Đại án Dương Chí Dũng, Huyền Như: Câu chuyện về "chữ Tình"

Cùng vì người thân trong gia đình mà bị liên lụy, nhưng câu chuyện về “chữ Tình” trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và phiên xét xử Huỳnh Thị Huyền Như lại rất khác nhau.

Vụ Dương Tự Trọng: Dương Chí Dũng sẵn sàng chết vì em trai mình

Ngày 7/1 vừa qua, TAND TP.HN đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu PGĐ Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng và đồng phạm liên quan đến vụ bỏ trốn của Dương Chí Dũng – cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines.

Phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng diễn ra tại phòng xét xử của TAND TP.HN do Thẩm phán Trương Việt Toàn làm Chủ tọa phiên tòa. Dương Tự Trọng bị truy tố về tội danh Tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài theo Khoản 3 Điều 275 BLHS.

Trong suốt 2 ngày xét xử, trước mọi câu hỏi của HĐXX, Dương Tự Trọng trước sau với lời khai: “Không phủ nhận nhưng cũng không công nhận”.

Xuất hiện với vai trò người làm chứng, Dương Chí Dũng đã có những tiết lộ “động trời” về danh tính người đã mật báo cho mình để bị cáo này thực hiện cuộc “đào tẩu” vào chiều 17/5/2012.

Khi HĐXX đặt câu hỏi vì sao trong phiên tòa xét xử ngày 14/12 vừa qua, liên quan đến vụ bê bối tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, bị cáo đã từ chối trả lời về danh tính người này, Dương Chí Dũng đã lí giải rằng “Trước đây tôi giấu vì không muốn những người giúp mình gặp liên lụy, tôi rất đau lòng".

 - Ảnh 2

Dương Chí Dũng bị tuyên án tử trong phiên xử ngày 14/1.

Đặc biệt, trong phiên xét xử chiều ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã bày tỏ tình cảm dành cho em trai mình là Dương Tự Trọng, người đã vì giúp đỡ bị cáo mà sa chân vào vòng lao lý: “Em trai tôi, tôi rất thương. Tôi sẵn sàng chết vì em mình”.

Mặc dù từ chối trả lời mọi câu hỏi của HĐXX, nhưng khi được cho nói lời sau cùng, bị cáo Dương Tự Trọng đã bày tỏ tình cảm dành cho anh trai là Dương Chí Dũng, đồng thời mong HĐXX khoan hồng với Dũng, riêng bản thân mình sẵn sàng chịu mọi hình phạt.

 - Ảnh 3

Dương Tự Trọng lĩnh án 18 năm tù.

Trước chốn công đường, Dương Tự Trọng vẫn chứng tỏ một tính cách "rắn", là người mạnh mẽ, khôn ngoan trong từng lời nói, trong thái độ ứng xử. Thế nhưng, sự cứng rắn nào cũng có giới hạn của nó. Dương Tự Trọng đã phải lấy tay quệt nhanh giọt nước mắt khi nghe anh trai Dương Chí Dũng nói rằng rất thương em trai. Vì Dũng mà Trọng phải rơi vào vòng tù tội, tương lai mù mịt. Dũng rất hối hận.

Khi được nói lời sau cùng, cựu đại tá Dương Tự Trọng cũng tỏ ra xúc động: "Thời gian qua sống với kỷ niệm của 2 anh em, tôi luôn cầu mong cho anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Lòng bao dung, vị tha của người đời, kính mong HĐXX xem xét. Còn bản thân tôi, tôi xin chịu mọi hình phạt của pháp luật”.

Kết thúc phiên tòa HĐXX đã tuyên án 18 năm tù cho Dương Tự Trọng. Trước đó, trong phần tuyên án ngày 16/12, Dương Chí Dũng đã nhận án tử hình.

Vụ Huyền Như lừa đảo: Không ngờ em gái ruột lừa mình

Ngày 6/1, vụ đại án ngành Ngân hàng do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu đã được đưa ra xét xử tại TAND TP.HCM.

Phiên xét xử này do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. Thẩm phán Lê Văn Ban thành viên HĐXX và thẩm phán dự khuyết là ông Vũ Thanh Lâm. Các hội thẩm nhân dân gồm ông Nguyễn Văn Xự, bà Võ Thị Nam, bà Nguyễn Thị Luân (hội thẩm nhân dân dự khuyết: ông Lê Giáo). Hai thư ký là ông Ma Văn Nhất và Nguyễn Mạnh Hùng.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là bà Phạm Thị Thu Hà và ông Nguyễn Thanh Nhã (kiểm sát viên dự khuyết là ông Trần Ngọc Quang).

 - Ảnh 4

Huyền Như bị VKS đề nghị mức án chung thân.

Theo cáo trạng của VKS, bị cáo Huyền Như bị truy tố với hai tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Theo Điều 139 BLHS) và “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức” (Điều 267 BLHS), do vậy Huyền Như bị đề nghị mức án cao nhất là tù chung thân. Đồng thời bị cáo còn bị buộc bồi thường trên 3.900 tỷ đồng cho những người bị thiệt hại.

Trước đó, trong phần xét hỏi các bị cáo, liên quan đến các cá nhân đứng tên ký hợp đồng gửi tiền giả để Như thế chấp vay tiền của ngân hàng VIB, luật sư Trương Thị Hòa mời bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh - chị gái Như lên thẩm vấn. Bị cáo Hạnh cho biết trước khi xảy ra vụ án, bị cáo là người bán hột vịt lộn nhưng Như bảo về làm cho em nên tin tưởng nghe theo.

 - Ảnh 5

Huyền Như đã kéo theo chị gái mình vào vòng lao lý.

Cụ thể là bị cáo Mỹ Hạnh mặc dù trình độ chỉ có hết lớp 9, nhưng đã được cô em gái vì thương chị thu nhập thấp nên đã cho về "đầu quân". Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ Hạnh đã trở thành một PGĐ.

Cũng tại phiên tòa, Mỹ Hạnh đã bật khóc, vì không ngờ chính em gái ruột của mình lại là người đẩy mình vào con đường phạm tội: “Tôi không ngờ bị em ruột lừa!”

Trước lời khai của chị gái, siêu lừa chỉ ngồi im, cúi đầu lặng lẽ. Có lẽ Huyền Như cũng chẳng thể ngờ được rằng ngày hôm nay 2 chị em lại cùng dắt tay nhau ra trước vành móng ngựa để trả giá về hành vi phạm tội.

Hôm qua, 13/1, chị gái siêu lừa là Huỳnh Thị Mỹ Hạnh cũng bị đề nghị nhận án 16-19 năm tù.

Kết

Vì những lí do khác nhau mà cả Dương Chí Dũng và Huỳnh Thị Huyền Như đã đẩy người thân của mình vào con đường phạm tội. Tuy nhiên, nếu như trước tòa, 2 anh em họ Dương bày tỏ tình cảm dành cho nhau, một người tuyên bố “sẵn sàng chết vì em mình”, một người thẳng thắn thừa nhận tất cả những sai phạm, “sẵn sàng chịu tội trước pháp luật, chỉ mong anh trai mình được khoan hồng”.

Trái ngược với tình huynh đệ của anh em Dương Chí Dũng, trong phiên tòa xét xử đại án ngành ngân hàng, là giọt nước mắt xót xa của người chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh khi bị chính em gái ruột của mình đẩy vào con đường phạm tội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại