Cây cầu “tự tử ưa thích” của những kẻ chán sống

Cầu Bãi Cháy nối đôi bờ thành phố biển Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là một trong những cây cầu đẹp cả về kiến trúc lẫn không gian và hiệu quả kinh tế bậc nhất Việt Nam. Vậy mà, hơn 7 năm kể từ ngày thông xe (2.12.2006), cây cầu này lại luôn là điểm “ưa thích” của những kẻ… chán sống.

Cây cầu “tự tử ưa thích” của những kẻ chán sống
Cầu Bãi Cháy đẹp cả về kiến trúc và không gian.

Tính đến nay, 37 người đã quyên sinh từ cây cầu này, và nếu không được can ngăn kịp thời, gần trăm người nữa đã lao từ độ cao 60m xuống biển...

Ngàn lý do nhảy cầu

Có ngày đôi ba lần tôi xuôi ngược qua cầu Bãi Cháy, nhưng lần nào cũng muốn qua thật nhanh, bởi ngán những cơn gió mạnh bất thần khiến xe xiêu vẹo, thậm chí người yếu tay lái ngã vật ra mặt cầu. Thông thường, gió cấp 5-6, xe máy không được phép qua cầu. Nói thế để thấy, cây cầu này không dành cho những người yếu tim.

Thế nhưng, đã có hàng trăm người, với con tim tan nát, rỉ máu, đã tìm đến điểm cao nhất của cây cầu này để chạy trốn cuộc đời, để lại nỗi đau khôn cùng cho gia đình, người thân… Và cây cầu xinh đẹp, ngoài việc mỗi ngày “gánh” hàng vạn lượt xe qua lại, còn gánh nặng nỗi đau trần thế.

Vụ nhảy cầu “đình đám” nhất trong hơn 7 năm qua là trường hợp của một nam thanh niên, vào chiều 28.6.2012. Sau vài tiếng đu vắt vẻo trên một sợi dây thừng buộc trên thành cầu Bãi Cháy, trước sự chứng kiến của hàng trăm người đi đường – cả ở trên cầu và dưới đôi bờ sông Cửa Lục – bất chấp sự khuyên ngăn của người thân, bạn bè, nam thanh niên này đã buông tay và lao thẳng xuống biển.

Video clip của cảnh tượng thương tâm này hiện vẫn còn treo trên mạng YouTube. Những người chứng kiến kể lại, lực lượng chức năng không dám động vào sợi dây để lôi cậu ta lên vì bị đe dọa “động vào dây thì sẽ buông tay ngay lập tức”.

Cách đó nhiều năm, nam thanh niên này cũng từng lên cầu Bãi Cháy định tự tử vì giận dỗi người yêu – người sau này là vợ. Lần nhảy cầu này, theo những người chứng kiến, cũng vì lý do hục hặc chuyện gia đình.

Có thể nói, trong vô số các lý do nhảy cầu, lý do chính liên quan đến những “sự cố” trong tình yêu đôi lứa, cuộc sống gia đình. Hầu hết những người chán sống, nhảy cầu còn khá trẻ, người cao tuổi nhất 49 tuổi, nhỏ nhất khoảng 16.

Có người, ngay sau khi gây thảm cảnh – giết vợ vì xung khắc gay gắt – đã phi xe máy lên giữa cầu, rồi gieo mình xuống biển xanh, mong kết thúc những chuỗi ngày đau khổ.

Có nàng vì hận tình cũng tìm đến cầu Bãi Cháy. Cũng có vài trường hợp quyên sinh do lâm vào cảnh nợ nần.

Những người chứng kiến vụ nhảy cầu vào chiều 21.2.2012 của chị N.T.P, 46 tuổi, trú tại  phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long không khỏi đau lòng khi hiểu gia cảnh và lý do chị tự tử. Mắc bệnh nan y, không tiền chữa trị, chị đã chọn cái chết sớm để giải thoát cho mình và gỡ bỏ gánh nặng cho gia đình.

Một cậu học sinh, nghe nói chán gia đình, từ lớp học đi thẳng ra cầu, vẫn nguyên chiếc ba lô trên vai lao thẳng xuống biển. May mắn, cậu thoát chết nhờ… chiếc ba lô. Có thể, chiếc ba lô là vật tiếp nước đầu tiên nên đã giảm khá nhiều sức công phá vào người, nhất là nội tạng. Đây cũng là 1 trong 2 trường hợp duy nhất sống sót trong số những người nhảy cầu. Hiện, cậu vẫn sống, học tập và làm việc bình thường, như chưa hề có cú nhảy “lịch sử” kia.

Theo các bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khi nhảy xuống từ độ cao 50–60m, khó ai có thể thoát chết bởi nát hết nội tạng.

Theo thống kê, kể từ khi cầu Bãi Cháy được đưa vào sử dụng tháng 12.2006 đến nay, đã có 37 người nhảy cầu tự tử.

Nhật ký buồn và “nhiệm vụ” mới của những người gác cầu

Ông Trần Văn Kiểm – Đội trưởng Đội Bảo vệ cầu Bãi Cháy – lật giở từng trang trong những cuốn sổ nhật ký do nhân viên của đội ghi chép lại những diễn biến trên cây cầu này suốt mấy năm qua. Đó có thể coi là những thước phim đầy đủ nhất về những gì liên quan đến cầu Bãi Cháy kể từ ngày thông xe, thậm chí chỉ một vụ va quệt xe nhỏ nhất.

Chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên diện tích các trang trong những cuốn sổ ghi nhật ký cầu, nhưng lại khiến người xem trầm tư, suy ngẫm nhiều nhất về thân phận và kiếp người là những vụ nhảy cầu, đi tìm cái chết.

