Chuyện của Thượng tá Lê Đức Đoàn: Cứu hơn 30 người, 1 người quay lại… cảm ơn

Phùng Bình |

Cho đến lúc về hưu, sau 20 năm đứng chốt ở phía Nam cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã cứu hơn 30 trường hợp có ý định nhảy cầu tự tử. Trong đó, có 1 trường hợp quay lại cảm ơn ông và nhận ông làm bố nuôi.

20 năm đứng chốt, cứu hơn 30 người tự tử

Hà Nội, một ngày mùa đông tháng 12/2012 lạnh buốt. Giờ tan tầm, dòng người đi làm về nườm nượp qua cầu Chương Dương. Thượng tá Lê Đức Đoàn cùng các đồng nghiệp đang vất vả điều tiết giao thông thì bất ngờ có tiếng ồn ào, hoảng hốt của rất nhiều người từ nhịp cầu số 9 vọng lại.

Theo thói quen và linh tính có chuyện chẳng lành, ông vội ra hiệu một chiếc xe buýt dừng lại, rồi nhảy lên ngay cánh cửa đầu tiên. Từ xa, ông thấy một người phụ nữ đang định nhảy xuống sông tự tử. Nhiều người sợ hãi hình dung một câu chuyện tồi tệ sẽ xảy ra thì bất ngờ một bàn tay với đến, nắm chặt cô gái có ý định tự tử. Đó là Thượng tá Lê Đức Đoàn.

Bị ngăn cản bất ngờ, phía dưới cô gái vùng vẫy, gào thét đòi quyên sinh, còn phía trên mạn cầu, Thượng tá Lê Đức Đoàn vừa nắm chặt tay, vừa dùng lời nói nhẹ nhàng: “Cháu bình tĩnh, có chú ở đây rồi, không sợ ai nữa. Nghe lời nào, lên đây cùng với chú”.

Khi ở vị trí an toàn, dường như vừa tỉnh giấc mộng, cô gái ôm lấy người cảnh sát giao thông (CSGT) khóc nức nở. Dòng người dãn dần đi, ông cùng cô gái về chốt CSGT ở phía Nam cầu Chương Dương. Cầm trên tay cốc nước, cô gái vẫn không ngừng khóc và nghẹn ngào kể lại nỗi đau khiến cô muốn tìm đến cái chết là để giải thoát sự ô nhục mà mình phải trải qua. “Theo như lời kể của cô gái thì cô gái đó quê ở tận Bắc Giang và nguyên nhân tìm đến cái chết là do bị kẻ khác xâm hại tình dục, rồi người yêu bỏ, khiến cô chán nản. Thực hư câu chuyện tôi cũng không muốn tìm hiểu kỹ, bởi lúc đó chỉ biết cách động viên cho cô gái lấy lại bình tĩnh thôi. Tôi bảo, nếu có chuyện gì, cháu có thể viết đơn tố cáo những kẻ phạm tội ra trước pháp luật. Còn về phần mình, còn bố, còn mẹ, còn anh chị em nữa, đừng tìm đến cái chết mà gieo nỗi đau cho người trong gia đình. Nghe lời, cô gái nhờ tôi gọi điện cho người bạn đón về”, ông Đoàn cho biết.

Đó là một trong hàng chục câu chuyện mà Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên chiến sĩ CSGT Đội 1, Phòng CSGT TP Hà Nội kể lại về cái “duyên” cứu người của mình trong 20 năm đứng ở chốt phía Nam cầu Chương Dương này.

Ông bảo, mỗi trường hợp tìm đến đây để quyên sinh đều có nhiều nguyên nhân. Có nhiều trường hợp tìm đến cái chết vì ghen tuông, mâu thuẫn gia đình, bị trầm cảm… Một trường hợp vì nợ nần tìm đến cầu quyên sinh mà ông vẫn nhớ mãi là sẩm tối ngày 16/10/2011. Lúc đó, tại trụ số 7 xuất hiện một thanh niên khoảng 25-26 tuổi trèo qua lan can cầu, định trẫm mình xuống dòng sông Hồng chảy xiết. Khi Thượng tá Đoàn vừa có mặt thì người thanh niên trên quyết định buông tay khỏi lan can cầu.

Trong tình huống khẩn cấp, Thượng tá Đoàn nhanh trí gọi một chiếc thuyền đang cắm sào cách cầu Chương Dương chừng 100m giúp đỡ. Nhờ những người dân chài, nam thanh niên đã được cứu vớt. “Khi hỏi ra thì mới biết là do nợ nần. Còn người làm nghề sông nước, nói thật, họ kiêng chuyện cứu người lắm, cho nên sau đó tôi phải mua cái lễ cho họ thắp hương”, giọng ông Đoàn nghèn nghẹn.

Cứu thoát miệng lưỡi tử thần hàng chục trường hợp, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn luôn trăn trở câu hỏi: Vì sao họ tìm đến cái chết dễ dàng như vậy… Bởi đến nay, sau 20 năm đứng làm nhiệm vụ ở chốt phía Nam cầu Chương Dương này, ông đã hơn 30 lần giải cứu các trường hợp tìm đến để quyên sinh.

Được người tự tử nhận làm… bố nuôi

Nói về những trường hợp mà mình đã cứu thoát  khỏi miệng “tử thần”, đến giờ ông vẫn nhớ một cô gái quê Nam Định, lấy chồng ở Hà Nội.

Hôm đó khoảng 17h, ngày 5/3/2011. Như thường lệ, giờ tan tầm dòng xe từ trung tâm đổ về rất đông. Ở nhịp cầu số 6, hàng trăm người qua đường đang cố gắng khuyên giải một cô gái có ý định tự tử. Không chút do dự, ông đã trèo lên lan can nơi cô gái đang đứng, vừa trò chuyện, vừa an ủi tình cảm như một người cha, người chú. Khi đã ở vị trí tốt nhất, hy vọng đưa cô gái xuống an toàn thì bất ngờ cô gái buông tay… Nhanh như cắt ông nhào về trước và túm được tay cô gái, đồng thời giữ chặt để ngăn chặn cô gái có hành động dại dột. Với sự giúp đỡ của người đi đường, ông đã đưa cô gái về chốt an toàn.

Tại đây, cô gái kể vì buồn chuyện chồng con nên khi đi làm về, cạn nghĩ, cô đã trèo lên cầu muốn tự tử. Khi cô gái đã bình tĩnh hơn, Thượng tá Đoàn lấy số điện thoại của chồng cô gái, gọi điện bảo người chồng đến đưa vợ về. “Lúc cô gái này có ý định quyên sinh thì đã có một con và đang mang bầu. Sau đó, thỉnh thoảng vợ chồng vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Thậm chí họ còn nhận tôi làm bố nuôi. Còn người chồng thỉnh thoảng mang bình rượu qua biếu bố...”, ông Đoàn tâm sự.

Ngồi trò chuyện, ông không hề muốn nhắc đến những “chiến công” này. Bởi “ai cũng có những phút sai lầm nên mình không nên làm họ thêm tổn thương khi đọc được những thông tin trên mặt báo. Vì có nhiều trường hợp bây giờ có thể đã sống cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, có con rồi. Việc cứu người cũng là cái phúc và cái duyên của mình. Và đó không phải là những câu chuyện cần lưu tâm nên tôi không muốn ghi chép lại để làm gì”.

Nhấp ngụm nước chè xanh, ông xúc động tâm sự, từ ngày nhận được quyết định về hưu đến nay, nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của người thân, đồng nghiệp và nhiều người dân lắm. “Đến giờ tôi không hối tiếc điều gì và cũng không cảm thấy buồn, bởi việc nghỉ hưu mình đã biết trước. Có chăng là chút bâng khuâng. Bâng khuâng vì hàng ngày mình không còn đứng ở vị trí của 20 năm qua, được những câu chào bố, chào chú, chào thầy… của những người chưa từng quen biết. Nhưng thật sự được đón nhận tình cảm những ngày qua, tôi thật sự hạnh phúc và xúc động”, Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.

Nói về những ngày tháng nghỉ hưu, ông bảo chưa nghĩ đến việc gì to tát. “Trước mắt là giữ gìn sức khỏe, hàng ngày vui vẻ bên gia đình, con cháu. Thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, đồng đội và dạo phố phường thôi”, ông cười, một nụ cười hiền hậu đã đi vào trái tim bao người.

Thượng tá Lê Đức Đoàn, sinh năm 1959, quê ở Ý Yên, Nam Định. Ông đã có hơn 30 năm công tác trong ngành công an. Trong 20 năm đứng chốt ở phía Nam cầu Chương Dương, ông đã giải cứu hơn 30 trường hợp định nhảy cầu tự tử.

Ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012, Bằng khen của Thủ tướng năm 2013 và Chủ tịch nước trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba năm 2014. Ngày 31/10 vừa qua, ông nhận quyết định nghỉ hưu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại