Agribank ưu tiên tuyển người nhà: "Lần đầu tôi nghe nói"

Phương Nhi |

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Đây là một chính sách bất hợp lý và không phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc tuyển chọn nhân viên ngân hàng.

Ngân hàng tuyển dụng ưu tiên người nhà: Trái với thông lệ quốc tế

Việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) công khai quy định tuyển dụng năm 2015, ưu tiên người nhà lên tới 30% số điểm đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói và tôi rất ngạc nhiên khi một ngân hàng Việt Nam lại làm trái với thông lệ quốc tế như thế này!”.

Theo TS.Hiếu, lợi điểm của chính sách tuyển dụng này là: Khi giới thiệu người quen, người thân vào trong Agribank, vì là người nhà nên họ sẽ biết được ưu điểm của ứng viên từ đạo đức cá nhân tới khả năng làm việc.

Bởi trong ngành ngân hàng, đạo đức cá nhân đóng vai trò quan trọng nhất là sau nhiều sai phạm tài chính, tham nhũng đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Lợi điểm thứ hai là không phải ra ngoài thuê công ty tuyển dụng, điều này sẽ tiết kiệm được một phần chi phí cho Agribank.


Tuyển dụng ưu tiên người nhà được đăng tải công khai trên website của ngân hàng Agribank.

Tuyển dụng "ưu tiên người nhà" được đăng tải công khai trên website của ngân hàng Agribank.

Tuy nhiên, chính sách ưu tiên người nhà này lại có nhiều bất lợi xét theo quan điểm của TS.Hiếu.

Bởi những người có quan hệ gia đình làm việc với nhau trong cùng một cơ quan, họ có thể sẽ tìm cách bảo vệ, bao che nhau, đặc biệt trong trường hợp phát hiện những tiêu cực xuất phát từ người thân của mình.

Thứ nữa là tạo ra một văn hóa mang tính chất cá nhân, gia đình.

TS.Hiếu cho rằng: Đây là một chính sách bất hợp lý và không phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc tuyển chọn nhân viên cho ngân hàng.

Vì ngành ngân hàng đòi hỏi tất cả các cán bộ phải được xét duyệt một cách chuyên nghiệp bao gồm: Tiêu chí về bằng cấp - học lực, kinh nghiệm, kỹ năng và cả đạo đức nghề nghiệp.

“Tại Mỹ hay các ngân hàng trên thế giới, quan hệ gia đình không những không được đưa vào tiêu chí tuyển dụng mà ngược lại, các ngân hàng còn không ưu tiên.

Đặc biệt, đối với việc tuyển dụng các tầng lớp lãnh đạo cao cấp nếu có quan hệ với người trong hệ thống còn là điểm trừ, điểm tiêu cực” – ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này lấy ví dụ: Trong Hội đồng quản trị, những người có quan hệ gia đình thường không được các cơ quan chức năng cho phép.

Ngay cả trong ban lãnh đạo, ban Tổng Giám đốc, những người có quan hệ gia đình với nhau thường bị loại trừ, chứ đừng nói khuyến khích như ở Việt Nam.

“Một tổ chức lớn như Agribank, một ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam về mặt thương hiệu, mạng lưới, quy mô hoạt động, nếu đi ngược với thông lệ giới tài chính trên thế giới sẽ ảnh hưởng nhiều tới uy tín của ngân hàng này.

Các ngân hàng khác không nên làm theo Agribank mà nên làm ngược lại. Vì trong tất cả các ngân hàng mang tính chuyên nghiệp, không có ngân hàng nào lại có chủ trương tương tự như vậy” – ông Hiếu lưu ý.

Cũng đồng tình với quan điểm của TS.Hiếu, một cán bộ của Navigos – công ty chuyên cung ứng việc làm và nhân sự hàng đầu Việt Nam cũng cho hay:

Các doanh nghiệp nước ngoài thường không tuyển người nhà vào bộ máy của công ty bởi mấu chốt của vấn đề là năng lực của ứng viên, chứ không phụ thuộc “người nhà hay không người nhà”.

Thậm chí, có những công ty còn quy định khắt khe tới mức: Không chấp nhận bắt tay, hợp tác với những đối tác bên ngoài có người nhà với nhân viên của công ty, chứ chưa nói tới việc cùng làm ở công ty.

Là người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn, Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: “Các công ty cổ phần thì không ai làm thế”.

Bởi lẽ, các ngân hàng tuyển dụng tập trung tìm người làm tốt nhất cho công việc nên sẽ không có chuyện ưu tiên gì ở đây cả.

“Chỉ có chăng trong trường hợp kết quả thi xét tuyển bằng nhau, có ưu tiên trường hợp con em. Khi đó không có chuyện gì quan trọng vì chất lượng bằng nhau rồi. Việc ưu đãi cho con em cán bộ lúc này vào làm không làm giảm chất lượng nội bộ” – ông Tuấn chia sẻ.

Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất hiện nay Nhà nước đang giữ 100% vốn điều lệ nên có thể có chính sách khác.

“ Có khi họ bắt chước theo kiểu tuyển sinh đại học như con em gia đình chính sách, cách mạng được ưu tiên cộng 2 – 3 điểm…” – ông Tuấn hài hước.

Agribank trái luật: Cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm minh

Liên quan tới vấn đề này, theo luật sư (LS) Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn LS Tp. Hà Nội), cách tuyển dụng này trái không phải một mà “rất nhiều luật”, nghiêm trọng nhất là vi phạm nhiều Điều khoản tại Luật Lao động 2012.

Cụ thể, vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Luật Lao động 2012 do đã có hành vi “Phân biệt và đối xử với người lao động”.

Vi phạm Khoản 1, Điều 8 quy định về “Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tuyển dụng lao động” do đã có “Hành vi phân biệt đối xử về thành phần xã hội”.

Với kinh nghiệm gần 20 năm làm nghề luật sư và tham gia tư vấn, tranh tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhiều người lao động, LS Hoàng đã bày tỏ sự bất bình với chính sách “lạ” này của Agribank.

Ông Hoàng cho rằng: Việc tuyển dụng theo hình thức “ưu tiên con ông cháu cha” trước đây chỉ được lưu truyền trong dư luận, nay đã được Agribank “chính thức nâng lên một tầm cao mới”.

Agribank đã “luật hóa/quy chế hóa” giúp cho việc trúng tuyển viên chức, công chức được dễ dàng cho những ai có người nhà làm trong ngành mà khỏi xét đến nhiều khía cạnh trình độ.

Theo LS Lê Ngọc Hoàng: Cách tuyển dụng của Agribank đã vi phạm giá trị nhân quyền chung của người lao động.
Theo LS Lê Ngọc Hoàng: Cách tuyển dụng của Agribank đã vi phạm giá trị nhân quyền chung của người lao động.

Thêm vào đó, “việc làm “trắng trợn, công khai và coi thường pháp luật” của Agribank như vậy dễ dẫn đến “tiền lệ xấu” đối với các ban, ngành cơ quan khác trong xã hội... trong việc tuyển dụng.

Nếu tiếp tục học theo Agribank mà cấm cửa đối với các con em có bố mẹ làm ngoài ngành sẽ gây bất bình đẳng trong xã hội” – LS Hoàng nói.

Ngoài ra, theo LS Hoàng, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, việc “bế quan tỏa cảng” đối với lao động ngoài ngành không những không đem lại hiệu quả kinh doanh cao mà còn không được các công ty nước ngoài chấp nhận.

Và trên bình diện quốc tế thì đây là sự vi phạm giá trị nhân quyền chung của người lao động.

“Việc “cố tình ra văn bản vi phạm pháp luật” này của Agribank cần phải được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh” – LS Lê Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Trong khi dư luận đang lên tiếng phê phán cách tuyển dụng này của Agribank, trao đổi với PV vào chiều 26/10, đại diện truyền thông của ngân hàng này cho biết:

Các lãnh đạo Agribank đã có cuộc họp từ sáng 26/10, tuy nhiên tới chiều, ban truyền thông vẫn chưa nhận được phát ngôn từ người có thẩm quyền.

“Chúng tôi sẽ có văn bản hoặc liên hệ lại với báo chí để có câu trả lời chính thức để giúp Agribank đưa tin tới độc giả một cách khách quan nhất có thể. Hiện tại thì Agribank chưa có thông tin chính thức” – vị đại diện trên nhấn mạnh.

Loạt sai phạm của Agribank

Theo LS Lê Ngọc Hoàng: Đối với Doanh nghiệp Nhà nước nói chung và Agribank nói riêng (100% vốn Nhà nước), việc tuyển dụng cán bộ, công chức phải tuân theo Pháp luật về cán bộ, công chức viên chức.

Tuy nhiên ở đây, Agribank đã có một loạt sai phạm trong việc thi tuyển không thể chối cãi, cụ thể:

1. Vi phạm nguyên tắc “Bảo đảm tính cạnh tranh” quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật cán bộ, công chức 2008 và Khoản 2 Điều 21 Luật viên chức 2010.

2. Vi phạm Thông tư  số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 về: Điều kiện xét tuyển đặc cách (Điều 7).

3. Vi phạm nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 04 năm 2012 cẩu chính phủ (Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) với nội dung về:

a. Nội dung và hình thức thi (Điều 7)

b. Cách tính điểm thi tuyển dụng viên chức (Điều 9)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Ông Thang Văn Phúc
Để nó trở thành một quy định và công khai như thế trong một cuộc thi tuyển là điều không hay lắm. Nói cách khác là không ổn. Điều này sẽ tạo ra những rào cản đối với con em của những người ngoài ngành, con em nông dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại