Nam sinh mồ côi được láng giềng góp 500 nghìn đồng đi thi ĐH

Kim Ngân |

(Soha.vn) - Khi Dũng được 1 tuổi, mẹ cậu mất vì căn bệnh ung thư quái ác, bà ngoại phải đi xin sữa nuôi cậu…Đến ngày thi đại học lên Hà Nội cậu chỉ có 500 nghìn đồng trong túi.

Đó là trường hợp của em Nguyễn Việt Dũng (sinh năm 1996) dự thi vào khối A, khoa Tài nguyên nước, ĐH Thủy Lợi. Tâm sự với chúng tôi, Dũng cho biết một mình lên thành phố thi đại học với số tiền 500 nghìn đồng.

Gặp em trong ký túc xá của Trường ĐH Thủy Lợi trước ngày làm thủ tục thi đại học, tôi ấn tượng với em bởi dáng người cao gầy đen nhẻm và đôi mắt buồn sâu thẳm.

Nguyễn Việt Dũng đi thi đại học với 500 nghìn đồng.

Nguyễn Việt Dũng đi thi đại học với 500 nghìn đồng buồn rầu khi kể cho chúng tôi về cuộc đời của mình.

Mồ côi mẹ, tự lập cuộc sống

Việt Dũng sinh ra tại thôn Ngọc Lô, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Khi cậu 1 tuổi, năm 1997 mẹ cậu mất vì bệnh ung thư vú, Dũng được bà ngoại bế đi khắp làng xin sữa. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, Dũng lớn lên khỏe mạnh.

Đến giờ Dũng không thể nhớ nổi khuôn mặt mẹ như thế nào bởi mẹ mất từ khi cậu còn quá nhỏ. Nỗi nhớ da diết, mong muốn được gặp mẹ một lần, khao khát có một gia đình hạnh phúc đã đi vào trong những giấc mơ của Dũng không ít lần.

Chúng tôi nhắc đến bố của em, Dũng chỉ lắc đầu, lặng lẽ cúi xuống, nói giọng trùng buồn: “Mẹ là người vợ thứ 2 của bố, nhưng bố không chăm lo đến em vì vậy cho phép em xin được không nói được không ạ?”. 

Vào tháng 11 năm 2013, bà ngoại – người nuôi nấng Dũng suốt 18 năm qua qua đời vì tuổi già. Trải lòng với chúng tôi, Dũng rưng rưng xúc động: “Đến giờ em không nghĩ bà đã mất, cứ ngỡ bà vẫn còn sống, vẫn ở với em trong căn nhà nhỏ ấy. Bà là chỗ dựa tinh thần lớn nhất từ khi em còn nhỏ đến giờ.

Đôi lúc trong cuộc sống em cảm thấy buồn và bi quan cho số phận bản thân khi nhìn thấy bạn bè có được hạnh phúc, có đầy đủ cha mẹ, còn em thì không…”.

Rồi Dũng kể về tuổi thơ của mình có hai bà cháu sống khó khăn trong căn nhà mái ngói cấp 4 hai gian nền đất. Cái mái đã quá cũ kỹ, hai bà cháu phải căng bạt phủ bên dưới để ngăn dột khi trời mưa lớn. Dũng kể rằng có những đêm mưa hắt, dột góc nhà khiến em mất ngủ vì lo ướt thóc lúa, sách vở trong nhà.

Dũng nói rằng: “Đồ quý giá nhất trong nhà em là hai chiếc quạt và mấy bao thóc. Còn chiếc xe đạp cũ mà em đi học là do một người chú lắp cho”.

Mồ côi mẹ, ở với bà ngoại từ bé nhưng cuối năm ngoái bà mất, Dũng tự trang trải cuộc sống của mình.
Mồ côi mẹ, ở với bà ngoại từ bé nhưng cuối năm ngoái bà mất, Dũng tự trang trải cuộc sống của mình.

Dũng kể, ngày bà còn sống, hai bà cháu trông chờ vào 3 sào ruộng và mấy con gà cùng số tiền trợ cấp hộ nghèo hàng tháng là 180 nghìn đồng. Không đủ ăn, bà đi bắt con cáy, con cua ngoài đồng bán lấy tiền mua thức ăn.

Bữa cơm thường ngày của hai bà cháu chỉ có rau muống, đậu phụ. Lâu lâu ăn “sang”, hai bà cháu mua ít thịt hay con cá về kho ăn để bồi dưỡng thêm hoặc được các bác mang thức ăn qua cho.

Mồ côi mẹ, Dũng sống tự lập từ bé, từ khi học tiểu học em đã giúp bà việc nhà. Đến lớp 6, Dũng cùng bà ra đồng cấy, gặt. Cũng vào năm đó, Dũng học lớp 6 đi tắm sông bị cảm, bà lo lắng chạy vạy tiền đưa cậu đi lên bệnh viện huyện để cấp cứu và phải nằm viện 1 tuần để phục hồi.

Kể về kỷ niệm với bà, Dũng nhớ như in ngày bà cõng trên lưng đi mẫu giáo để gửi: “Khi bà 70 tuổi, bà vẫn còn khỏe lắm, bà cõng em đi học mẫu giáo. Người ta nói cẳng cháu còn dài hơn cẳng bà”.

Cuộc sống của em nghèo khó là thế, nhưng mang theo tình yêu, niềm hy vọng của người bà đã mất, Dũng luôn có niềm tin vào tương lai, ước mơ đỗ đại học.

Đi thi đại học với…500 nghìn đồng

Nhà không có tiền, Dũng chưa bao giờ mơ có quyển sách giáo khoa mới, cậu mua lại sách cũ với giá rẻ hoặc mượn của bạn bè. Biết được hoàn cảnh của Dũng, các thầy cô bộ môn miễn tiền học phí bồi dưỡng kiến thức cho cậu.

Đã có lần chứng kiến bà vất vả làm lụng, Dũng từng nghĩ đến việc nghỉ học giúp bà hoặc đi học nghề kiếm tiền nuôi hai bà cháu. Tuy nhiên, bà luôn động viên rằng: “Cháu cứ học đi, chuyện đâu rồi có đó”.

Chính những lời động viên đó đã khiến Dũng có thêm nhiều động lực cố gắng học tập và quyết tâm thi vào trường đại học mà mình mơ ước.

Giờ đây, mặc dù bà không còn nhưng lời dặn dò “áo rách luôn giữ lấy lề, con người dù nghèo đến mấy cũng không được nghĩ đến những cái của người ta” của bà Dũng đã in sâu trong đầu cậu. Chính vì thế, Dũng luôn tâm niệm, ước mơ được giúp đỡ những người khác khó khăn. Và trong 3 năm cấp 3, Dũng đã cõng và bế bạn khuyết tật chân tay vào lớp học một cách vô điều kiện.

“Em chỉ coi đây là công việc ý nghĩa, đơn giản là thể hiện tình yêu thương của con người với nhau mà thôi”, Dũng cho biết.

Vượt lên cuộc sống khó khăn, Dũng vẫn lạc  quan và quyết tâm thi đỗ đại học.
Vượt lên cuộc sống khó khăn, Dũng vẫn lạc quan và quyết tâm thi đỗ đại học.

Hiện nay Dũng vẫn sống trong căn nhà nhỏ cũ một mình, Dũng được cậu mợ gần đó nuôi ăn 3 bữa. Trước ngày lên Hà Nội thi đại học, Dũng được các bác, cô chú họ hàng, bà con làng xóm đến cho tiền tàu xe, ăn uống trên thành phố và động viên thi tốt.

Dũng nói rằng, “lộ phí” lên thi đại học của em là 500 nghìn đồng và cũng may mắn cậu được các anh chị trong đội tình nguyện giúp đỡ, được ở ký túc xá miễn phí tại trường.

"Tài sản của em là hơn 100 nghìn đồng, 1 con mèo và 2 con thỏ nuôi chị ạ", Dũng kể.

Chia sẻ về lý do thi ĐH Thủy Lợi ngành Tài nguyên nước, Dũng tâm sự: “Em mong muốn đất nước phát triển nền nông nghiệp hơn nữa, đặc biệt là nếu học ngành tài nguyên nước em có thể giúp người dân quê em trong việc tạo hệ thống kênh rạch, tưới tiêu đồng ruộng tốt hơn”.

Hơn 10 giờ đêm, căn phòng nhỏ trong ký túc xá vẫn sáng ánh đèn bàn, mặc dù đi cả chặng đường dài lên Hà Nội nhưng Dũng vẫn không rời được quyển vở ôn bài... để đạt được kết quả tốt nhất cho kỳ thi đại học.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại