PGS-TS Trần Nam Tiến (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển đảo - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã phân tích về chiêu bài “dân sự che chắn quân sự” để thực hiện mưu đồ xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc trên tờ Pháp luật TP.HCM.
Ông nói: “Cho đến thời điểm này, không còn nghi ngờ thêm về chiến lược “dân sự hóa quân sự”, dùng chiêu bài thăm dò dầu khí, đánh bắt cá có “tàu quân sự hộ tống” để thực hiện mưu đồ “chiếm hữu thực tế” trên toàn bộ vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền đương nhiên của Việt nam) của chính quyền Bắc Kinh.
Xét ở góc độ địa chiến lược trong bối cảnh hiện nay, cũng như những căn cứ về lịch sử hành động của Trung Quốc thì rất có khả năng các giàn khoan khác đang được Trung Quốc xây dựng (sau Hải Dương 981 - PV), sẽ xuất hiện thêm cái thứ hai, thứ ba… lan xuống các vùng biển khác. Đây sẽ là một động thái rất nguy hiểm nhằm thực hiện mưu đồ của Trung Quốc nhằm xác lập “chủ quyền tự nhiên” trên toàn bộ khu vực Biển Đông”.
Vị này cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển với mật độ và thời gian trên các vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta nhằm ngăn chặn có hiệu quả các ý đồ của Trung Quốc trong việc đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông, hạn chế và cô lập hoạt động của các “lực lượng quân sự mềm” núp bóng vỏ bọc “dân sự” khác.
Nói về những chiêu bài của Trung Quốc, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và đảo Việt Nam, hiện là giảng viên cao cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên của Diễn đàn Đại dương Thế giới) cũng từng khẳng định, hoạt động trên biển của Trung Quốc được che đậy và giả danh “dân sự”.
Theo đó, để tiếp tục thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” - chấn hưng dân tộc với ý đồ “Độc chiếm Biển Đông” mà trước hết là “độc quyền khai thác tài nguyên,” Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi và cách tiếp cận. Đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên hợp quốc “Yêu sách phi lý về Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động được che đậy và giả danh “dân sự.” Bằng cách đó Trung Quốc chiếm bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền năm 2012, chiếm bãi James do Malaysia tuyên bố chủ quyền năm 2013 và lần này Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” Hải Dương 981 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là cách Trung Quốc cắm các “chốt” an ninh giả danh dân sự để nắn gân các nước láng giềng, để rồi sẽ “gặm nhấm dần” các vị trí chiến lược trên Biển Đông. Như vậy, yếu tố quân sự thực tế đã được sử dụng trong hành vi của phía Trung Quốc kết hợp đe dọa sử dụng vũ lực trên thực địa. Theo thông tin trên tờ Vietnamplus.
Tờ New York Times trích dẫn bình luận của các quan chức quân sự nước ngoài liên quan vấn đế này như sau: “Các tàu đánh cá dân sự thậm chí còn hoạt động thay cho cả Hải quân Trung Quốc. Số lượng tàu thuyền dân sự Trung Quốc hoạt động trong vùng tranh chấp và thường gây sự với tàu thuyền nước ngoài đang gia tăng nhanh trong những năm gần đây”.
Cũng trên New York Times, Dennis J. Blasko - một cựu Tùy viên Quân sự Mỹ ở Bắc Kinh nói: “Trong một số trường hợp, việc sử dụng lực lượng dân sự có thể ít khiêu khích và có ít khả năng leo thang hơn sử dụng các lực lượng thi hành công vụ của quân đội Trung Quốc”.
Trong một diễn biến khác, hôm 11/6, tàu Trung Quốc lập hàng rào 3 lớp ngăn cản tàu Việt Nam. Trong đó, có 6 - 8 tàu Hải cảnh xen kẽ các tàu kéo chủ động tổ chức vây ép, sẵn sàng đâm va ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ở khoảng cách từ 8 - 10 hải lý so với vị trí giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.
Cục Kiểm ngư Việt Nam thông tin, hôm 10/6, giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) có dấu hiệu di chuyển không ổn định theo hướng Đông - Đông Nam. Đây là lần thứ 3 phía Trung Quốc có biểu hiện dịch chuyển giàn khoan trái phép này.
Trước đó, hôm 9/6, Trung Quốc trắng trợn vu cáo Việt Nam tại Liên hợp quốc với những lý lẽ phi lý. Chỉ một ngày sau, hôm 10/6, ông John Ashe - Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 bày tỏ sự ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết. Vị này cũng đồng thời chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông.
Cũng trong ngày 10/6, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc – ông Lê Hoài Trung yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và tàu hộ tống khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tạp chí The Diplomat (chuyên bình luận các vấn đề chính trị - an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương) nhận định, việc Trung Quốc đưa tài liệu về vụ giàn khoan Hải Dương 981 tới Liên hợp quốc để vu cáo Việt Nam cho thấy Bắc Kinh sợ đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế. Bởi nếu ra tòa án quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Úc và rất nhiều nước khác.
Nhật hỗ trợ trang bị radar hiện đại cho tàu Cảnh sát biển Việt Nam
Hôm 11/6, đài NHK đưa tin, ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cho biết, nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam về chi phí lắp đặt radar, radio và một số thiết bị hiện đại khác cho các tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Nhật Bản cũng nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
>> Xem thêm clip: Giàn khoan trái phép Trung Quốc hạ thấp hơn trước
VTV tối 11/6: Giàn khoan Trung Quốc hạ thấp hơn trước
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA