Tôi không sợ gì cả
Bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, từ năm 2013, bà đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não. Thế nhưng, đến ngày 26/10, thông tin này mới được công bố.
Nói về mục đích, động cơ của việc đăng ký hiến tạng từ năm 2013, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, không phải vì bà làm Bộ trưởng, quản lý Nhà nước về ngành y tế.
"Nếu là người dân thì tôi cũng tự nguyện làm như thế và khi đã làm quản lý Nhà nước thì tôi càng phải đẩy nhanh vấn đề hiến tạng để tạo nguồn tạng ở Việt Nam", bà Tiến nói.
Trả lời câu hỏi về việc đăng ký hiến tạng từ cách đây 2 năm có phải là muốn làm hình ảnh không, Bộ trưởng Tiến khẳng định, không có chuyện đó.
"Lúc đó thì chưa có ai biết tôi ngấm ngầm hiến tạng và mong muốn đẩy nhanh việc này mà đến bây giờ, khi phát động thì mọi người mới biết.
Thực tế, trong danh sách đã có rất nhiều người dân đăng ký hiến tạng rồi, trong đó, có người hiến gan, thận, có nhà sư đang sống còn đăng ký hiến và việc đăng ký vào hiến xác... rất nhiều.
Cá nhân tôi không phải trường hợp đặc biệt", bà chia sẻ.
Cũng theo bà Tiến, khi biết bà đăng ký hiến tạng, gia đình bà không ai phản đối hay có ý kiến gì mà trái lại đều ủng hộ.
Trước câu hỏi về quan niệm dân gian cho rằng, khi người qua đời, nếu mất bộ phận nào sẽ không tốt, Bộ trưởng Tiến khẳng định: "Tôi không sợ gì cả và theo những thuyết tôn giáo, trong đó có Phật giáo thì đó là làm việc thiện".
Hiến tạng là có ích
Đồng thời, để hoạt động hiến tạng phát triển mạnh trong thời gian tới, Bộ trưởng Tiến cho hay, hiện đã có một Hội Vận động hiến tạng với rất nhiều các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các bộ ngành, các thầy thuốc, chức sắc tôn giáo tham gia.
"Điểm tiếp nhận đăng ký hiến tạng có ở cả 3 miền. Mỗi điểm đều có đường dây nóng để người dân dễ dàng liên hệ.
Hiến tạng sẽ thành một phong trào rộng khắp và văn hóa, bởi thực tế, lúc chết rồi thì đều chôn hoặc thiêu nên việc hiến này sẽ giúp con người tiếp tục sống", bà nhấn mạnh.
Đánh giá thực tế hiến tạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Tiến cũng bày tỏ, nếu đưa ra khuấy động phong trào thì sẽ thu được số lượng hiến tạng rất lớn.
"Chúng ta phải tuyên truyền rộng rãi để mọi người thấy hiến tạng là có ích và chết rồi thì là hết thì có gì mà không cho tạng", bà nêu quan điểm.
Về một số ý kiến lo ngại khi thực tế hiện nay, lượng hiến tạng có hạn, người dân phải xếp hàng chờ tạng và có thể dẫn đến những tiêu cực, Bộ trưởng Tiến cho rằng, sẽ không có chuyện đó.
Bà kêu gọi toàn thể ngành y tế, mọi cá nhân trong cả nước hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp.
Tuy nhiên, sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc.