Ống phóng lưới chuyên dụng mà Công an TP Thanh Hóa vừa đặt Viện Vũ khí sản xuất thử nghiệm để dùng bắt “quái xế” - Ảnh: CSGT Công an Thanh Hóa cung cấp
Ít ai biết khi Công an Thanh Hóa liên hệ đặt hàng nghiên cứu thiết kế chế tạo ống phóng bùi nhùi lưới, Viện Vũ khí không thật sự mặn mà. Lý do được ngầm hiểu là các nhà nghiên cứu “ngại” phản ứng bất thường của cư dân mạng khi lúc đó trên các diễn đàn mạng, có quá nhiều ý kiến khen chê trái chiều về câu chuyện Công an Thanh Hóa bắt xe đua dừng bằng... lưới đánh cá.
Liều phóng an toàn
Tuy nhiên, sau khi tiếp cận các biện pháp buộc dừng xe máy khác (như dùng chông, dầu
Theo thiết kế của Viện Vũ khí, khối lượng của toàn bộ ống phóng và lưới chỉ ở mức 2,8-3kg, dài 50-55cm, ống chứa lưới tròn đường kính 7-7,5cm. Việc thay lưới, nạp liều phóng khác cũng rất đơn giản. Khi phóng, âm thanh phát ra nhỏ, không ảnh hưởng đến người đi đường. Ống phóng có thể sử dụng đến 3.000 lần nếu sử dụng đúng hướng dẫn (tất nhiên liều phóng chỉ sử dụng một lần). Nếu lưới được bắn trúng vào xe đua thì chỉ có cách cắt bỏ, nhưng nếu không trúng thì thu lại, nhét vào ống dùng tiếp cho lần sau.
nhớt, bi, rào chắn tự động), các cán bộ, kỹ sư của Viện Vũ khí nhận thấy rằng các phương pháp này đều không an toàn, có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác đang cùng lưu thông trên đường.
Ngay cả phương pháp dùng súng bắn sơn cũng không hiệu quả khi cảnh sát không thể bắt được xe ngay mà phải mất công truy tìm, đến khi tìm được thì đối tượng đua xe đã lau sạch sơn, không còn tang chứng.
Trong khi đó, phương pháp buộc dừng xe bằng lưới có ưu điểm không gây hậu quả nghiêm trọng cho người điều khiển phương tiện. Cùng với nó, mục đích của công an dùng phương tiện này để chống đua xe trái phép đã thuyết phục Viện Vũ khí tham gia nghiên cứu chế tạo.
Thực tế trước khi đặt hàng Viện Vũ khí, Công an Thanh Hóa đã dùng lưới đánh cá cũ ném vào gầm xe máy để lưới quấn vào bánh xe sau, buộc xe phải từ từ dừng bánh.
Tuy nhiên, phương pháp ném bó lưới (nặng 0,25-0,3kg, dài 1m) rất thủ công, mất mỹ quan, chỉ có thể quăng lưới đi xa chừng 2-3m. Rốt cuộc, khi cảnh sát giao thông chạy ra thì xe đánh võng đã chạy vù qua và tẩu thoát không vết tích.
Đây cũng chính là lý do Công an Thanh Hóa đặt hàng Viện Vũ khí thiết kế thiết bị phóng lưới với chỉ tiêu phóng trên 15m. Điều này sẽ giúp cảnh sát có thể mai phục ven đường (đường rộng 10m/làn + 3-5m vỉa hè) bí mật bất ngờ tấn công đoàn đua.
“Đề bài” được Công an Thanh Hóa đặt ra là phải đưa được 0,2-0,3kg lưới đánh cá (chiều dài 1-1,2m) vào một ống chứa và từ ống này sẽ có lực đẩy khối lưới bay thẳng ra trước đến 15m. Công thức có vẻ đơn giản nên ban đầu ai cũng nghĩ dễ dàng.
Các cán bộ của Viện Vũ khí tính toán, tự chế tạo, thử nghiệm với cả lò xo, bình khí nén... song kết quả không ổn. Lưới từ ống bay ra cũng chỉ xa 2-3m, chẳng khác gì quăng ném bình thường bằng tay vì chùm lưới bay ra ngoài gặp sức cản lớn của không khí không thể đi xa hơn.
Cuối cùng, các nhà khoa học phải dùng đến chuyên ngành “vũ khí” thật sự mới cho kết quả khả thi. Sau ba tháng vừa tính toán, tự chế tạo và thử nghiệm, Viện Vũ khí đã cho ra đời sản phẩm phục vụ công tác chống đua xe những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại Thanh Hóa.
Theo trung tá Trần Xuân Khoa - trưởng nhóm nghiên cứu, nguyên lý chế tạo thiết bị này là dùng một liều phóng (tương tự loại dùng trong chế tạo đạn) chứa trong một vỏ đạn chuyên dụng, chỉ lắp được vào ống phóng lưới và không có đầu đạn để tạo ra áp lực đẩy vào một pittông chống cháy, giúp lưới phóng được ra ngoài.
Đặc biệt, việc lựa chọn pittông chống cháy tạo lực đẩy rất quan trọng vì nếu không có pittông làm trung gian, khi đốt cháy liều phóng phụt thẳng vào lưới, lưới sẽ quăn hết lại trước áp suất và nhiệt độ cao.
“Thiết bị dùng nguyên lý của súng nhưng lại không phải súng vì không gây sát thương, không gây tiếng nổ lớn” - trung tá Khoa nói.
Một thí nghiệm kiểm tra độ an toàn đã được thực hiện khi dùng ống phóng lưới bắn trực tiếp vào lưng một người ở khoảng cách 5m không hề gây sát thương, thậm chí còn không gây cảm giác đau.
Cài “mắt” laser để bắn trúng đích
Trước ngày 30-4 một tuần, các nhà khoa học của Viện Vũ khí hồ hởi đưa thiết bị ra thử nghiệm tại Thanh Hóa. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông được giao đóng thế vai... người đua xe, chạy xe tốc độ cao để bị phóng lưới. Song kết quả không được như ý, lúc phóng lưới được, lúc không, lúc được cũng chỉ xa 2-3m. Một số lần lưới phóng xa 15m thì tốc độ phóng quá chậm, khó bám dính xe đang chạy tốc độ cao.
Nguyên nhân nhanh chóng được xác định do các nhà khoa học tự bỏ tiền nghiên cứu, các công đoạn làm thủ công nên chất lượng sản phẩm không đều. Chỉ trong năm ngày sau đó, các nhà khoa học cho ra mẫu xịn bằng thiết bị chuyên nghiệp hơn để cảnh sát Thanh Hóa dùng thử đúng đợt 30-4. Hiệu quả đã được ghi nhận khi lưới phóng xa, nhưng lại lộ ra nhược điểm: khó ngắm trúng, thao tác thay lưới, liều phóng chưa thuận tiện...
Lại lần mò để tìm đáp số mới cho sản phẩm được cải tiến hoàn thiện hơn, Viện Vũ khí đã đưa thêm tia laser vào hỗ trợ sử dụng, giúp ước lượng cự ly và đưa vết laser (điểm sáng đỏ khi ngắm vào xe) bám vào bánh xe là phóng lưới luôn.
Nhiều người khi chưa nhìn thấy thiết bị thì đoán già đoán non, hình dung cả khối lưới trùm vào xe sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng phương tiện giao thông. Song thực tế đích phóng lưới là bánh sau xe máy, đưa lưới quấn dần giữa nan hoa và khung giảm xóc, buộc xe đang chạy tốc độ 70km/giờ phải dừng lại sau khi cố chạy thêm được 10m.
Được biết, sau đợt sử dụng thử nghiệm của Công an Thanh Hóa, khi dự án chính thức được đưa vào sản xuất, Viện Vũ khí sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cả về mặt thẩm mỹ, kích thước, trang bị bao đeo, ống lưới dự phòng để thay nhanh tại chỗ...
Sẽ đăng ký bản quyền
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lê Văn Nghiêm - trưởng Công an TP Thanh Hóa - cho biết Công an TP phối hợp với Viện Vũ khí đã nghiên cứu, chế tạo thành công ống phóng lưới. Cuối tháng 6, Công an TP sẽ nhận sáu ống phóng lưới để tiếp tục ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng đua xe, chạy lạng lách, đánh võng, cướp giật trên đường.
Bên cạnh đó, Công an TP đang phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ Thanh Hóa lập dự án chế tạo ống phóng bùi nhùi lưới để trang bị cho cảnh sát làm nhiệm vụ ngăn chặn đua xe trái phép, trấn áp tội phạm côn đồ, cướp giật, gây án trên đường phố, đồng thời cùng nhà sản xuất đăng ký bản quyền cho sản phẩm này. Từ đó có thể đưa ống phóng lưới chính thức trở thành công cụ hỗ trợ lực lượng công an trong việc trấn áp, bắt giữ tội phạm.