6 điểm vạch mặt luận điệu của TQ khi đặt giàn khoan trái phép

Tuấn Nam - Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Về việc đặt giàn khoan Hải Dương 981, TS Lan Anh - Học viện Ngoại giao khẳng định: Trung Quốc vi phạm quyền tự do hàng hải, vi phạm DOC...

Sáng nay 13/5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin về Biển Đông. Tại buổi chia sẻ, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng (Viện Biển Đông) đã trình bày “vấn đề lịch sử và những diễn biến gần đây trên Biển Đông”.

Ông Nguyễn Vũ Tùng chia sẻ: Đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) được Trung Quốc chính thức tuyên bố năm 2009. Họ coi đó là một căn cứ pháp lý để ngụy biện cho những yêu sách của họ. Đó là yêu sách không có tính pháp lý khi nó không được xây dựng trên bất cứ nguyên tắc nào.

Năm 2011, Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 và tàu Viking của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc đã đưa thuyền cá được sự hỗ trợ bởi tàu chiến chiếm đảo Scaborough của Philippines. Tháng 1/2014, Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông… Và mới đây nhất là việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (vị trí cách đảo Tri Tôn mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam 18 hải lý)

PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng khẳng định: “Hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đi ngược lại Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tuyên bố DOC".

Buổi chia sẻ của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam về việc đặt giàn khoan HD-981 của Trung Quốc (Ảnh: Tuấn Nam)

Buổi chia sẻ của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam về việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc (Ảnh: Tuấn Nam)

Với mong muốn chỉ rõ cho các đại diện của các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam biết rõ những phát ngôn từ phía Trung Quốc trong việc đặt giàn khoan Hải Dương 981,  TS. Nguyễn Thị Lan Anh – Học viện Ngoại giao Việt Nam đã trình bày 6 luận điểm dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế để chỉ ra những luận điệu được đưa ra từ phía lãnh đạo Trung Quốc trong vụ việc này là không đúng.

Thứ nhất, vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Thứ hai, vị trí dặt giàn khoan không phải thuộc vùng biển Tây Sa của Trung Quốc mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ thế kỷ XII. Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa bằng cách dùng vũ lực trái với Hiến chương Liên hợp quốc.

Thứ ba, đảo Tri Tôn chỉ là cồn cát và không có thềm lục địa theo quy định của UNCLOS. Đồng thời, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp, nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực. 

Thứ năm, Trung Quốc vi phạm quyền tự do hàng hải. Và cuối cùng là Trung Quốc vi phạm DOC và thỏa thuận cấp cao Việt Nam – Trung Quốc.

Tại buổi chia sẻ, TS Lê Thanh Sơn cũng khẳng định Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm khi giải thích Công ước Luật Biển năm 1982. Họ biến những vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Trung Quốc với tư cách là thành viên của Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, là quốc gia đã ký UNCLOS, đáng lẽ họ phải tôn trọng những gì họ đã ký. Họ đang lừa dối dư luận thế giới.

Ông Sơn khẳng định: “Vùng đặt giàn khoan không phải là vùng có tranh chấp bởi nó hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – người đã có 32 năm nghiên cứu về Trung Quốc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - cũng thêm một lần nữa đã khẳng định trước các đại diện của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam: “Vùng Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là nhà của chúng tôi, không phải là vùng có tranh chấp”.

Tướng Cương chia sẻ: "Năm nào, Trung Quốc cũng có những hành động gây hấn. Trong những lần trước đây, Việt Nam đã không phản ứng tương xứng với những hành động gây hấn của Trung Quốc nhưng lần này khác".

Cũng tại buổi chia sẻ với các đại diện của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, TS Nguyễn Vũ Tùng đã bình luận về phản ứng của Trung Quốc: "Liên quan đến nghiên cứu về hành vi học của nước lớn, tư duy bình thường ở Trung Quốc cũng không có. Cụ thể, hành động của Trung Quốc là không bình thường bởi họ đã đi ngược lại những gì mà họ đã cam kết và ngược lại những nỗ lực của chính họ chứng minh cho thế giới thấy họ “trỗi dẫy hòa bình”...

Clip tàu Trung Quốc tiếp tục gây hấn tàu Việt Nam:

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại