Cấm taxi để thi công đường sắt Nhổn - ga HN: Quá nhiều phiền toái

Hoàng Đan - Hải Sơn |

Việc cấm taxi trên các tuyến đường thi công đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang gây ra nhiều phiền toái, bất cập với các tài xế và chính người dân...

Để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã áp dụng lệnh cấm xe taxi hoạt động trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu đoạn cầu vượt Mai Dịch đến nghĩa trang Mai Dịch từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tối; đoạn Cầu Diễn từ 7 giờ - 8 giờ 30 và trên tuyến Cầu Giấy - Xuân Thủy đoạn từ ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng đến ngã ba Cầu Giấy - Chùa Hà bị cấm 24/24h.

Việc cấm là để phục vụ cho công trình trọng điểm của thành phố trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhưng lại đang gây ra không ít phiền toái, "dở khóc, dở cười" cho người dân.

"Ngày bình thường thì còn đỡ chứ ngày mưa, ngày nắng quá mà gọi taxi thì đúng là quá khó vì lái xe bảo đường Hồ Tùng Mậu đoạn cơ quan tôi bị cấm, họ không thể đón đúng chỗ được. Muốn đi xe thì phải  đi bộ ra một quãng khá xa nhưng nắng, mưa thì ai cũng ngại đi cả. Không hiểu tình hình này còn lâu không chứ cứ thế này thì đúng là nhiều phiền toái lắm", chị Hồng Ngọc, nhân viên một công ty nằm trên đường Hồ Tùng Mậu cho hay.

Còn theo chị Phương Nhi (trú tại Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), không chỉ tốn thời gian hơn do dọc đường từ nhà chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội qua Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy bị cấm nhiều đoạn, phải đi sang đường khác khiến quãng đường dài hơn và chi phí cũng tốn hơn.

Biển cấm tại đoạn đầu ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng.

Biển cấm tại đoạn đầu ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng.

"Trước đây, nếu đi từ nhà tôi lên đến Viện Nhi chỉ mất khoảng 80.000 đồng/ lượt tiền taxi và gọi rất dễ thì nay gọi vừa khó mà do nhiều đoạn trên tuyến Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy nên xe phải di chuyển sang đường khác. Điều đó khiến quãng đường đi xa hơn, lắt léo và chưa kể chi phí đội lên gấp đôi, khoảng 150.000 đồng/ lượt. Tính cả lượt về nữa thì mất đến 300.000 đồng.

Tôi lại đang mang thai nên việc đi xe buýt hay đi xe ôm đều không an toàn nhưng nếu đi taxi như thế này thì đúng là thời gian và chi phí cũng tốn kém quá. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp nào đó chứ thế này đúng là phiền toái, bất cập quá...", chị Nhi than thở.

Hiểu rõ sự bất cập này hơn cả của việc cấm từng đoạn đường để thi công đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chính là các lái xe taxi.

"Thực tế, từ khi cấm đến giờ, tôi đã phải bỏ lỡ rất nhiều khách dọc đường vì điểm đến của khách phải đi qua các nút giao thông cấm. Nhiều khi có chở khách đến gần đến điểm cấm thì dù nắng quá hay mưa cũng phải xin lỗi mong khách thông cảm và xuống đi bộ vào đúng chỗ xuống. Nhiều khách họ cũng phàn nàn nhưng đây là lệnh cấm chung nên chúng tôi cũng không thể nào làm gì hơn", anh Hải, lái xe taxi của hãng Mỹ Đình chia sẻ.

Còn anh Mai (lái xe một hãng taxi khác ở Hà Nội) cũng bày tỏ, việc phải chạy lòng vòng tránh điểm cấm khiến khách phải chịu thêm chi phí cũng là việc bất đắc dĩ đối với cánh lái xe taxi.

"Đi lòng vòng, tiền nhiều hơn là hành khách họ không thích rồi. Nhiều hôm tôi đón khách ở ngay chân cầu Mai Dịch và khách muốn đi lên chỗ chợ Cầu Giấy. Trước đây thì cứ thẳng một mạch dọc đường Xuân Thủy, Cầu Giấy là xong nhưng giờ thì lại phải đi Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - Duy Tân - Trần Thái Tông - Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh - Nguyễn Khánh Toàn - đê Bưởi rồi vòng sang.

Đường xa hơn, lòng vòng và chi phí cũng theo quãng đường đó mà đội lên cao hơn. Nhiều khách họ đã bỏ đi taxi mà chọn đi xe ôm cho tiện hơn", anh Mai nói.

Các phương tiện lưu thông tại đoạn đường đang thi công tuyến đường sắt trên đường Xuân Thủy.
Các phương tiện lưu thông tại đoạn đường đang thi công tuyến đường sắt trên đường Xuân Thủy.

Trước những thông tin này, trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Đào Việt Long, đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (CATP Hà Nội) bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những ý kiến của người dân đưa ra. Tuy nhiên, ông Long cũng đề nghị, người dân thông cảm với những khó khăn trong việc phát triển hạ tầng giao thông của thành phố.

"Chúng tôi rất hiểu những ý kiến của người dân đưa ra. Tuy nhiên, đây là công trình trọng điểm, phát triển giao thông của thành phố nên chúng tôi mong người dân thông cảm, chia sẻ.

Chúng tôi cũng đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của thành phố xây dựng phương án phân luồng tối ưu nhất cho các phương tiện của người dân, đơn vị, tổ chức có thể lưu linh hoạt trên các tuyến Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy.

Còn với việc cấm xe taxi thì thực tế, trên dọc tuyến Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy, lượng người, phương tiện tham gia quá đông trong khi rào chắn thi công như vậy nên việc hạn chế xe taxi cũng góp phần giảm thiểu tình trạng ảnh hưởng tới lưu thông của người dân...", Thượng úy Long nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí về việc cấm đường này, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nói: "Chúng tôi mong người dân đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội".

Đồng thời, ông Tân cũng khẳng định, lãnh đạo Sở cho biết sẽ kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm quy định, kéo dài thời gian thi công, không để lún sụt nền đường ảnh hưởng giao thông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại