Chuyện về vị thượng tá CSGT 40 năm không đón Tết cùng gia đình

Nguyễn Huệ - Thế Long |

Sau 40 năm không đón Tết cùng gia đình, khi về hưu, Thượng tá Lê Đức Đoàn lần đầu được làm những công việc chuẩn bị cho Tết nên không khỏi có chút bỡ ngỡ.

Thượng tá Đoàn bỡ ngỡ đi sắm tết

40 năm công tác trong ngành là 40 năm thượng tá Lê Đức Đoàn (nguyên cán bộ Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) đón tết cổ truyền của dân tộc trên những cung đường của thủ đô: cầu Chương Dương, phố Tràng Thi hay Nhà hát lớn…

Nhìn dòng người ra đường du xuân, ngắm pháo hoa đêm Giao thừa, thượng tá Đoàn cười:

“Gần như năm nào tôi cũng được ngắm pháo hoa trong giờ phút chuyển giao năm cũ và năm mới. Nhưng là xem bắn pháo hoa trong tâm thế của 1 người đi làm nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên của người dân trước thềm năm mới.

Những năm đầu của thập kỉ 80, tôi đã có 5 năm liền đón tết xa xứ khi còn là du học sinh ở Liên xô (cũ). Cảm giác tết không được ở bên người thân dường như đã rất quen rồi.

Năm nay tôi sẽ đón tết ở thủ đô và cũng sẽ hòa vào dòng người đi xem bắn pháo hoa trong tâm thế 1 người dân bình thường: an nhàn, thảnh thơi” – thượng tá Đoàn chia sẻ.

Nụ cười của thượng tá Đoàn khi giao lưu cùng phóng viên.
Nụ cười của thượng tá Đoàn khi giao lưu cùng phóng viên.

Nhưng cũng chính 40 năm không đón tết cùng gia đình, điều ấy khiến ông có chút “bỡ ngỡ”.

“Bỡ ngỡ” bởi gần 40 năm rồi có lẽ đây là cái tết đầu tiên ông được làm những gì liên quan tới tết.

“Bước vào cửa hàng thấy đa dạng hàng hóa quá. Nhiều khi phải gọi điện về nhà để hỏi mọi người đồ đạc mua sắm xem có đúng chủng loại không dù trước đó đã được dặn dò rất kĩ.

Nhưng cảm giác thấy vui vì đây dù sao cũng là cái tết đầu tiên mình được làm những gì mình sắp xếp”.

Tâm sự với chúng tôi về những tâm tư ngày giáp tết, nói là vui đấy nhưng trong ánh mắt thượng tá Đoàn vẫn ánh lên nỗi buồn của 1 “người lính già” vừa rời vị trí để trở về an dưỡng tuổi già.

Hoài niệm của "người lính già"

Nói rồi, ông lại để suy nghĩ của mình thả trôi về những đêm 30 tết khi thượng tá Lê Đức Đoàn cùng đồng đội trực tết.

“Những đêm ấy trời lạnh, đường sá “vắng tanh như chùa bà Đanh”. Nhưng trong cái lạnh, cái vắng ấy tôi vẫn bắt gặp hình ảnh của những người vô gia cư.

Lúc ấy tôi thấy họ nhỏ bé và đơn côi đến kì lạ. Tôi mừng tuổi cho họ vừa lấy may cho mình vừa để mang lại niềm vui cho những số phận ấy.

Rồi cả những người lỡ tầu xe, tay xách nách mang, khi đó tôi trở thành “xe ôm” để đưa họ ra bến xe hay ga tầu Gia Lâm.

Biết rằng làm như thế là không đúng quy định nhưng đoạn đường từ chốt trực trên cầu Chương Dương ra bến xe không quá dài, tôi cũng coi như vừa đi tuần tra vừa giúp đỡ người khác.

Năm nay, tôi cũng sẽ bắt gặp những hình ảnh ấy. Và dù đã nghỉ hưu nhưng những gì tôi làm năm xưa chắc chắn sẽ được lặp lại trong năm mới này” – thượng tá Đoàn mỉm cười.

Đại tá Đào Vịnh Thắng thăm và chúc tết thượng tá Lê Đức Đoàn.
Đại tá Đào Vịnh Thắng thăm và chúc tết thượng tá Lê Đức Đoàn.

Dù đã nghỉ hưu được gần 5 tháng nhưng chưa 1 lần thượng tá Đoàn quay trở lại chốt trực trên cầu Chương Dương. Với ông, tất cả là hoài niệm và ông muốn giữ hoài niệm ấy là của riêng mình.

Cũng giống như những bộ cảnh phục, quân hàm từ cấp trung úy cho tới thượng tá, huân huy chương… tất cả đều được ông cất giữ cẩn thận trong tủ và chưa 1 lần mang chúng ra để ngắm nghía.

Thậm chí có những lần mở tủ lấy áo vest, ông cũng chỉ “lướt qua” những bộ cảnh phục được treo gọn ghẽ trên mắc áo. Ông sợ dừng lâu ở đó, ông sẽ… nhớ những ngày đi trực chốt, nhớ đồng đội, nhớ những ngày đội nắng mưa phân luồng giao thông…

Trong câu chuyện hàn huyên với chúng tôi trước thềm năm mới, “người lính già” ấy nhắc lại câu chuyện được tặng đồng hồ đeo tay sau khi ông nghỉ hưu được thời gian ngắn.

“Tôi rất ngại khi nhận món quà ấy. Bây giờ, có ai tặng tôi cây đào tiền triệu hay chỉ vài ba trăm đồng, tôi cũng không nhận. Dù tôi biết, họ quý mình thì mới tặng mình những món quà như thế.

Tôi luôn muốn được tự tay mình sắm đồ tết để bày biện trong nhà dù là những thứ nhỏ nhất. Tôi là người yêu cái đẹp. Vật chất với con người là quan trọng nhưng tình người là hơn” – thượng tá Đoàn nói.

Và “người lính già” ấy không đè nặng việc “biếu quà” dịp tết vì với ông đó cũng là nét văn hóa của người Việt.

“Đó không phải là việc làm xấu. Ngày trước, ở các vùng quê, học trò vẫn mang bánh chưng, cặp giò, cân gạo… sang biếu thầy dịp tết. Quan trọng là cách biếu. Đừng nên lạm dụng việc đó để làm những việc không hay.

Đó là văn hóa ứng xử. Quan trọng là nội dung ứng xử như thế nào” – thượng tá Đoàn nhấn mạnh.

Ngồi với chúng tôi ít phút, chốc chốc thượng tá Đoàn lại nhìn đồng hồ. Anh cười trước khi chúng tôi kịp đưa ra lời thắc mắc:

“Lát tôi lại phải đưa bà xã đi sắm tết…”.

Trước khi chia tay chúng tôi để “lên đường làm nhiệm vụ”, thượng tá Đoàn nói vui:

“Có lần đi xe taxi, anh tài xế vui tính đã nhận ra tôi. Anh ấy hỏi thăm. Lời hỏi thăm ấy khiến tôi có cảm giác đầm ấm vô cùng.

Tôi thầm cảm ơn tập thể cán bộ, chiến sĩ, những người đi trước đã dắt tay, dìu dắt để tôi có ngày hôm nay mặc dù tôi không phải là lãnh đạo”.

Những ngày giáp tết, thượng tá Lê Đức Đoàn vinh dự được đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an TP. Hà Nội tới tặng quà và chúc tết:

“Đó là niềm vui bất ngờ dành cho người lính già như tôi” – thượng tá Đoàn cười.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại