“Năm nay mất mùa, chỉ được vài tạ thóc. Vừa gặt xong, tôi vội vàng gọi người bán một ít gom góp số tiền tiết kiệm từ trước được 2 triệu đồng để đưa con lên Hà Nội thi hai khối A, B” – ông Chu Mạnh Hải (Yên Mỹ, Hưng Yên) kể về “hành trang” của hai bố con lên Hà Nội thi đại học.
Khoản nợ…100 triệu đồng
Do điều kiện khó khăn, ra Hà Nội có nhiều bỡ ngỡ, hai bố con ông Hải mừng rơi nước mắt khi được các bạn sinh viên tình nguyện đón tại bến xe Giáp Bát về chùa Bằng ăn cơm chay, ở miễn phí trong những ngày thi này.
Ông Hải đưa con trai là thí sinh Chu Văn Anh (sinh năm 1996) dự thi khối A vào khoa Công nghệ Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (đợt 1) và khối B vào Học viện Y học Cổ truyền Trung ương (đợt 2).
Ông tâm sự, gia đình có 4 miệng ăn gia đình ông chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng cấy lúa. Do ông bị khuyết tật bẩm sinh, hai chân teo nhỏ dần và không thể làm được việc nặng hay đi lại bình thường nên gánh nặng gia đình dồn hết lên vai người vợ. Tuy nhiên, vợ ông - bà Trịnh Thị Út mắt cũng bị mờ dần do tai nạn lúc còn nhỏ. Vì vậy, cuộc sống gia đình ông càng khó khăn, éo le hơn.
Ông kể rằng, ngoài số tiền hơn 1 triệu đồng được nhà nước hỗ trợ chế độ con liệt sĩ, ông thường xuyên phải đi vay mượn để trang trải việc học cho hai con, lúc ốm đau,sửa nhà…Ông tính áng chừng, đến thời điểm hiện tại gia đình ông đang vay nợ khoảng 100 triệu đồng.
“Gia đình tôi không thuộc diện hộ nghèo mặc dù năm nào tôi cũng xin. Chân tay yếu, tôi không lao động được, đi lại phải chống tay vào đầu gối nên việc đồng áng vợ tôi và cháu An lo hết”, ông Hải trải lòng.
Ông xót xa kể rằng, năm nay mất mùa nên chỉ thu được 5-7 tạ lúa, bình thường mọi năm được hơn 1 tấn, để ra bán được một ít. Nhưng năm nay thì...Nói đến đây, ông khẽ thở dài.
Cuộc sống khó khăn, biết bố yếu, An ra đồng cấy hái từ khi còn nhỏ xíu. “Có những chiều đi học về, An vội vàng để sách vở chạy ra cấy cùng mẹ đến 8 – 9 giờ tối mới về ăn cơm. Hay có lần, An dậy ra đồng từ 2-3 giờ sáng để tát nước vào luống cho mẹ cháu nhổ mạ, sau đó mới về đi học. Cũng bởi nhà neo người, chị gái sinh năm 1990 đi làm thuê nên An làm tất cả mọi việc từ đồng áng, nấu nướng, giặt quần áo…mà không hề kêu ca, phàn nàn gì.” – ông Hải kể lại.
Nhớ lại thời gian khó khăn nhất là lúc hai đứa con của ông Hải ốm phải cấp cứu, nằm điều trị trong viện dưới Hà Nội. Khi Văn An học lớp 1 em bị sốt cao, co giật, gia đình hốt hoảng đưa cậu đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Thụy điển (nay là Nhi Trung ương) và nằm điều trị 1 tháng trời. Rồi năm con gái lớn học lớp 12 không may bị đái tháo đường phải điều trị tại viện 10 ngày. Cuộc sống của gia đình càng thiếu thốn hơn!
Bằng mọi giá cho con học đại học
Khó khăn, vất vả là thế cộng với nỗi lo món nợ 100 triệu đồng luôn thường trực trong tâm trí của người bố tật nguyền Chu Mạnh Hải trong nhiều năm qua. Nhưng ông Hải luôn tâm niệm rằng mình ngày xưa không theo học, bám đất, bám ruộng cả đời nên ông quyết tâm tạo mọi điều kiện cho An thi đại học.
Ông thường động viên An rằng: “Bố mẹ yếu không làm được gì nhiều. Con thương bố, thương mẹ thì cố gắng học giỏi, đỡ đần gia đình. Con đừng bỏ cuộc, cố gắng hết sức mình!”.
“Thực sự tôi chẳng mong gì hơn là cháu nó vào được đại học kiếm cái bằng ra trường. Hai vợ chồng luôn tôn trọng ý kiến của con và tự nhủ bằng mọi giá nuôi con đỗ đại học”- ông thật thà trao đổi.
Do ảnh hưởng từ người bố nên cậu con trai Văn An cũng có sức khỏe yếu. Ngoại hình nhỏ bé, chỉ khoảng 40 kg, An được mọi người nhận xét “hiền lành hơn con gái” và rất ít nói. An luôn giành kết quả học sinh giỏi suốt 12 năm học.
Hôm nay (4/7), An bước vào môn thi đầu tiên của đợt 1 kỳ thi đại học – cao đẳng. “Tôi hy vọng lắm cô ạ nhưng học tài thi phận, tôi cũng chỉ động viên cháu thôi. Nghĩ bụng, nó vào thi lo lắng, căng thẳng bao nhiêu thì tôi hồi hộp bấy nhiêu”, người bố tật nguyền bày tỏ suy nghĩ.
Xem thêm clip mang sáo núi xuống Hà Nội làm lộ phí cho con. Nguồn Vietnam+:
Đưa con đi thi, mang cả chim rừng xuống Thủ đô làm “lộ phí"
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA