Cụ bà 73 tuổi bắt tàu đêm từ Hà Nội vào Vũng Chùa tiễn Đại tướng

Thiên Di |

(Soha.vn) - Khi đoàn đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Vũng Chùa – Đảo Yến, cụ Nguyễn Thị Nga, 73 tuổi khóc rức, đau đớn: “Con giờ mới được nhìn mặt cụ, cụ Giáp ơi!”

Chiều qua (13/10), hàng vạn người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội… đã có mặt tại chân núi Vũng Chùa –Đảo Yến (Bố Trạch, Quảng Bình) để dự lễ an táng, gửi lời tiễn biệt cuối cùng đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tiếng khóc rưng rức vỡ òa khi cụ Nguyễn Thị Nga được nhìn thấy linh cữu Đại tướng chầm chậm từ chân núi Vũng Chùa lên địa điểm làm lễ, cụ vừa chắp hai tay vái lạy, vừa khóc đau xót: “Cụ ơi, con từ Hà Nội từ hôm qua vào đón cụ, giờ con mới được nhìn thấy cụ. Nhưng mà cụ đâu còn nữa!”

Mặc dù năm nay đã 73 tuổi nhưng cụ vẫn chống gậy đi bộ 3 cây số để lên đến nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng. Cụ nói, cụ ở Dịch Vọng, Cầu giấy, Hà Nội đi tàu đêm hôm qua, sáng nay đã có mặt ở thành phố Đồng Hới và đi nhờ xe lên đây đợi Đại tướng về.

Cụ Nguyễn Thị Nga (năm nay 73 tuổi) một mình đi tàu đêm từ Hà Nội đến Quảng Bình để viếng Đại tướng ngày 13/10.

Cụ Nguyễn Thị Nga (năm nay 73 tuổi) một mình đi tàu đêm từ Hà Nội đến Quảng Bình để đưa tiễn Đại tướng ngày 13/10.

“Tôi trốn con cái một mình mua vé tàu, đi trong đêm đến Quảng Bình để đưa Đại tướng về quê hương. Con cái thương tôi đau chân, ốm yếu sợ có vấn đề gì dọc đường nên ngăn không cho đi. Tôi không đi trong ruột không yên nên chiều ngày 12, tôi đạp xe ra Hàng Cỏ mua vé tàu rồi về nấu cơm cho con cháu.

Lúc đi tôi bảo “mẹ đi có việc tí”, đến khi lên tàu tôi mới gọi điện báo tôi đi viếng cụ Giáp. Một mình chơ vơ, may mà được 2 cháu gái tốt bụng mà tôi gặp tình cờ trên tàu giúp đỡ, cho ăn uống, dìu tôi lên đến đây”, cụ Nguyễn Thị Nga thở mệt nói.

Thậm chí, xe không lên được trên đỉnh núi, cụ Nga còn quyết tâm chống gậy đi bộ từ dưới đường lớn 3 cây số mặc dù đầu gối nhức mỏi do tuổi già.

Nghẹn ngào chia sẻ lý do vượt hơn 600 cây số đến đây, cụ Nga xúc động: “Tôi thương cụ Giáp lắm, khi biết tin cụ mất tôi khóc ngày khóc đêm, xem ti vi thấy hình ảnh cụ, tôi lại khóc. Ở nhà không làm gì được, đụng gì là đánh đổ, rơi vỡ nên tôi quyết tâm ra đi để được nhìn thấy cụ, tiễn cụ lần cuối”.

Từ 12 giờ trưa đi bộ lên đây, mong ngóng linh xa Đại tướng, chốc chốc cụ lại hỏi xem đoàn đã đi đến đâu rồi.

Cụ kể rằng, chưa bao giờ gặp Đại tướng nhưng từ ngày xưa khi học cấp 2, cụ đã được nghe nhiều người nhắc đến tên Tướng Giáp, khen Đại tướng chữ ký đẹp, thấy Đại tướng giỏi… Và nhà trường lúc nào cũng treo ảnh Bác Hồ, cụ Phạm Văn Đồng và cụ Giáp nên cụ kính trọng, ngưỡng mộ vị anh Tướng của nhân dân…

“Đại tướng mất như cha mẹ mình mất. Khi linh cữu cụ Giáp qua đây mà tôi không tài nào kìm lòng được. Tôi kính trọng cụ lắm, đó là vị Đại tướng của nước Việt Nam, không ai là không quý trọng cụ. Đây là tôi khóc từ trong tâm, trong lòng khóc ra cháu ạ!”, cụ Nga run run xúc động nói.

Cụ Nga nói được gặp Đại tướng hôm nay, dù vất vả thế nào cũng không sao. Như thế cụ đã mãn nguyện lắm rồi để trở về Hà Nội.

Cụ Nga nói được gặp Đại tướng hôm nay, dù vất vả thế nào cũng không sao. Như thế cụ đã mãn nguyện lắm rồi để trở về Hà Nội.

Nói xong, cụ kể rằng từ khi nghe tin Đại tướng qua đời, cụ Nga một mình đạp xe 3 lần ra Hoàng Diệu, Nhà tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông) để viếng, vái vọng Đại tướng bằng cả tấm lòng kính trọng, thương xót.

“Tôi được một lần xếp hàng vào thăm nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, thấy ảnh cụ mà tôi không kìm được nước mắt. Nếu chiều hôm đó tôi mà quyết định không đi là ân hận cả đời. Đi được thế này là toại nguyện lắm rồi, không tiếc công tiếc sức vất vả gì cả, được nhìn thấy mộ cụ, được vái, dâng hoa cụ là tôi yên tâm về Hà Nội rồi", cụ Nga mắt nhìn về nơi an nghỉ của Đại tướng nói.

Mặc dù đã hơn 6 giờ tối, cụ Nga vẫn vấn vương chưa muốn xuống đường quốc lộ để bắt xe về. Đứng dưới chân núi, cụ chắp hai tay vái lạy Đại tướng lần cuối rồi lặng lẽ chống gậy trong sự tiếc thương, lưu luyến...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại