Dương Chí Dũng hé lộ dự án liên quan đến đại gia Trương Mỹ Lan

Yến Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn mà ông Dương Chí Dũng khai nhận mình có liên quan nằm trong tầm ngắm của nhiều tập đoàn bất động sản.

Do xuất hiện tình tiết tại tòa về danh tính người mật báo cho Dương Chí Dũng, sau khi phán quyết hình phạt cho Dương Tự Trọng và các đồng phạm, HĐXX đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, HĐXX còn đề nghị VKSND TP. Hà Nội có yêu cầu đề nghị đối với VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000 USD và 20 tỉ đồng của một cán bộ cấp cao để thực hiện dự án chuyển đổi công năng của Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát (TP.HCM); nếu đủ căn cứ phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại tòa, ông Dũng khai nhận, việc ông bị kết tội nhận 1,666 triệu USD tiền “lại quả” từ việc mua ụ nổi 83M là oan và có nguyên nhân sâu xa từ một “ông anh” đã mật báo để bỏ trốn.

Ngoài việc đút tiền cho các cán bộ cấp cao để thoát tội trong phi vụ ụ nổi 83M, ông Dương Chí Dũng còn khai nhận 20 tỉ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch. Sau khi người của bà Lan tại Hà Nội đưa tiền đến, ông Dũng đã chuyển cho “ông anh mật báo”.

Trên thực tế, dự án chuyển đổi công năng mà ông Dũng có liên quan do ai quản lý, điều phối vận hành với chức năng, nhiệm vụ, mục đích gì?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn có tên gọi đầy đủ là “Đề án di dời cảng Sài Gòn ra Hiệp Phước và chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội" (Q.4, TP.HCM). Đề án này của công ty THNN một thành viên Cảng Sài Gòn – Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam và do công ty này quy hoạch, đầu tư xây dựng, thực hiện theo quy định của Nhà nước và của TP.HCM.

Mục đích của việc di dời để đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển tại khu vực đồng thời bảo đảm điều kiện hoạt động ổn định và phát triển của cảng Hiệp Phước.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 định hướng không gian kiến trúc khu vực bờ Tây sông Sài Gòn (trong đó có khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Cảng Sài Gòn), sau khi chuyển đổi công năng, khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ trở thành khu vực giáo dục, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn, khu dân cư, khu phức hợp ga tàu khách quốc tế, quảng trường, cây xanh, phố đi bộ…Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Phối cảnh dự án Nhà Rồng - Khánh Hội. (Ảnh: TBKTSG)

Được biết, đây được coi là “khu đất vàng", có vị trí đắc địa, nằm trong tầm ngắm của nhiều tập đoàn bất động sản. Việc bà Trương Mỹ Lan bỏ ra 20 tỉ đồng đưa cho ông Dương Chí Dũng cũng không nằm ngoài mục đích giành quyền sở hữu khu đất này.

Đề án được trình và được Bộ Giao thông vận tải xem xét, kết luận tại cuộc họp xung quanh đề án này ngày 28/3/2008.

Cũng theo thông tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, việc di dời cảng Nhà Rồng – Khánh Hội về cảng Hiệp Phước cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Ông Lê Công Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn đã kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, hoặc chỉ định Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay với lãi suất ưu đãi.

Cảng Sài Gòn còn kiến nghị cho họ được ứng vốn ngân sách (hoặc bảo lãnh vay) 286 tỉ đồng ngay trong năm 2013 để hoàn thành các hạng mục dở dang, trả nợ các nhà thầu, mua nền tái định cư cho các hộ dân… ở dự án cảng Hiệp Phước. Đồng thời, kiến nghị xem xét cho Cảng Sài Gòn được tạm ngưng trả khoản vay ODA (đang trả mỗi năm hơn 1 triệu đô la Mỹ) trong thời gian ba năm.

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020, được Chính phủ phê duyệt ngày 8/4/2013, từ nay đến năm 2020, chỉ di dời các cảng trực thuộc trên địa bàn quận 4, tức khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Ngày 20/9/2013, Báo cáo với Bộ GTVT tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình di dời ra khỏi khu vực nội thành, công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn cho biết, việc di dời đang gặp khó khăn về vốn. Công ty này cũng báo cáo số tiền tạm ứng 150 tỉ đồng từ ngân sách đã được giải ngân để thanh toán nợ cho các nhà thầu xây dựng cảng Hiệp Phước và phục vụ cho công tác tái định cư ở cảng Hiệp Phước.

Trong khi đó, tờ Tuổi trẻ đưa tin, tiến độ di dời cảng Nhà Rồng, Khánh Hội chậm ba năm so với kế hoạch. 

Bốc dỡ mặt hàng phân bón bao tại cảng Nhà rồng – Khánh hội, Cảng Sài Gòn (Ảnh: Cảng Sài Gòn)

Vào tháng 5/2013, cảng Sài Gòn đã tạm dừng thi công cảng Sài Gòn - Hiệp Phước có tổng mức đầu tư 2.735,3 tỉ đồng, sau hơn bốn năm thi công đạt 38% khối lượng. Nguyên nhân do chưa xây dựng đường D3 nên không có đường cho xe ra vào cảng giao nhận hàng hóa. 

Ông Huỳnh Văn Cường - Phó Tổng giám đốc cảng Sài Gòn cho biết, nhà đầu tư sẽ ứng trước vốn 350 tỉ đồng xây dựng đường D3 dài 2,3km cho sáu làn xe, trong đó sẽ xây dựng mới cầu Mương Lớn 2 và Rạch Gộp 2. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào tháng 11/2013 và hoàn thành vào giữa năm 2015.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại