Chàng sinh viên không chân, không tay suýt bị chôn sống

“Thấy mình tật nguyền, em tủi thân lắm. Nhưng thương bố mẹ, em đã cố gắng tập đi bằng 2 đầu gối, rồi chống nạng bước đi", Nay DJRuêng chia sẻ.

“Con ma của núi rừng”

Nay DJRuêng (SN 1994, trú buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) sinh ra trong một gia đình nghèo người đồng bào thiểu số Gia Rai có 8 người con. Cha mẹ Nay DJRuêng vốn là du kích thời kháng chiến chống Mỹ, chẳng may nhiễm phải chất độc da cam. Do đó mà trong số 8 anh em của Nay DJRuêng thì có đến 3 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, thân thể bị biến dạng.

Trong số 3 anh em bị nhiễm chất độc quái ác ấy thì chị gái của Nay DJRuêng là bị nhẹ hơn cả, còn anh trai của Nay DJRuêng do thân hình dị dạng, tay chân không có nên đã bị chôn sống theo luật tục “Nar Tui Mih” của người Gia Rai khi vừa lọt lòng mẹ. Dù đau đớn khi nhìn thấy dân làng chôn sống con mình, nhưng cha mẹ Nay DJRuêng lúc đó không thể làm gì được để cứu anh trai của Nay DJRuêng.

 

 

 

  Với Nay DJRuêng, vừa sinh ra đã bị dị tật, lập tức bà con trong buôn bắt buộc cha mẹ em phải để dân làng chôn sống em nhằm tránh tai họa vì họ cho rằng Nay DJRuêng là “con ma của núi rừng, của buôn làng chứ không phải con người trong tộc Gia Rai”.

Trong giây phút Nay DJRuêng cận kề cái chết thì thật may mắn khi có một số người trong buôn biết chuyện vội đến can ngăn mọi người thực hiện việc chôn sống Nay DJRuêng. Cha mẹ Nay DJRuêng vội vàng mang con về nhà chăm sóc dù vẫn có không ít kẻ dèm pha bảo Nay DJRuêng là “con ma của núi rừng”.

 

 

 

“Lúc lớn lên tự thấy mình tật nguyền, em tủi thân lắm. Nhưng thương bố mẹ, em đã cố gắng tập đi bằng 2 đầu gối, rồi chống nạng bước đi. Thấy bạn bè đi học, em cũng xin đi học và được bố mẹ đồng ý. Rồi tự em tập viết chữ. Ban đầu cầm bút không quen cứ rớt hoài và đau lắm, cố lắm cũng chỉ viết được những nét chữ nghệch ngoạc, dần dà thành chữ tròn trịa như bây giờ”, Nay DJRuêng chia sẻ.

“Chiến binh Rùa”

Theo Nay DJRuêng thì thời gian học phổ thông, mọi việc đi lại của em phải nhờ đến bố mẹ hoặc các anh, vì em không thể tự đi lại được. Cách đây 7 năm, có một đơn vị tặng cho Nay DJRuêng một cặp chân giả. Vậy là từ ngày có cặp chân giả đến nay, việc đi lại của Nay DJRuêng đã cải thiện hơn rất nhiều.

Trong kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, Nay DJRuêng đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin – Đại học Đà Nẵng.

“Trước đây mọi người cho em là không bình thường, là “con ma của núi rừng”. Nhưng bằng nghị lực và sự quyết tâm em đã thi đỗ vào trường này để chứng minh cho mọi người thấy rằng dù bị khuyết tật nhưng em vẫn là một con người. Vậy là từ khi thông tin em trở thành một sinh viên, mọi người trong buôn đã không còn xa lánh và ghẻ lạnh với em cũng như gia đình em nữa”, Nay DJRuêng bộc bạch.

 

 

 

 

Thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của Nay DJRuêng nên lãnh đạo nhà trường đã bố trí chỗ ăn ở miễn phí cho em trong khu ký túc xá của trường. Không những vậy, để tạo điều kiện cho Nay DJRuêng đi lại dễ dàng, Ban quản lý ký túc xá còn bố trí cho em ở một phòng tầng 1 cùng với 2 người bạn. “Ngày ngày em đều giúp Nay DJRuêng mang chân giả để bạn tới trường. Ngoài ra, em còn giúp đỡ bạn trong việc sinh hoạt thường nhật như dọn phòng, tắm giặt. Em rất khâm phục Nay DJRuêng. Dù khuyết tật nhưng bạn ấy đã làm được những điều mà người bình thường chưa chắc làm được”, Nguyễn Trọng, bạn cùng phòng với Nay DJRuêng, chia sẻ.

Ước mơ lập một trang web dành riêng cho những người khuyết tật

Nói về ước mơ của mình, Nay DJRuêng cho biết từ khi còn học phổ thông em đã ấp ủ một ước mơ là sẽ thành lập một trang web dành riêng cho những người khuyết tật. Ở đó, Nay DJRuêng sẽ thành lập nên một quỹ dành cho người khuyết tật. Không những thế, trang web còn là nơi gặp gỡ, chia sẻ của những người khuyết tật. “Em có một ước mơ và em sẽ làm hết mình để thực hiện thành công ước mơ đó khi sức khỏe của em còn cho phép”, Nay DJRuêng khẳng định.

Khi được hỏi vì sao chọn ngành công nghệ thông tin chứ không phải một ngành nào khác để theo học, Nay DJRuêng chia sẻ: “Em bị tàn tật 2 chân nên việc đi lại rất khó khăn, đa phần em phải ngồi một chỗ. Em nhận thấy rằng khi học ngành công nghệ thông tin thì em sẽ biến hạn chế ít di chuyển của mình thành một lợi thế. Chỉ cần một máy tính có nối mạng internet, em có thể biết được chuyện của cả thế giới và kết nối cả thế giới với cuộc sống của mình”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại