Không đủ căn cứ xác định "kiều nữ Hải Dương" bị tâm thần

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - LS Bình khẳng định, để xác định "kiều nữ Hải Dương" bị tâm thần cần phải trưng cầu cơ quan chức năng giám định và tòa án ra quyết định...

Vừa qua, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã nhận được đơn đề nghị cùng giấy thông báo của ông Phạm Ngọc C. (SN 1944, trú tại Tp Hải Dương) cho biết, bà Phạm Thị Thanh Ngọc (trên báo chí thường được gọi là "kiều nữ Hải Dương") - con gái ông - bị bệnh tâm thần, thời gian vừa qua đã không làm chủ được hành vi, có những hành động gây xôn xao dư luận.

“Tôi gửi thông báo này tới các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các cơ quan chức năng, các cá nhân, tổ chức khác bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con gái tôi khi cháu tham gia các sinh hoạt ngoài xã hội” - ông Phạm Ngọc C. viết.

Ông Phạm Ngọc C. cũng nhấn mạnh thêm, cá nhân, tổ chức nào xâm phạm đến thân thể, danh dự và nhân phẩm của bà Ngọc thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Phạm Ngọc C. bố đẻ của bà Phạm Thị Thanh Ngọc - kiếu nữ Hải Dương.

Ông Phạm Ngọc C. - bố đẻ của "kiều nữ Hải Dương" Phạm Thị Thanh Ngọc.

Cùng với đó, chúng tôi cũng nhận được văn bản của Công ty Luật TNHH 1TV QTC  (địa chỉ số 11A, ngõ 98 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) với nội dung, ông Phạm Ngọc C. đề nghị QTC cử luật sư tư vấn, làm việc với các tổ chức liên quan, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tòa soạn báo chí... để yêu cầu gỡ bỏ các tin tức đăng tải vụ việc liên quan đến "kiều nữ" Hải Dương để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông C. - là người giám hộ của bà Ngọc.

Văn bản của Công ty Luật QTC cũng viết: "Trước đây và hiện nay, bà Phạm Thị Thanh Ngọc bị bệnh tâm thần, có Bệnh án số 788, Mã y tế 107/01/09 ngày 12/06/2009 của Bệnh viện tâm thần tỉnh Hải Dương. Bà Ngọc đã nhiều lần đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Hải Dương điều trị nhưng hiện nay vẫn không có khả năng điều khiển hành vi của mình, gây ra những sự việc không theo ý muốn, gây xôn xao dư luận xã hội".

Cùng với việc đưa ra rất nhiều điều luật khác nhau, văn bản của công ty Luật QTC cho rằng: "Có thể thấy thời gian qua khi đăng tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bà Phạm Thị Thanh Ngọc cơ quan báo chí chưa tìm hiểu kỹ về nhân thân bà Phạm Thị Thanh Ngọc và chưa được sự đồng ý của người giám hộ của bà Ngọc (ông Phạm Ngọc C.)".

Liên quan đến vấn đề ông Phạm Thanh C. nêu trong đơn đề nghị, thông báo và văn bản của công ty Luật TNHH 1TV QTC, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, việc đưa ra bệnh án của Bệnh viện tâm thần tỉnh Hải Dương từ năm 2009 để chứng minh rằng bà Ngọc bị tâm thần là không đủ cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình.

"Trước hết, cần phải khẳng định ngay, theo quy định của pháp luật hiện hành, để xác định một cá nhân nào đó bị tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự toàn bộ hay một phần năng lực hành vi tại thời điểm hiện tại thì phải dựa trên kết luận của tổ chức giám định, phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh.

Sau khi có kết quả giám định của cơ quan, tổ chức giám định thì việc người đó có bị tâm thần, mất năng lực hành vi hay không sẽ phải do tòa án ra quyết định tuyên bố.

Ở đây, việc ông Phạm Ngọc C. hay phía Công ty Luật QTC chỉ đưa ra bệnh án của Bệnh viện tâm thần tỉnh Hải Dương từ năm 2009 để chứng minh rằng, hiện nay bà Ngọc bị bệnh tâm thần mà không có bất cứ quyết định nào của tòa án là chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thêm vào đó, bệnh án này được xác lập từ năm 2009 nhưng những gì bà Ngọc gây ra được báo chí phản ánh là vào năm 2013 đến nay cho nên cũng không thể nào chứng minh được hiện nay bà Ngọc có bị tâm thần hay không", luật sư Bình nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Bình, từ việc bà Ngọc chưa được xác định là mất năng lực hành vi hay bị tâm thần thì việc ông Phạm Ngọc C. hay Công ty Luật QTC cho rằng ông C. là người giám hộ của bà Ngọc là không đúng.

"Như tôi đã nói ở trên, việc bà Ngọc chưa được cơ quan tòa án ra quyết định xác nhận mất năng lực hành vi dân sự thì ông Phạm Ngọc C. cũng chưa được coi là người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật. Cũng vì vậy mà việc công ty Luật QTC trích dẫn các điều luật liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người giám hộ trong trường hợp này cũng chưa đủ cơ sở", luật sư Bình nói.

Luật sư Bình cũng cho hay, mặc dù công ty luật QTC trích dẫn rất nhiều điều luật nhưng các căn cứ chính để chứng minh bà Ngọc bị tâm thần và chứng minh cơ quan báo chí chưa tìm hiểu kỹ về nhân thân bà Phạm Thị Thanh Ngọc và chưa được sự đồng ý của người giám hộ của bà Ngọc lại không hề có.

Trước đó, trong suốt thời gian qua "kiều nữ Hải Dương" đã có rất nhiều hành vi gây bức xúc trong dư luận. Gần đây nhất, vào ngày 8/6. Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) nhận được tin báo về trường hợp ông H.V.Q. (44 tuổi, ngụ tại Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong tình trạng hôn mê. Qua xác minh từ công an, bà Ngọc là người có liên quan đến việc ông Q. nhập viện.

Tại cơ quan công an, ông Q. cho biết, hôm 7/6, ông có hợp đồng chở bà Phạm Thị Thanh Ngọc từ thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Đến chiều cùng ngày, theo thỏa thuận của khách, ông Q. đưa người phụ nữ này qua Đà Lạt du lịch. Tối 7/6, ông Q. và bà Ngọc thuê phòng khách sạn ở Đà Lạt để nghỉ. Gần sáng, bà Ngọc đưa cho ông Q. 4 viên thuốc, sau khi uống xong thì ông này bất tỉnh.

Còn vào rạng sáng 30/5, anh N.Đ.T. (30 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định, là tài xế của hãng taxi Thanh Nga) được “kiều nữ Hải Dương" đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng bất tỉnh.

Theo lời kể của anh T., chiều 29/5, anh nhận được điện thoại của hãng báo xuống thành phố Hải Dương đón khách. Tối hôm đó, anh chở một người phụ nữ (sau được cơ quan công an xác định là bà Phạm Thị Thanh Ngọc, quốc tịch Mỹ) đến một khách sạn trên phố Hàng Hành (Hà Nội). Bà Ngọc chủ động bảo anh T. đi mua xôi về khách sạn ăn rồi bảo anh ở lại đó để sáng hôm sau đi Nghệ An sớm.

Anh T. nói, anh và bà Ngọc nằm cùng một giường trong khách sạn, anh nằm một bên xem bóng đá rồi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy đã thấy mình đang ở bệnh viện. Hiện cũng chưa rõ lí do vì sao chỉ nằm ngủ nhưng lại khiến anh T. bất tỉnh....

Điều 22 Bộ Luật dân sự quy định về: Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này đến bạn đọc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại