tri Tôn
Trung Quốc di dời giàn khoan tới đảo Tri Tôn. Nguồn VTV
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA