Ông Tô Xuân Thanh là cựu chiến binh, nguyên là lính chiến đấu tại chiến trường miền Nam, sau đó sang chiến trường Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Ông quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, với lòng tiếc thương vô hạn ông đã ra ngay Hà Nội với mong ước được viếng vị Đại tướng kính yêu lần cuối.
Ông có mặt ở Hà Nội trong suốt 10 ngày qua, và ngày nào cũng cùng dòng người vào viếng Đại tướng tại số nhà 30 Hoàng Diệu. Ông kể: “Khi biết được hung tin về Đại tướng giống như nghe tin người bố đã đẻ ra mình qua đời vậy. Sau quãng đường dài, tôi chỉ ước mong có mặt ngay tại nhà Đại tướng để viếng người. Hôm đầu tôi đợi 4 tiềng đồng hồ, không nén nổi xúc động, tôi xin các chiến sĩ cảnh vệ cho tôi vào viếng trước. Tôi bảo tôi là thương binh, phục vụ tại chiến trường, nghiêm chỉnh chấp hành mọi mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bây giờ chỉ mong được nhìn thấy dù là di ảnh của người. Vào trong ngôi nhà giản dị, trước bàn thờ Đại tướng, tôi không nén nổi xúc động bật khóc. Với chiến sĩ, cán bộ và nhân dân Đại tướng luôn quan tâm, dõi sát, cả cuộc đời sống anh dũng, lý tưởng, đức độ đều vì lợi ích dân tộc. Đại tướng ra đi là niềm mất mát to lớn cho biết bao thế hệ”.
Được tiễn biệt, "nhìn" Đại tướng lần cuối, ông Thanh bảo: Ông đã mãn nguyện lắm rồi!
Trong câu chuyện của ông kể về chiến trường năm xưa, mặc dù chưa một lần gặp trực tiếp Đại tướng, nhưng với ông Đại tướng luôn giữ một vị trí quan trọng - là người anh cả của quân đội nhân dân, người chỉ huy dũng mãnh và sáng suốt nhất. Ông luôn tuân thủ mọi chỉ thị, nghị quyết được giao phó và hết lòng chiến đấu vì nhân dân và Tổ quốc. Là người lính từng sống trong thời kỳ chiến tranh gian khổ nhất của đất nước, mới thấm thía được tình cảnh khó khăn trong mỗi trận đánh, và với ông Thanh chiến thuật “Đánh chắc, thắng chắc” trong trận Điện Biên Phủ thần thánh của Đại tướng mãi mãi là một nghệ thuật quân sự lỗi lạc.
“Theo dòng người có mặt tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để viếng người lần cuối, tôi vẫn không thể ngừng những giọt nước mắt xúc động. Giây phút được nhìn thấy chiếc mũ của Đại tướng đặt trên linh cữu phủ cờ Tổ quốc, là khoảnh khắc xúc động, thiêng liêng và tự hào vô cùng” - ông Thanh nghẹn đắng lời tâm sự.
Hướng theo đoàn xe, ông nghẹn lời: “Nhìn đoàn xe đưa linh cữu của Đại tướng, trở về an nghỉ nơi quê hương Quảng Bình, tôi đã toại nguyện. Kính mong Đại tướng phù hộ cho đồng bào, cho con dân Việt được sống trong cảnh thái bình, dân giàu nước mạnh, văn minh. Tôi sẽ sống sao cho ý nghĩa trong suốt phần đời còn lại, sẽ răn dạy con cháu học tập và cống hiến cho đất nước như tấm gương và ước nguyện của Đại tướng”.
Thước đo của vị lãnh tụ chính là lòng dân. Trong lòng mỗi người dân Việt Nam Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn sống mãi. Dâng nén nhang thành kính lên hương hồn người, cầu mong người được an giấc trong lòng đất mẹ, giữa một miền cát trắng nhìn ra biển Đông.
-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng giờ từng phút dõi theo Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung dưới đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
1) Tiếp sóng VTV truyền hình trực tiếp Lễ Truy điệu và Lễ An táng Đại tướng. BẤM VÀO ĐÂY
2) Nơi AN NGHỈ của Đại tướng tại Quảng Bình: Vì sao Đại tướng chọn Vũng Chùa; Hình ảnh Vũng Chùa; Chỉ dẫn đường vào Vũng Chùa; Nhà ngoại cảm ngưỡng mộ nơi yên nghỉ của Đại tướng
3) Tường thuật Lễ viếng Đại tướng tại Hà Nội, Quảng Bình, TP.HCM
4) Chính trị gia, chuyên gia trên thế giới nghiêng mình trước Đại tướng
5) Những BÀI BÁO ĐẶC BIỆT chỉ có ở Soha.vn
(Danh sách này LIÊN TỤC CẬP NHẬT khi có thông tin mới)
Mời độc giả gửi ẢNH, VIDEO tự chụp, quay (bằng điện thoại di động, máy ảnh) về Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Tòa soạn theo email: sohanews1@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!