Tốc độ dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 là 4 - 5 hải lý/giờ

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã dịch chuyển được khoảng 114m so với vị trí ban đầu.

Giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển được 114m

Khoảng 10h sáng 27/5, giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu được dịch chuyển từ tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc và 111-12.06 độ kinh Đông đến tọa độ 15-33.38 độ vĩ Bắc và 111-34.62 độ kinh Đông, ở khu vực gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo đó, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo qua Đài Hải sự, tỉnh Hải Nam cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 đã được hai tàu Hải Dương 612 và 613 lai dắt với tốc độ dịch chuyển 4 - 5 hải lý/giờ và đã dịch chuyển được khoảng 114m so với vị trí ban đầu.

Hiện nay, Hải Dương 981 đã ở cách đảo Tri Tôn khoảng 25 hải lý về phía Đông Nam.

Trưa 27/5, trả lời trên tờ Zing, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xác nhận: "Giàn khoan 981 có dịch chuyển rõ ràng hơn. Tuy nhiên, có phải dịch chuyển do chủ ý của Trung Quốc không vẫn còn đang đánh giá". Vị này đồng thời cũng nói về diễn biến "hơi khác thường" quanh khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép. Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê cũng cho biết, nếu với tốc độ dịch chuyển 4 hải lý/giờ như Đài Hải sự của Hải Nam đưa tin thì trong 1 giờ, giàn khoan sẽ di chuyển khoảng hơn 11 km về phía Đông Nam đảo Tri Tôn.

Trung Quốc huy động tàu quét mìn

Tờ Quân đội Nhân dân đưa tin, ngày 26/5, Trung Quốc duy trì 113 tàu các loại xung quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Các tàu hải cảnh, tàu kéo, tàu vận tải Trung Quốc vẫn tổ chức thành từng nhóm từ 8-10 chiếc áp sát nhằm thực hiện ý đồ vây ép, đâm va, dùng vòi rồng phun nước tấn công các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Các tàu Trung Quốc đã mở rộng phạm vi ngăn cản tàu của ta ngay từ xa, ở vị trí cách giàn khoan 9,5-10 hải lý. Đặc biệt, các tàu Trung Quốc thực hiện việc vây ép, đâm va, tấn công quyết liệt khi các tàu Việt Nam tiến gần tới giàn khoan ở khoảng cách từ 5 - 6 hải lý. Ngoài ra, nhiều tàu cá Trung Quốc dàn ngang từ 25 - 30 chiếc nhằm ngăn cản, ép, đe dọa đâm va, húc khi tàu của ta tiến vào gần giàn khoan để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.

Tàu Trung Quốc triển khai dày đặc xung quanh giàn khoan Hải Dương-981. (Ảnh: TTXVN)

Trung Quốc còn bố trí cả tàu quét mìn tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, tàu tên lửa tấn công nhanh hoạt động thường xuyên ở vị trí cách giàn khoan 15 - 20 hải lý nhằm uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật của ta.

Mặc dù bị 10 tàu Trung Quốc cản phá, vây ép, tấn công làm 2 tàu kiểm ngư của ta hư hỏng một số trang thiết bị nhưng các tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn phối hợp cùng tàu cảnh sát biển duy trì đấu tranh với cường độ cao, tìm mọi cách tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu khỏi vùng biển Việt Nam.

Trung Quốc hung hăng đâm chìm tàu cá Việt Nam

Không thể chần chừ, phải đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc

Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban hòa bình Việt Nam, khẳng định trên tờ Tuổi Trẻ: “Tôi nghĩ phải đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc. Không thể chần chừ được nữa, đây là thời cơ chín muồi rồi. Ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết ngang ngược của mình. Nhưng không sao, còn nhiều quốc gia khác lắng nghe chúng ta trình bày rõ ràng sự đúng đắn của mình và sai trái của Trung Quốc. Các nước cũng có quyền đăng ký phát biểu và dư luận thế giới càng hiểu rõ thêm. Điều đó rất tốt cho sự đúng đắn về pháp lý và đạo lý của Việt Nam. Ngoài Hội đồng Bảo an, chúng ta cũng nên đưa ngay vấn đề nóng bỏng này ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đây là hành động ngoại giao rất cần thiết vào lúc này. Tôi tin rằng trừ Trung Quốc, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc sẽ lắng nghe và ủng hộ Việt Nam’.

Vào lúc 16 giờ ngày 26/5, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981 và cách giàn khoan này 17 hải lý - ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tờ TTXVN cho biết.