Những dòng nhật ký ngắn gọn, mang tính thống kê, thông báo là chính, nhưng ẩn chứa trong đó bao nỗi đau đớn, xót thương của những người chứng kiến, của gia đình, bạn bè nạn nhân.

“Ngày…tháng…năm, vào lúc…, một vụ nhảy cầu. Nạn nhân là…”

“Ngày…tháng…năm, vào lúc…, nhân viên trực ca, Đội bảo vệ cầu Bãi Cháy đã ngăn chặn một trường hợp có ý định nhảy cầu”.

Có tháng, sổ nhật ký không ghi nhận trường hợp nào nhảy hoặc có ý định nhảy cầu. Nhưng có tuần, liên tiếp 2-3 người quyên sinh từ trên cây cầu đẹp và lãng mạn có tiếng này.

Theo một nhân viên Đội Bảo vệ cầu Bãi Cháy, việc ngăn chặn những người quyết tâm tìm cái chết là hết sức khó khăn, bởi “đang tham gia giao thông như người bình thường khác, nhưng đến giữa cầu, họ vứt xe đó rồi lao xuống biển”.

Đội trưởng Kiểm bảo, từ ngày tiếp nhận việc bảo vệ cầu, anh em trong đội có thêm “nhiệm vụ” mới: Ngăn chặn các vụ nhảy cầu. Để làm được việc này, theo anh Kiểm, mỗi đội viên phải là một nhà thương thuyết hơn là một bảo vệ, dù đôi khi vẫn phải dùng sức để giành giật với thần chết.

“Nhiều khi chúng tôi phải nói ngon ngọt, rủ rỉ, tâm tình, đánh vào lòng trắc ẩn của người có ý định nhảy cầu, về nỗi thương đau của cha mẹ, vợ chồng, con cái khi chứng kiến người thân tự tử”, anh L.V.T – một nhân viên Đội Bảo vệ cầu Bãi Cháy – tâm sự.

Có những người, sau một hồi thương thuyết, đã tự trở về nhà. Nhưng có nhiều trường hợp, vừa thương thuyết, vừa lợi dụng lúc “đối tượng” không để ý, các anh túm chặt lấy và kêu người đi đường giúp sức. Những cuộc vật lộn, giành giật sự sống trong khoảnh khắc cho đồng loại như thế không phải là hiếm ở trên cây cầu này. “Cầu mong họ không trở lại với ý định cũ” – những người bảo vệ cầu thầm nguyện, sau khi giao người chán sống cho người nhà và lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, có một cái chết đau thương diễn ra ngay trước mắt các anh, sau khi đã thương thuyết thành công. “Hôm đó, có một cô bé ở TP.Uông Bí có ý định nhảy cầu. Sau một hồi thuyết phục, cháu đồng ý lên xe ôm về nhà. Nhưng, vừa leo lên xe, cháu bất ngờ xuống, chạy rồi leo lên thành cầu và gieo mình xuống biển” – anh T nhớ lại.

Dẫu sao, tính đến nay, tài thương thuyết của các anh đã giúp ngăn được gần 100 trường hợp có ý định nhảy cầu. Không phải nhiệm vụ, nhưng từ lâu, đây lại là một trong những nhiệm vụ chính của các anh.

Hàng giờ, những người bảo vệ cầu Bãi Cháy chia ca đi tuần trên cầu, để vừa bảo vệ, bảo đảm sự thông suốt của cây cầu huyết mạch, vừa phát hiện và ngăn chặn ai đó chán sống. Làm riết nên quen, ai đó có dấu hiệu nhảy cầu thường không qua mắt được các anh. Vậy mà, cũng có đôi lần các anh bị lừa bởi một số thanh niên dàn cảnh nhảy cầu như thật khi biết các anh đang đi tới.

Trong nhóm phóng viên chuyên theo dõi tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, không có vụ nhảy cầu tự tử nào mà N.H – phóng viên của báo địa phương – chịu về nhì trong cuộc cạnh tranh đưa tin.

Anh có cộng tác viên ở đôi bờ sông Cửa Lục, luôn túc trực ở đó với nghề bán trà đá. Không nhớ tên của các cộng tác viên đó, nhưng hễ trên màn hình điện thoại nhảy nhót những con chữ “Nhảy cầu Bãi cháy 1”, “Nhảy cầu Bãi Cháy 2” thì dù có bận gì anh cũng phi vội ra chân cầu Bãi Cháy.

Hầu hết thông tin, ảnh xuất hiện trên các báo khác sau đó đều do anh chia sẻ. Thế nhưng, có lần anh cố tình để sót thông tin. Hỏi thì anh bảo, vụ đó xảy ra vào những ngày giáp Tết, hơn nữa, đưa tin quá nhiều nên cũng cảm thấy ghê ghê…

Đã có những cuộc thảo luận không chính thức về việc ngăn chặn các vụ nhảy cầu Bãi Cháy, như dùng lưới ngăn hai bên thành cầu, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi. Có lẽ, hiện giờ chỉ mong chờ vào chính bản thân những người muốn chết cũng như gia đình, người thân, bạn bè…trong cách ứng xử với họ, để không tạo ra những suy nghĩ tiêu cực.

Chỉ một cái đưa chân, họ đã tự giải thoát những đau khổ triền miên của mình, nhưng để lại sự khổ đau, dằn vặt đến suốt đời cho những người ở lại. Ước gì họ đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó, để những dòng nhật ký của những người thợ cầu chỉ còn thuần túy công việc chuyên môn, và để cây cầu Bãi Cháy đầy chất thơ không còn bị mang tiếng oan – là nơi lý tưởng cho những kẻ chán đời.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại