Trong công tác cấp cứu, yếu tố nhanh luôn được coi trọng. Trong một cuộc trao đổi với báo chí hồi tháng 9/2013, BS Trần Văn Nam – GĐ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho hay: “Có khoảng 20-30% số cuộc gọi báo cấp cứu, sau khi gọi 115 đã dùng phương tiện khác để vận chuyển bệnh nhân đi cấp cứu”.
Xuất phát từ tình trạng người dân bức xúc do phải chờ xe cấp cứu nên thường dùng các phương tiện khác để vận chuyển người cần được cấp cứu, khi đó, ông Nam đã từng khuyến cáo: “Người dân nên chờ xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 để người bệnh được sơ cứu kịp thời. Bởi việc đưa người bệnh đi cấp cứu bằng các phương tiện khác dễ dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh”.
Ông Nam cũng từng chia sẻ: “Khó khăn của trung tâm hiện nay ở chỗ cả Hà Nội chỉ có 5 trạm cấp cứu nên khi nhận được điện báo của người dân, dù đã điều xe cấp cứu đi luôn nhưng do đường xa và ách tắc giao thông nên xe đến chậm. Chính lý do này đã khiến người dân bức xúc và nóng ruột dẫn đến việc dùng các phương tiện khác để đưa người bệnh đi cấp cứu”.
Tuy nhiên, có một điều đặc biệt khi chúng tôi tìm hiểu về công tác cấp cứu ở Trung tâm 115 Hà Nội đó là dường như yếu tố thời gian không được ưu tiên tuyệt đối tại Trung tâm này. Thay vì đặt phòng nghỉ của các lái xe và bác sỹ cấp cứu ở tầng 1 của Trung tâm thì những người này lại được bố trí ở tầng 2.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nam cho biết: “Tầng 1 không còn chỗ nữa. Các trạm (các trạm cấp cứu 115 vệ tinh ở Hà Nội) ở tầng 4 còn phải xuống nữa là”.
Về lý do tại sao không chuyển các phòng khám từ tầng 1 lên tầng 2 và bố trí phòng của các lái xe ở tầng 1 để rút ngắn thời gian đi cấp cứu khi nhận được điện báo thì ông Nam cho hay từ tầng 2 xuống nơi để xe ở tầng 1 thì gần chứ có gì đâu.
Hiện nay, khi đi qua Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội ở phố Phan Chu Trinh, mọi người đều có thể quan sát thấy đó là khu nhà 3 tầng nhưng ít ai biết rằng trung tâm này chỉ được cấp phép xây 2 tầng và 1 sân phơi.
Về việc “lạ” này, vị Giám đốc Trung tâm cho hay: “Đó không phải là xây. Nguyên tắc, Trung tâm có 2 tầng và 1 sân phơi. Việc này chúng tôi đã trình bày với Sở Y tế rồi. Tiền xây dựng khoảng 300 triệu đồng là được một công ty tài trợ để có điều kiện về phòng ốc. Công ty đó làm cho mình và có đầy đủ hợp đồng, hoá đơn. Chỉ có cái là không xin phép. Việc này cũng chỉ vì cơ quan thôi chứ không vì cái gì cả.
Ông Nam luôn khẳng định: “Đó là sân phơi nhưng sau đó có tiền thì mới ngăn ra để sử dụng. Đó là 2 tầng 1 sân phơi chứ không phải 3 tầng… Và không phải 2 tầng thành 3 tầng”.
Theo ông Nam, khi công trình xây dựng cải tạo thì đó là 2 tầng 1 sân phơi mái che. “Mình mới lợi dụng tiền được (một công ty) cho để ngăn các phòng ra để cho các phòng ban làm việc cho trung tâm, lấy tầng 1 để liên doanh, liên kết mở phòng khám.
Vì làm là sai phép nên Sở Y tế mới đề nghị là mình làm việc với Sở Xây dựng để giải quyết vụ việc này. Nếu không được thì phải phá chứ biết làm thế nào. Tôi đang tiến hành làm việc với Sở Xây dựng rồi”, ông Nam cho hay.
Và có một điều dễ hiểu là trong trường hợp nếu các phòng ở tầng thứ 3 bị dẹp bỏ theo quy định xây dựng thì đương nhiên khi đó các phòng ban làm việc của Trung tâm sẽ phải dồn lại trong một diện tích nhỏ hơn nếu muốn giữ nguyên số lượng, vị trí của các phòng khám như bây giờ.
Về vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội cho rằng Trung tâm chuyển sân có mái che tầng 3 thành phòng làm việc không phép, không báo cáo xin phép các cơ quan chức năng, trách nhiệm thuộc về Ban Giám đốc Trung tâm.
“Vì cuộc sống mà mình phải tạo dựng để nâng cao đời sống cán bộ, viên chức thôi. Bệnh nhân đến khám bây giờ vắng lắm rồi, không hiểu thế nào. Hiện tại chỉ có phòng khám răng hàm mặt, khám sản, tai mũi họng với 3 phòng khám nội và phòng khám đông y thu theo quy định”, BS Nam nói.