Sau chiếc khẩu trang chống khuẩn có cả những gương mặt còn rất non trẻ. Họ là những sinh viên, vì muốn dành nhiều thời gian trong ngày hơn cho học tập nên tìm tới công việc này, tranh thủ làm ca đêm.
Làm ca đêm để có thời gian đi học
Sinh năm 1987, nhưng Nguyễn Thanh Huyền (Sóc Sơn, Hà Nội) đã có 6 năm gắn bó với nghề. Huyền đến với công việc này giống như cái duyên và quyết định dồn hết tâm huyết cho chữ “duyên” đó.
Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, lo ăn học cho 1 người cũng đã khó chứ chưa nói gì… Học hết lớp 9 Huyền ở nhà làm thuê kiếm tiền.
Năm 2004, trong một lần đi chăm sóc em trai bị tai nạn giao thông tại bệnh viện Việt Đức, khi nhìn thấy những cô công nhân vệ sinh đi quét dọn từng ngóc ngách, căn phòng, thu gom rác thải rồi chở rác về khu vực chờ xử lý, Huyền đã biết tới công việc này và quyết định “đầu quân” cho Công ty Kỹ thuật làm sạch và Thương mại Quốc tế.
Làm được 1 năm Huyền phải nghỉ giữa chừng để về quê lo công việc gia đình. Khi Huyền trở lại công việc này cùng quyết định đi học trở lại, cũng là lúc Huyền biết phía trước mình có rất nhiều khó khăn cần vượt qua vì mọi chi phí Huyền sẽ phải tự lo chứ không thể trông chờ vào gia đình.
Khoảng 21h30, tại khu nhà 6 tầng bệnh viện Việt Đức lại nhộn nhịp hình ảnh các bạn sinh viên đến ghi danh và nhận công việc. Hầu hết sinh viên đi làm thêm tại các bệnh viện đều lựa chọn ca đêm vì muốn dành thời gian ban ngày cho việc học tập. Những bạn đang trong thời gian chờ việc còn làm tăng ca để có thêm khoản thu nhập.
“Các em đều là con nhà nghèo, muốn bớt gánh nặng cho gia đình, muốn có tiền ăn học nên đi làm thêm. Mỗi người sẽ chọn cho mình 1 nghề, khi đã chọn nghề này ban đầu ai cũng sẽ phải vượt qua tâm lý của chính mình nhưng làm lâu dần sẽ thành quen và các bạn rất ý thức được trách nhiệm công việc” – Cô Nguyễn Thị Lan, giám sát tại khoa răng hàm mặt, bệnh viện Việt Đức chia sẻ.
Khi học cấp 3 vì là lớp bổ túc học buổi tối nên Huyền dành cả ngày làm thêm, giờ khi đã là sinh viên trường Trung cấp Y, cả ngày lên giảng đường nên Huyền đăng kí làm ca đêm.
6h – 7h tối mới về tới nhà, chỉ kịp ăn uống, nghỉ ngơi chút là Huyền lại tất tưởi bắt xe bus đi làm. Hai năm trên giảng đường, tính ra mỗi ngày Huyền chỉ được ngủ khoảng 3 – 4 tiếng, có khi tranh thủ ngủ cả trên xe bus.
“Ngủ ít nhưng bù lại em ăn khỏe lắm nên em thấy chẳng sao cả” – Huyền tâm sự. Những công việc như quét dọn, lau nhà, chở rác, đổ rác… Huyền hay bất kì người bạn nào của mình cũng coi đó chỉ như công việc hàng ngày vẫn làm ở nhà, có khi còn nhàn nhã hơn và lại có thu nhập.
Công việc cũng chỉ tốn nhiều sức lúc quét dọn và đổ rác. Hơn nữa, các công nhân ở đây được trang bị bảo hộ lao động rất đầy đủ từ gang tay, khẩu trang cho tới quần áo… nên ai cũng có cảm giác an toàn.
Bài học về tình người
Mặc dù mức lương chỉ là 1.700.000 đồng/tháng, nhưng ở đó Huyền cảm nhận được rất nhiều tình cảm mọi người dành cho mình. Huyền học Y, nên khi làm ở đây cũng là môi trường để em vừa làm vừa thực tập vì các anh chị làm trong khoa luôn tạo điều kiện hướng dẫn và cho em cơ hội được cọ xát.
“Các anh chị ấy biết hoàn cảnh của em nên luôn tạo điều kiện cho em ăn học. Có những ngày phải trực ở trường, các bạn cùng lớp cũng thay nhau trực giúp để em dành thời gian đi làm” – Huyền nhoẻn cười và lau những giọt mồ hôi còn đọng trên trán.
Huyền nhớ mãi những ngày làm bên khoa hóa chất, bệnh viện K (năm 2009), Huyền được các anh chị cho ở tại bệnh viện. Ngay cả tiền ăn Huyền cũng không mất vì mỗi khi tới bữa, các anh chị đi lấy suất cơm của mình bao giờ cũng lấy nhiều hơn và thường sẻ cho Huyền để em ăn no lấy sức vừa học vừa làm. Những ngày đó Huyền có tiền gửi về cho gia đình.
Nhiều khi Huyền muốn nói lời cảm ơn tới các anh chị nhưng dường như hiểu được tâm trạng của cô sinh viên nghèo nên các anh chị trong khoa lại gạt đi. Được nói chuyện, được tâm sự với họ, Huyền thấy mình là người may mắn.
Môi trường làm việc ở đây, phải tiếp xúc với rác bẩn, nhưng lại cho Huyền những kinh nghiệm về cuộc sống nhất là bài học về tình người.
Huyền được chứng kiến cảnh một bác người dân tộc xuống điều trị tại Việt Đức, không có tiền phải đi xin mọi người từng đồng. Khi đó Huyền cũng không có nhiều nên em chỉ cho bác được vài chục nghìn.
Các bác sĩ trong khoa thì nhường cho bác từng suất cơm và Huyền cùng bác lại ăn cùng suất cơm ấy. Những tình cảm đó có lẽ sẽ mãi là những kỉ niệm đẹp với Huyền. Qua mỗi câu chuyện ấy, Huyền thấy mình trưởng thành lên rất nhiều.
Những ngày đầu mới đi làm ca đêm, nửa đêm nghe tiếng kêu đau của những bệnh nhân vừa mổ hay những người bị não… Huyền không hiểu được cảm giác của mình khi đó, vừa sợ, vừa thương vừa cảm thông vì bản thân em sau này cũng sẽ là một bác sĩ, cũng sẽ tiếp xúc với rất nhiều những hoàn cảnh như thế.
Nhưng dần những tiếng kêu và những cảm giác ấy cũng chai dần trong suy nghĩ của Huyền vì cả ngày lao động mệt, giờ đặt lưng xuống là ngủ. Thứ 7, chủ nhật được nghỉ, em còn tranh thủ đi dọn dẹp nhà cửa cho một bác sĩ trong bệnh viện, thu nhập mỗi lần dọn cũng được 100.000 đồng.
Nhiều khi việc học, việc làm như vòng xoáy cuốn Huyền vào những nỗi lo toan, nhưng em lại thấy mình tìm được rất nhiều bài học quý giá trong vòng xoáy đó. Biết bao khó khăn Huyền còn vượt qua được, thì những vất vả ban đầu này chỉ là những bước đệm đưa Huyền tới gần hơn với ước mơ trở thành bác sỹ chữa bệnh cho nhiều người.