Báo Tiền Phong thuật lại, tàu cá Trung Quốc có số hiệu 11209 sáp lại các tàu cá Đà Nẵng đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển chủ quyền Việt Nam. Tàu Trung Quốc 11209 hung hãn lao về phía tàu cá của ngư dân Đà Nẵng nhưng lái tàu Việt Nam kịp thời bẻ lái, vòng tránh an toàn. Không dừng lại, tàu Trung Quốc tiếp tục rồ máy, lao tới. Cú đâm trực diện làm tàu cá ĐNa 90152 hư hỏng nặng, phút chốc bị phá nước, đắm nhanh. Các thuyền viên trên tàu vội nhảy xuống biển và được một tàu cá ngư dân miền Trung đến cứu vớt, đưa lên tàu khác an toàn. May mắn, chỉ có hai ngư dân bị thương nặng ở chân.

Ngư dân bị cướp từ Hoàng Sa vẫn dũng cảm bám biển

Ông Dương Văn Giàu (thôn Đông, An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) khẳng định trên tờ Tiền Phong: “Đây đã là lần thứ 4 tàu tui bị cướp phá, phun vòi rồng. Lần này là nặng nhất. Chúng cướp hết ngư lưới cụ khiến gia đình tui kiệt quệ. Nhưng sửa xong, sắm lại đồ nghề, tui sẽ ra đánh bắt ngay ở vùng biển đang bị Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, xem họ làm được gì!”.

Trước đó, ngày 7/5, tàu của ông cùng 11 ngư dân đang đánh bắt hải sản thì bất ngờ bị 1 tàu hải cảnh Trung Quốc lẳng lặng áp sát mạn tàu rồi thả 3 xuồng máy cơ động cùng lực lượng bao vây. Ông kể: “Không nói không rằng, họ lăm lăm dùi cui điện và tuýp sắt hung hăng nhảy lên tàu cá chặt phá dây hơi, đánh đập ngư dân rồi cướp toàn bộ trang thiết bị nghề cá gồm máy Icom, máy định vị, máy dò cá và lấy đi gần 400 con hải sâm vừa khai thác được”. Ngoài ra, người trên tàu Trung Quốc còn lấy gạo trên tàu của ông Giàu đổ xuống biển.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Hai tàu bị đâm đã sẵn sàng trở lại vùng biển "nóng"

Hai tàu kiểm ngư 762 và 703 đã sẵn sàng tư thế lên đường tiếp tục thực thi nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa.

Trước đó, 2 tàu này cùng thủy thủ đoàn trên tàu đã có mặt tại vùng biển Hoàng Sa kể từ ngày 1/5, thời điểm Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta. 25 ngày trên biển, bị các tàu Trung Quốc va, đâm khiến một phần mái che trên boong tàu kiểm ngư 762 bung, rách hoàn toàn. Ông Trần Văn Khôi, Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư số 3 cho biết: “Hiện tại, cơ bản mọi công tác sửa chữa đã hoàn thành. Tàu đã sẵn sàng quay ra thực địa, tiếp tục làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”. Theo thông tin trên VOV.

3 lập luận biện minh của Trung Quốc không nhất quán

Các phát ngôn chính thức của Trung Quốc có đưa ra 3 lập luận giải thích, biện minh cho việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các biện minh này không nhất quán. Lúc thì họ nói khu vực hạ đặt giàn khoan thuộc “lãnh hải” của Trung Quốc, lúc lại nói thuộc “vùng nước” của quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Lần khác họ giải thích rằng giàn khoan nằm ở vùng nước phía Nam đảo Trung Kiến (tức đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Ba lần họ đưa ra ba biện minh không những không nhất quán mà còn không đúng với các quy định của luật pháp quốc tế. Thứ nhất, tọa độ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 không hề nằm trong “lãnh hải” Trung Quốc bằng bất kỳ lập luận, giải thích nào. Thứ hai, đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam khẳng định chủ quyền ở đây nên việc Trung Quốc viện dẫn Hoàng Sa để biện minh cho vị trí đặt giàn khoan thì đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Thứ ba, Trung Quốc cũng sử dụng khái niệm “vùng nước” một cách khá mập mờ có chủ đích. Theo UNCLOS 1982 các vùng biển được quy định rõ ràng gồm lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không hề nói “vùng nước” ấy là vùng nào.

Việc Trung Quốc dùng các khái niệm không thống nhất, mập mờ cho thấy rõ ý đồ của Trung Quốc trong việc lợi dụng vụ việc này để từng bước khẳng định tham vọng của mình tại Biển Đông dựa trên các yêu sách bất hợp lý.

(Thạc sĩ Phạm Lan Dung, Trưởng Khoa Luật Quốc tế Học viện Ngoại giao phân tích trên báo điện tử Infonet)

>> Xem thêm clip: Trung Quốc di dời giàn khoan tới đảo Tri Tôn

(Nguồn: VTV1)

Trung Quốc di dời giàn khoan tới đảo Tri Tôn. Nguồn VTV

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại