'Có 2 cách để khởi kiện Trung Quốc'

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Chiều 25/6, Hội Luật gia Việt Nam tuyên bố phản đối Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng tại đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại buổi họp báo, một vấn đề được báo giới hết sức quan tâm chính là việc Việt Nam có kiện Trung Quốc ra các cơ quan pháp lý quốc tế hay không.

Chia sẻ về việc này, Luật sư Nguyễn Văn Quyền – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt nam cho hay: “Tới đây, nếu đưa vấn đề này ra kiện thì có thể thực hiện bằng hai cách. Cách thứ nhất là phối hợp với Philippines. Khi đó, Việt Nam sẽ là bên thứ 3 tham gia vào cùng. Cách thứ 2 là mình có thể đưa vụ việc ra độc lập: tự mình sẽ đưa vụ việc này ra Trung tâm trọng tài quốc tế”.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Hội Luật gia cũng nhắc lại rằng quyết định có đưa vụ việc tại Biển Đông ra kiện hay không phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ Việt Nam. “Nếu đưa ra Trung tâm trọng tài quốc tế thì chúng tôi sẽ tham gia tích cực”, ông Quyền nói.

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Tuấn Nam)
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Tuấn Nam)

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được quan tâm tại buổi họp báo là việc liệu khi Trung Quốc đã rút giàn khoan đi thì Việt Nam có cơ sở để kiện hay không. Trả lời về vấn đề này, LS Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam khẳng định: “Về mặt pháp lý, chúng tôi luôn chủ động nghiên cứu để hiểu rõ tất cả các vấn đề. Thứ hai là đưa ra những ý kiến tư vấn cho các cơ quan hữu quan trên cơ sở các kết quả nghiên cứu.

Về vấn đề Biển Đông, Hội Luật gia đã chủ động nghiên cứu hàng chục năm nay. Chúng ta vẫn tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ. Còn việc kiện hay không kiện thì Đảng và Nhà nước sẽ có tính toán một cách toàn diện và quyết định. Giả sử Trung Quốc rút ngay giàn khoan đi thì dưới góc độ Luật học, Hội Luật gia luôn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để tư vấn cho Nhà nước thực hiện những gì mà Đảng, Nhà nước cần".

Về việc hỗ trợ ngư dân (ở Đà Nẵng) vừa bị tàu Trung Quốc đâm nếu những ngư dân này kiện, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay: “Nếu Hội nghề cá Đà Nẵng đề nghị Hội Luật gia thì Hội Luật gia sẽ giúp đỡ. Khó nhất là việc xác định chủ thể để kiện: chủ của tàu đâm tàu cá là ai”.

Một lần nữa, tại buổi họp báo, LS Lê Minh Tâm khẳng định: “Công lý là giá trị lớn mà nhân loại luôn hướng tới. Đó cũng là nguyện vọng của nhân dân các nước. Công lý dựa trên lẽ phải, dựa trên niềm tin và luật pháp. Chúng ta vững một niềm tin và đủ trí tuệ để nói rằng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam căn cứ vào Luật pháp Quốc tế, UNCLOS 1982. Không những chúng ta mà Hội Luật gia dân chủ quốc tế đại diện cho 100 nước thành viên có chung ý với ta ủng hộ quan điểm đó. Về mặt luật pháp quốc tế, chúng ta khẳng định là đúng. Thứ hai về đạo lý của vấn đề, mọi dân tộc đều mong muốn chung sống hòa bình.

Trên Biển Đông, an ninh hàng hải và an ninh hàng không là nguyện vọng chung của các quốc gia không chỉ Việt Nam và Trung Quốc. Cho nên chúng ta đã vững về mặt pháp lý và chúng ta được sự ủng hộ của quốc tế, lại phù hợp với đạo lý chung đó là vì lợi ích chung của các dân tộc, quốc gia khác nữa thì chắc chắn chúng ta càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Chúng tôi nghĩ rằng, về mặt đạo lý, về mặt lẽ phải, về mặt pháp lý, chúng ta hoàn toàn ở một vị thế mà chúng ta tin nếu kiện chúng ta thắng”.

Tuyên bố lần thứ 2 của Hội Luật gia Việt Nam về vấn đề giàn khoan Hải Dương 981

Liên quan giàn khoan Hải Dương – 981 cùng những những hành động của phía Trung Quốc tại khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những ngày qua, Hội Luật gia Việt Nam nhận định: Các hành vi của Trung Quốc rõ ràng là những hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người, bất chấp Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Các hoạt động mà Trung Quốc thường phát ngôn là “chỉ thực thi pháp luật bình thường” khác xa với các hành vi sử dụng vũ lực diễn ra trên thực tế, không chỉ làm ảnh hưởng đến ngư dân đánh bắt cá, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mà còn gây lo ngại cho toàn bộ cộng đồng các quốc gia trên vùng Biển Đông, trái ngược hoàn toàn với đạo lý và luật pháp quốc tế.

Tại buổi họp báo, thay mặt Hội Luật gia, ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam tuyên bố: Luật sư Hội luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt các hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của công dân Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, không tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt nam; yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng ngay các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Hội Luật gia cũng kêu gọi giới luật gia và toàn thể nhân dân các nước trên thế giới lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho hay: “Hội Luật gia luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa nhân dân và giới luật gia Việt Nam – Trung Quốc, cùng phía Trung Quốc làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cố tình không tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cố tình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam kiên quyết đề nghị Chính phủ Việt Nam sử dụng các biện pháp pháp lý hợp pháp theo pháp luật quốc tế để giải quyết tình trạng vi phạm leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại