Thực trạng đáng ngại của “bom nổ chậm” ở Hà Nội

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Hiện tại, Sở LĐTB&XH Hà Nội chưa nhận được một văn bản, công văn nào của các đại lý muốn nhập các thiết bị chịu áp lực về Việt Nam để bán, dù chính ngạch hay tiểu ngạch. Đa phần các thiết bị này nhập của Trung Quốc”, đó là ý kiến của ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn Lao động (Sở LĐTB&XH Hà Nội) trước thực trạng “Những quả “bom nổ chậm” rải rác trên các con phố Hà Nội”.

Từ đại lý, doanh nghiệp tới người sử dụng đều “bỏ ngỏ” quy định

Trao đổi với phóng viên, ông Việt cho biết: Trong hơn 30 danh mục trong các trang thiết bị do Sở LĐTB&XH quản lý về an toàn lao động bao gồm cả những thiết bị chịu áp lực như bình chứa khí nén để bơm ô tô, xe máy hoặc dùng để phun sơn hay phục vụ tháo lắp cơ khí… Theo quy định thông tư 32 của Bộ LĐTB&XH thì trước khi đưa vào sử dụng, những người sử dụng phải tiến hành kiểm định và đăng kí thiết bị đó với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Sở và các trung tâm kiểm định chất lượng an toàn để kiểm định thiết bị đó có đảm bảo an toàn hay không trước khi đưa vào sử dụng.

Thông tư số 35/2012/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 27/12/2012, quy định thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trong đó có các thiết bị chịu áp lực.

Những bình bơm hơi được đặt ngay bên cạnh bếp than, bất chấp mọi nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Những bình bơm hơi được đặt ngay bên cạnh bếp than, bất chấp mọi nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Những doanh nghiệp trong nước sản xuất các thiết bị này thì phải công bố: tiêu chuẩn thép, các cơ cấu an toàn đi theo, áp suất làm việc như vậy có đảm bảo không?

Với những thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài thì phải liên hệ với Sở LĐ TB XH để đăng ký nhập lô hàng, số lượng, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật... Qua đó Sở thẩm định, xem xét xem thiết bị này có đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn của mình không, để nhập về sử dụng trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Việt thì: "Việc các doanh nghiệp, đại lý thực hiện thông tư 35 này hầu như chưa có. Hiện tại, Sở LĐTB&XH chưa nhận được một văn bản, công văn nào của các đại lý muốn nhập các thiết bị chịu áp lực về Việt Nam để bán, dù chính ngạch hay tiểu ngạch thay vì phải liên hệ với Sở để chúng tôi xem xét".

Ông Việt khẳng định thêm: "Hiện nay, ở các đại lý trên phố hay trong các chợ, việc thay đổi nhãn mác rất đơn giản chỉ bằng một vài thao tác nhỏ. Bằng trực quan, người sử dụng rất khó phân biệt được thực chất của các nhãn mác đó. Họ có thể in tem của Đức, Ý, Nhật… thay cho tem Trung Quốc. Thực trạng này dẫn tới tình trạng, có thể xảy ra tai nạn lao động do sản phẩm không đảm bảo chất lượng".

Cảnh báo an toàn trong việc sử dụng bình bơm hơi

Trước thực trạng, các doanh nghiệp, đại lý chưa thực hiện quy định của Thông tư số 35/2012/TT-BLĐTBXH ông Việt cho biết thêm: Tuy nhiên, ý thức các doanh nghiệp còn khá hơn so với hộ kinh tế cá thể, tư nhân. Đối tượng này, hầu như những quy định đó là họ chưa thực hiện. Vì vậy, có thể dẫn tới tai nạn lao động do người kinh doanh thiết bị đưa về không kiểm định. Họ cũng không nắm được những quy định về an toàn lao động, đôi khi chỉ biết mua về sử dụng. Khi động cơ làm việc sinh ra khí, khí được đưa tới một áp suất nào đó, cho phép, nếu như không biết van an toàn làm việc áp suất bao nhiêu, độ dày của bình, loại thép nào đủ chịu được áp lực cho phép hay không, dẫn tới hiện tượng nổ bình chứa khí nén.

Bình bơm hơi đã hoen gỉ nhưng vẫn được đặt cạnh những vật dễ gây cháy nổ như xăng, dầu.
Bình bơm hơi đã hoen gỉ nhưng vẫn được đặt cạnh những vật dễ gây cháy nổ như xăng, dầu.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm gần đây chưa xảy ra sự cố thương vong do nổ bình bơm hơi, nhưng thời gian gần đây ở nhiều địa bàn khác trên cả nước đã có hiện tượng này.

Ông Việt chia sẻ: Đối với các thiết bị chịu áp lực thì 1 - 2 năm phải kiểm định lại để giúp người sử dụng kiểm tra các thiết bị an toàn đi kèm như van an toàn. Có những trường hợp không nhận thức được, muốn bình của mình chứa được nhiều khí còn bít cả van an toàn lại, hoặc nén xuống rất nguy hiểm.

Chẳng hạn có bình van an toàn cho phép 1,5 atmostphere , không bơm được lốp ô tô. Họ bít van an toàn lại để khí nén lên đc 3 hoặc 4 at, để bơm được lốp ô tô, sinh ra mất an toàn.

Thứ hai là đồng hồ. Đồng hồ báo áp lực thiết bị có khi cũng bị bít lại. Chính sự không hiểu biết đó khiến người sử dụng thiết bị đó có khi phải trả giá.

Có những trường hợp nổ chết người. Chưa kể những thiết bị chứa khí nén, cho đất đèn, cho nước để sinh khí axetilen, để hàn kim loại. Nếu không vệ sinh thì bã thải đất đèn sẽ gây tắc van an toàn, tắc đồng hồ, tắc đường dẫn khí, thì sẽ sinh nổ.

Một nguyên nhân nữa gây nổ bình chứa khí nén, thậm chí cả bình mới đó là thép không đảm bảo an toàn, mỏng quá, không đúng chủng loại thép chịu áp lực. Các bình này nhiều khi được người sử dụng “vô tư” đặt ở nơi dễ gây cháy nổ như khu vực bơm xăng, bếp than…

Nguyên nhân nữa là có một số đại lý thiếu lương tâm, thu gom bình cũ về, bình gỉ ăn sâu mà theo quy chuẩn an toàn thì: bình dày khoảng 3 ly; gỉ 1,5 ly là phải bỏ. Nhưng các đại lý vì nhãn tiền vẫn thu về. Những chỗ gỉ họ bả matit, sơn lại, coi như bình mới. Điều này rất rất nguy hiểm. Chiều dày của bình đã không đảm bảo mà họ chỉ bả matit để đánh lừa mắt, sơn lại coi như bình mới. Bình mới bơm đến 5 at thì van an toàn mới mở. Nhưng bình này 3 at đã vỡ tung.

Và dọc đường Trường Chinh có rất nhiều cửa hàng bán bình bơm hơi, nhưng tất cả đều mập mờ về nguồn gốc sản phẩm.
Và dọc đường Trường Chinh có rất nhiều cửa hàng bán bình bơm hơi, nhưng tất cả đều mập mờ về nguồn gốc sản phẩm.

Bàn về phương án nhằm đảm bảo thị trường bình bơm hơi đi vào hoạt động theo đúng quy chuẩn và đảm bảo an toàn cho cả người sử dụng lẫn người kinh doanh, ông Việt cho biết: Hiện tại, Sở LĐTB&XH đang xây dựng chuyên đề phối hợp với Chi Cục Quản lý Thị trường thuộc Sở Công thương Hà Nội về thực hiện thông tư 35 của Bộ LĐTB&XH. Ngoài đơn vị doanh nghiệp, sẽ kiểm tra cả các đại lý bán và không chỉ kiểm tra riêng thiết bị chịu áp lực mà cả cần cẩu, xe nâng hàng... Các đại lý nhập hàng về có xuất xứ không rõ ràng sẽ có biện pháp xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.

Đồng thời, ông Việt cũng đưa ra lời cảnh báo với người sử dụng thiết bị này là nên tiếp cận với các văn bản, quy định của pháp luật, chẳng hạn như nghiên cứu Thông tư số 32/2011/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao.

Hơn nữa, với bình chứa khí nén, phiếu kiểm định rẻ, chỉ khoảng 200 – 300 nghìn/phiếu, có bảo dưỡng đi theo. Nếu người sử dụng tuân thủ việc đăng kí kiểm định thì nguy cơ tai nạn sẽ giảm đi nhiều.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại