Nữ sinh người dân tộc bẻ vải từ 5 giờ sáng lấy tiền đi thi ĐH

Đình Phong |

(Soha.vn) - Trước ngày xuống Hà Nội dự thi ĐH Công nghiệp, Mễ Thị Thức – người dân tộc Cao Lan vẫn dậy từ 5 giờ sáng để bẻ vải giúp gia đình đem bán lấy tiền đi thi đại học.

Em Mễ Thị Thức (sinh năm 1996), người dân tộc Cao Lan ở bản Khe Táu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là một trong những trường hợp thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được CLB đồng hương sinh viên Bắc Giang hỗ trợ đưa xuống Hà Nội để thi đại học.

Hôm qua (2/7), em đã có mặt tại chùa Đình Quán (thôn Ngọa Long, Từ Liêm, Hà Nội) để ổn định chỗ ăn ở miễn phí và chuẩn bị tinh thần tốt cho kỳ thi đại học vào ngày mai.

Trò chuyện với chúng tôi, Mễ Thị Thức khá rút rè tâm sự rằng em xuống đây thi một mình, bố mẹ do bận việc thu hoạch vải, cấy lúa nên không thể đưa em xuống Hà Nội.

Với quyết tâm thi Đại học Công nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh, Thức nói: “Nếu không có anh chị tình nguyện hỗ trợ xe đưa xuống đây thì em cũng sẽ tự bắt xe khách xuống Hà Nội thi một mình mặc dù nhà em cách Hà Nội hơn 200 cây số”.

Mễ Thị Thức - dân tộc Cao Lan (trái) và cô bạn cùng lớp Vi Thị Kim Vui (dân tộc Nùng) xuống Hà Nội thi đại học.
Mễ Thị Thức - dân tộc Cao Lan (trái) và cô bạn cùng lớp Vi Thị Kim Vui (dân tộc Nùng) xuống Hà Nội thi đại học.

Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, cả nhà không có ai học đại học nên Thức thuyết phục bằng được bố mẹ cho đăng ký thi.

“Bố mẹ nói rằng ở nhà lấy chồng hay giúp bố mẹ trồng vải. Ở lớp em cũng có 4-5 bạn nghỉ học giữa chừng để lấy chồng, nhưng em muốn học đại học để sau này có cái nghề ổn định kiếm tiền giúp bố mẹ bớt khổ”.

Mễ Thị Thức kể rằng, trước ngày xuống Hà Nội dự thi đại học, em vẫn phải đi thu hoạch vải từ sáng sớm đến tối mịt giúp bố mẹ để bán lấy tiền đưa em trang trải chi phí, ăn ở trong mấy ngày thi dưới thành phố Hà Nội.

“Sáng em bẻ vải từ 5 giờ đến 10 giờ sáng, chiều từ 2 giờ đến 7 giờ tối. Sau khi về nhà, người mệt nên chẳng học ôn được nhiều”, Thức thật thà nói.

Em còn tâm sự rằng, năm nay lại mất mùa, bán chẳng được bao nhiều. Cả mùa nhà thu hoạch hơn 1 tấn vải nhưng đầu mùa chỉ có 2 nghìn đồng/1kg; đến cuối mùa chỉ bán được 5 – 6 nghìn đồng/kg. Có người mang vải ra chợ phải mang về vì rẻ quá không bán được hay có người cả buổi chợ bán chỉ được 40 nghìn đồng.

“Vất vả lắm chị ơi! Vì vậy nên em sẽ quyết tâm thi đại học để muốn có cái nghề thoát nghèo, đỡ đần bố mẹ. Sắp thi rồi, em hơi run nhưng sẽ cố gắng hết sức mình”, Thức chia sẻ.

Cũng giống như cô bạn cùng lớp người Cao Lan, Vi Thị Kim Vui (người dân tộc Nùng) đăng ký thi dự thi khối A khoa Công nghệ kỹ thuật điện tử- truyền thông, ĐH Công nghiệp Hà Nội trong kỳ thi đại học năm nay.

Vui cho biết ở bản làng mình chưa có ai học đại học hay cao đẳng, đa phần học xong trung học phổ thông đi làm công nhân. Bản thân Vui cũng ước muốn đỗ đại học, nếu không em sẽ cố gắng theo học một trường cao đẳng nào đó liên quan đến ngành y.

“Em không đăng ký nhiều hồ sơ vào các khối khác hay hệ cao đẳng vì sợ tốn tiền của gia đình. Bố mẹ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập ngoài việc thu hoạch vườn vải nên cuộc sống gia đình cũng khó khăn. Hy vọng là em sẽ đỗ đại học để không phụ niềm mong mỏi của bố mẹ”, Kim Vui bộc bạch.

Trước đó vài ngày, Vui chỉ có thời gian chút ít buổi tối để ôn thi. Vui lý giải rằng, đang mùa vải, em phải dậy sớm để bẻ (thu hoạch- PV) vải phụ giúp gia đình. Bình thường Vui phải dậy từ 2 giờ sáng bẻ cho bố mẹ kịp mang ra chợ bán sớm. Nhưng do được ưu tiên ôn thi vất vả nên 5 giờ sáng Vui mới ra. Tính trung bình mỗi sáng trong khoảng 3 tiếng, Vui bẻ được hơn 30 kg vải.

Hai em đều thể hiện tâm trạng khá lo lắng, hồi hộp trước kỳ thi đại học sắp tới. “Chúng em sẽ cố gắng hết sức mình, đây coi như một lần thử sức bản thân”, hai nữ sinh quyết tâm.

Chương trình “Em tôi đi thi” là một trong chuỗi hoạt động hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Bắc Giang xuống Hà Nội thi đại học. Đây là hoạt động thường niên của CLB đồng hương sinh viên Bắc Giang trong suốt 3 năm qua.

Công việc chính bao gồm tìm nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ; tìm các tổ chức hỗ trợ cơm trưa trong kì thi, xây dựng phương án đón đưa sĩ tử và phụ huynh trước và trong kì thi đại học. Được biết, năm nay CLB hỗ trợ khoảng 500 thí sinh ở các địa điểm trong địa bàn TP Hà Nội.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại