Bác sĩ chịu “áp lực kép”
Nhiều bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Cần Thơ ví khoa Hồi sức tích cực chống độc như "nơi đầu sóng ngọn gió của bệnh viện", bởi luôn tiếp nhận những ca cấp cứu nặng, nguy hiểm đến sự sống còn của người bệnh.
BS Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa chia sẻ: “Hầu hết bệnh nhi ở TP.Cần Thơ đều đổ dồn về đây để chữa trị, đó là chưa tính có khoảng 50% ca bệnh nặng từ các tỉnh thành lân cận tập trung về.
Do vậy, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, trong khi cơ sở mới vẫn chưa thể đưa vào sử dụng”.
Cách đây hơn 2 tuần, một bé gái Đ.T.B (7 tuổi, quê ở Q.Ô Môn, TP. Cần Thơ) bị sốt xuất huyết độ 4, mạch không bắt được, lạnh tím tái toàn thân, ói ra máu, lơ mơ.
Các BS, điều dưỡng phải nhanh chóng truyền máu, đặt ống nội khí quản, thở máy và trợ tim cho bé.
Ở ngoài, mẹ của B. cùng người nhà liên tục la hét, náo loạn…một mực yêu cầu BS phải nhanh chóng giúp... con mình tỉnh dậy.
Chưa dừng lại, gần 1 giờ sau khi bé B. vào phòng cấp cứu, mẹ đứa trẻ cứ nghĩ con mình sẽ chết nên khóc lóc thảm thiết rồi…liên tục đâm đầu vào tường.
"Chúng tôi ở trong phòng nhìn ra thấy người nhà và họ cũng thấy bác sỹ và con mình nên áp lực rất lớn.
Tôi ra động viên mẹ bé B. và gia đình: "Còn nuớc, còn tát. Các BS sẽ cố gắng hết mình để cứu chữa cho cháu, mong chị đừng làm ồn ảnh hưởng đến bệnh nhi xung quanh..." - BS kể.
Hơn 6 giờ đồng hồ sau, bé B. đã có mạch, huyết áp và dần tỉnh lại. Những ngày sau, bé gái này tiến triển tốt và sau 10 ngày sức khỏe đã trở lại bình thường.
"Lúc này mẹ bé B. đi vào phòng cúi lạy cảm ơn bác sĩ. Tôi đỡ chị ấy đứng lên và giải thích rằng đây là trách nhiệm của BS chúng tôi, không có gì phải làm thế cả. Chúng tôi cứu được cháu là vui lắm rồi…" - BS Tuấn nhớ lại.
BS Tuấn kể tiếp, mới đây, bệnh nhân N.G.T.H. (quê Vĩnh Long) bị chân tay miệng độ 3, không tự thở được, suy hô hấp, bị nhiệt miệng, tím môi...
Khi BS thông báo tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, người nhà nằng nặc đòi chuyển viện lên TP.HCM để cứu con.
Các BS ở viện đặt mình trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu chuyển viện có thể cháu bé sẽ chết dọc đường, ở lại thì tỷ lệ sống chết là 50/50.
"Đồng ý chuyển viện thì rảnh trách nhiệm, nhưng mình biết trước chuyển đi là cháu bé tử vong 90% trên đường. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, mẹ đứa trẻ xin đi bằng được, trong lúc chồng thì bảo ở lại.
Chúng tôi rơi vào tình thế khó khăn…" - vị trưởng khoa kể lại.
Cũng theo BS Tuấn, may mắn phương án giữ cháu bé ở lại là lựa chọn đúng. Ba ngày sau bé H. bắt đầu có huyết áp và ngày tiếp theo bé tự thở được.
Âm thầm những cánh thư
Nữ điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Phương Anh chia sẻ, có nhiều phụ huynh đưa con đến phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Họ không thể giữ bình tĩnh, trạng thái tâm lý hoảng loạn, gây áp lực bằng mọi giá các BS phải cứu con mình.
"Người nhà chặn ở ngay 2 đầu lối ra vào phòng trong trạng thái hoảng loạn. Nhìn thấy vậy là giận lắm chứ…Nhưng chúng tôi tự dặn lòng mình: những đứa trẻ vô tội phải được sống…
Được vậy phải xem các bé như là con đẻ, là cháu của mình từ đó hết lòng, hết sức cứu chữa" - điều dưỡng Phương Anh tâm sự.
Tuy nhiên, có những lá thư mà tập thể y bác sĩ nơi đây nhận được lại làm họ ấm lòng: "...
Tôi có đứa con vào khám, nhập viện để điều trị. Sau khi xét nghiệm máu và cháu có triệu chứng co giật từ độ II chuyển sang độ III, cháu T. trong tình trạng hết sức nguy hiểm đến tính mạng.
Tôi và gia đình hết sức lo lắng, đau lòng. Sau 36 giờ trong phòng hồi sức, được sự chăm sóc nhiệt tình của các y, bác sỹ tại khoa, cháu T. đã bình phục trở lại và ra viện ngày 30/3/2015....
Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn từ tận đáy lòng mình".
Đọc lá thư trên bàn, chị Phương Anh cười nói: “Nhiều lúc, tôi tự đặt câu hỏi mình có chọn nhầm nghề không?
Thế nhưng nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc từ người nhà bệnh nhân gửi cảm ơn bác sỹ, điều dưỡng ở khoa đã tận tâm cứu sống con mình; những tình cảm rất thật đó…thì suy nghĩ trong tôi không còn".